Các ứng viên còn được Uỷ ban Trọng tài của FIFA tiếp xúc riêng thông qua các cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh để kiểm tra trình độ ngoại ngữ. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với trọng tài tham gia điều hành các trận đấu tại World Cup 2006.
Tại World Cup 2006, các trọng tài đã được IFAB khuyến cáo cần xử nghiêm các lỗi về câu giờ, các hành vi thi đấu thô bạo (như đánh cùi chỏ hoặc vào bóng thô bạo), kéo áo hay giả vờ ngã. Mục đích cao nhất của những việc làm này là nhằm bảo vệ các cầu thủ, và thông qua đó, bảo vệ các trận đấu.
Theo Chủ tịch FIFA, ông Sepp Blatter, 23 trọng tài làm nhiệm vụ tại Đức mùa hè này là những người điều khiển trận đấu tốt nhất thế giới hiện nay và họ sẽ đóng vai trò sống còn tại giải đấu năm nay, do đó, FIFA sẽ đặt lên vai họ những yêu cầu thật khắt khe.
World Cup 2006 dự kiến là kỳ World Cup đầu tiên sử dụng tổ trọng tài (1 trọng tài chính, 3 trợ lý) của cùng 1 nước, hoặc ít nhất là cùng 1 Liên đoàn Bóng đá để điều khiển 1 trận đấu. Theo giải thích của IFAB thì việc để các trọng tài đã làm việc với nhau cùng điều hành 1 trận đấu sẽ làm tăng tính hiệu quả và kịp thời trong hành động và giúp tăng chất lượng của những người cầm còi.
Bên cạnh đó, sẽ có 3 trợ lý cho mỗi trọng tài chính và ít nhất 2 trong số 3 người đó phải vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra. Nếu không, cả 3 người, cùng với trọng tài chính, sẽ bị loại để thay thế bằng nhóm trọng tài khác. World Cup 2006 tại Đức mùa hè này cũng là lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ World Cup có một tổ trọng tài dự bị gồm có 7 trọng tài chính và 14 trợ lý. Tổ trọng tài này chỉ phải thi hành nhiệm vụ khi có một tổ trọng tài nào đó không thể điều hành trận đấu, vì một lý do bất khả kháng.
Châu Á có được 2 đại diện trong danh sách 23 trọng tài này đó là trọng tài Sham-sul Maidin của Singapore và Toru Kamikawa của Nhật Bản.
T.Dương (Theo AP)