Công tác lập pháp Thể dục Thể thao ở Trung Quốc

Ngày 29/8/1995, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã ban bố Luật thể thao nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, đồng thời bắt đầu thực thi kể từ ngày 1/10 năm đó.

Ngày 29/8/1995, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã ban bố Luật Thể thao nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, đồng thời bắt đầu thực thi kể từ ngày 1/10 năm đó. 

Luật thể thao là bộ luật đầu tiên của ngành Thể dục Thể thao kể từ ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa cho đến nay, với hình thức lập pháp nhà nước, bộ luật đã làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ phát triển ngành Thể dục Thể thao của nhà nước và cơ quan hành chính Thể thao, đã làm rõ quyền lợi của công dân trong tham gia hoạt động thể dục thể thao. Luật thể thao quy định: "Nhà nước phát triển ngành Thể dục Thể thao, triển khai hoạt động thể dục thể thao quần chúng", "Công tác chiến lược thể dục thể thao lấy việc triển khai các hoạt động toàn dân rèn luyện thân thể làm cơ sở"

Việc công bố luật thể thao đã kết thúc thời kỳ không có luật của ngành Thể dục Thể thao và đã đánh dấu giai đoạn phát triển mới của ngành Thể dục Thể thao Trung Quốc giai đoạn làm việc theo pháp luật.

Giáo sư Vu Thiện Húc, Học viện Thể dục Thể thao Thiên Tân, Uỷ viên thường vụ Hội nghiên cứu Luật thể thao Hội Luật học Trung Quốc tham gia công tác biên soạn và ấn định luật thể thao, đã nói về động cơ soạn thảo luật thể thao như sau:

"Cốt lõi quan trọng của pháp chế hiện đại là bảo vệ quyền lợi của đông đảo công dân. Bảo vệ quyền lợi đó, cần dựa trên những pháp chế mạnh mẽ. Việc soạn thảo luật thể thao giúp mọi người có căn cứ pháp luật triển khai hoạt động thể thao, dành sự đảm bảo cho chúng ta bảo vệ mọi hành vi thể thao, điều chỉnh quan hệ thể thao"

Cùng với việc ra đời của luật thể thao, luật cơ bản của ngành Thể dục Thể thao, Trung quốc không ngừng tăng nhanh nhịp độ lập pháp thể thao, các văn bản pháp quy đồng bộ dựa trên cơ sở luật thể thao đã lần lượt ra đời. Trong 46 năm trước khi ban bố luật thể thao, Quốc vụ viện Trung Quốc chỉ ban bố ba pháp quy hành chính thể thao, các pháp quy mang tính địa phương trong nước cũng rất ít. Song những năm gần đây, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố pháp quy hành chính thể thao mới, tháng 2 năm 2002 đến tháng 1 năm 2004, ba pháp quy hành chính là: điều lệ bảo vệ biểu tượng Olympic, điều lệ cơ sở thể thao văn hoá công cộng và điều lệ chống doping đã lần lượt ra đời.

Tăng cường lập pháp trong lĩnh vực thể thao là nhu cầu phát triển của ngành Thể dục Thể thao Trung Quốc, cũng là nhu cầu khách quan tiến bộ, đánh dấu phát triển của xã hội Trung Quốc. Pháp quy hành chính thể thao mới ra đời đã giải quyết những vấn đề mới xuất hiện. Một ví dụ: theo đà phát triển kinh tế của Trung Quốc, đất sử dụng tại các thành thị trở nên phức tạp vì những năm gần đây, một số địa phương, một số đơn vị tuỳ tiện chuyển đổi sân vận động công cộng thành chợ, thành đất xanh hoá thành thị hoặc dùng vào việc phát triển xây dựng nhà ở khá phổ biến. Điều lệ cơ sở thể thao văn hoá  công cộng đã cấm hiện tượng như vậy. Điều lệ quy định: "Bất cứ đơn vị hoặc cá nhân nào cũng không được chiếm đoạt đất dùng để xây dựng cơ sở thể thao văn hoá công cộng hoặc thay đổi chức năng của nó", "Đơn vị quản lý cơ sở thể thao công cộng không được dùng bộ phận chính của cơ sở vào hoạt động phi thể thao"

