Học cách chấp nhận - Sự hấp dẫn của cuộc chơi

Bóng đá cuối cùng vẫn là một trò chơi, gắn liền với nó là thắng thua, may rủi, nguời ta yêu Bóng đá cũng vì những sự bất ngờ đôi khi vô lý ấy. Là kẻ trong cuộc, hãy học cách chấp nhận, như là một phần của cuộc chơi. Đã từng có "Bàn tay của Chúa" mà Maradona năm xưa dùng để ghi bàn vào lưới đội Anh, hay cái vạch vôi vẫn còn gây tranh cãi dù đã đem về chiến thắng cho chủ nhà WC 1966, điều còn lại để người ta suy ngẫm, chính là cách hành xử của những người cầm cân nảy mực...

Sáng 6/9, Trưởng BTC World Cup 2006 Lennart Johannson và những người có trách nhiệm đã ra quyết định chính thức (và cuối cùng) về kết quả trận đấu play-off lượt đi, trong khuôn khổ vòng loại WC 2006, khu vực Châu Á, giữa hai đội Uzbekistan và Bahrain. Đây quả là một gáo nước lạnh, một phán quyết cực kỳ bất công trong suy nghĩ của BHL cũng như các cầu thủ Uzbekistan, những người luôn cho rằng mình đã bị đánh cướp thắng lợi một cách trắng trợn truớc Bahrain hôm 3/9. Quay trở lại tình huống gây tranh cãi, phút 39 của trận đấu, cầu thủ Uzbekistan đã thực hiện thành công quả 11m do đối thủ để bóng chạm tay trong vòng cấm, những tưởng trận đấu đã an bài với cách biệt không nhỏ (2 bàn) cho đội chủ nhà, nhưng trọng tài người Nhật Yoshida Toshimitsu đã thổi còi không công nhận bàn thắng, và những gì xảy ra sau đó còn đáng kinh ngạc hơn, thay vì tổ chức đá lại quả penalti, ông trọng tài đến từ xứ sở "Mặt trời mọc" đã cho các cầu thủ Bahrain được thực hiện quả phạt gián tiếp với lý do đã có một cầu thủ Uzbekistan đứng trong khu vực 16m50, đây là một quyết định chưa từng có trong tiền lệ.

LĐBĐ Uzbekistan đón nhận quyết định này bằng thái độ thất vọng và giận dữ: "Thật quá bất công khi phải đấu lại trong khi chúng tôi đã thắng trước 1-0 và còn bị cướp mất một quả phạt đền thành công. Nếu chúng tôi không được xử thắng 3-0 thì trận đấu lại sẽ phải bắt đầu từ phút 39 với tỷ số 1-0 và quả penalty cho Uzbekistan"! 

(theo TTVN net).

Kết luận từ Fifa là do "lỗi kỹ thuật" của trọng tài. Theo cách lý giải này thì ông Yoshida cần phải cho Uzbekistan thực hiện lại quả penalty chứ không thể "xoá sổ" bàn thắng. Tuy nhiên, FIFA cũng từ chối luôn đòi hỏi từ phía "nạn nhân" đó là được nghiễm nhiên thắng với tỷ số 3-0, bất chấp những phản ứng quyết liệt của Uzbekistan, FIFA tỏ ra rất cứng rắn: đấu lại trận lượt đi và dời trận lượt về đến ngày 12/10 là quyết định cuối cùng và không thể thay đổi được!  

Tất nhiên người được lợi và "vui vẻ" nhất chính là đội tuyển Bahrain, không  chỉ  "trở về từ cõi chết" đội bóng này còn có cơ hội bổ sung nhân lực với sự trở lại của tiền đạo quan trọng Aala Hubail đã bình phục chấn thương.

Sự kiện này (phải công nhận rằng) đã có bất công với đội tuyển Uzbekistan, nhưng đứng ở một góc độ khác, bằng cái nhìn khách quan mà mỗi cuộc chơi đều phải có, thì cách hành xử của những nhà quản lý BĐTG (Fifa) đã rất thành công, như một động thái nhằm giữ gìn trật tự (trong phạm vi vốn đã có quá nhiều "va chạm", tranh chấp) cho Bóng đá. Luật đã ghi rõ, quyết định sau cùng là của trọng tài - hãy hình dung những phân tích của Fifa - " khi anh đã không công nhận sai lầm của trọng tài (trọng tài sai thật), thì chỉ có cách quay trở lại vạch xuất phát, chẳng có căn cứ nào để khẳng định, sai lầm của trọng tài người Nhật Yoshida Toshimitsu chỉ nhằm vào mỗi Uzbekistan cả, Bahrain cũng sẽ có những lý lẽ của họ và trận đấu cả trong và ngoài sân có biết bao giờ mới có thể kết thúc?

Bóng đá cuối cùng vẫn là một trò chơi, gắn liền với nó là thắng thua, may rủi, nguời ta yêu Bóng đá cũng vì những sự bất ngờ đôi khi vô lý ấy. Là kẻ trong cuộc,  hãy học cách chấp nhận, như là một phần của cuộc chơi. Đã từng có  "Bàn tay của Chúa" mà Maradona năm xưa ghi bàn vào lưới đội Anh, hay cái vạch vôi vẫn còn gây tranh cãi dù đã đem về chiến thắng cho chủ nhà WC 1966, điều còn lại để người ta suy ngẫm, chính là cách hành xử của những người cầm cân nảy mực, nhỏ là trọng tài, lớn là Liên đoàn (các cấp). Tất nhiên chúng ta có luật, nhưng trong BĐ và cuộc sống này, đôi khi  những tình huống ngoài luật vẫn cứ xảy ra, cách giải quyết đúng đắn nhất chính là sự kiên quyết, dựa trên một yếu tố tưởng như vô cùng mơ hồ (còn quan trọng hơn cả kiến thức) - đó là Lương tâm nghề nghiệp

 

Chu Hưng


Ảnh trong bài
  • Học cách chấp nhận - Sự hấp dẫn của cuộc chơi