Tháng 7/2001, Bắc Kinh giành quyền đăng cai thế vận hội mùa hè năm 2008. Tháng 2/2002, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành Điều lệ bảo vệ biểu tượng Olympic. Việc bảo vệ biểu tượng Olympic và quyền lợi liên quan với hình thức đạo luật của nhà nước được Giáo sư Vu Thiện Húc phát biểu: "Hoàn cảnh ban hành điều lệ bảo vệ biểu tượng Olympic là việc Bắc Kinh xin đăng cai Thế vận hội thành công. Xét từ ý nghĩa rộng hơn, là thể hiện việc Trung Quốc coi trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Bảo vệ biểu tượng Olympic là yêu cầu rõ ràng của phong trào Olympic hiện đại đối với các nước, nhất là nước được tổ chức thế vận hội. Trong báo cáo xin đăng cai, Bắc Kinh đã cam kết phải tuân theo yêu cầu của Uỷ ban Olympic Quốc tế, thực thi có hiệu quả đối với mọi quyền lợi Olympic, bao gồm bảo vệ hữu hiệu biểu tượng Olympic, kể cả soạn thảo pháp luật, pháp quy để bảo vệ nó"

Việc ra đời kịp thời điều lệ bảo vệ biểu tượng Olympic đã ngăn chặn có hiệu quả những hành vi xâm phạm biểu tượng Olympic. Theo thông báo, trong một năm sau khi kiểm tra việc thực hiện điều lệ bảo vệ biểu tượng Olympic ở Trung Quốc đã điều tra xử lý hơn 400 vụ xâm phạm bản quyền quyền biểu tượng Olympic. Cách làm này đã được Uỷ ban Olympic Quốc tế và dư luận quốc tế đánh giá cao.

Chống Doping là một vấn đề chung của thể thao thế giới hiện nay. Năm 2004, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành điều lệ chống Doping, Trung Quốc đã trở thành một trong số ít các nước trên thế giới có lập pháp riêng về vấn đề chống Doping. Hành động này chứng tỏ lập trường kiên định của chính phủ và cơ quan hành chính thể thao Trung Quốc trên vấn đề chống Doping và điều đó thể hiện rằng công tác chống Doping của Trung Quốc đã từ giới hạn trong hệ thống ngành Thể thao đã vươn lên tầm cỡ quốc gia.

Theo đà phát triển cao của nền kinh tế  - xã hội và của ngành Thể dục Thể thao, Trung Quốc ngày càng có nhiều công việc cần phải xác định về mặt lập pháp thể thao. Hoàn cảnh xã hội khi soạn thảo luật thể thao đã khác so với hiện nay, vì thế cần phải có sự sửa đổi luật thể thao cho hợp với thực tế hiện tại, về vấn đề này Giáo sư Vu Thiện Húc nói: "Luật thể thao đã ban hành được 10 năm, bộ luật này còn bộc lộ những điểm chưa hoành thiện trong thời gian qua, còn tồn tại một số điểm quá nguyên tắc, cứng nhắc, tính linh hoạt không cao, nội dung xác lập quyền lợi công dân thể hiện ở mặt bảo vệ quyền lợi của họ còn chưa nổi bật, điều này cho thấy cần phải sửa đổi bộ luật thể thao, làm cho nó hoàn thiện hơn".

Ngoài sửa đổi luật thể thao, trong lĩnh vực lập pháp TDTT còn nhiều công việc cần phải hoàn thành. Ví dụ như: thị trường thể thao Trung Quốc phát triển nhanh chóng cần có pháp quy hành chính thể thao mới để điều chỉnh và phù hợp với phát triển của thể thao thành tích cao, xây dựng cơ chế khiếu nại và đảm bảo tính pháp lý của hoạt động trọng tài hoặc vấn đề công khai trong lĩnh vực thể thao thành tích cao cũng là đề tài mà các nhà nghiên cứu luật học thể thao Trung Quốc cần phải hoàn thành.

 

Lê Đức Chương (Lược dịch từ Tạp chí Thể thao Trung Quốc)


Ảnh trong bài
  • Công tác lập pháp Thể dục Thể thao ở Trung Quốc