World Cup 2006: Gió sẽ đổi chiều?

Người ta đang nói nhiều tới một thế giới đa cực, ngày càng khó tập trung sức mạnh, ưu thế tuyệt đối (trên tất cả các lĩnh vực) dù cho đó là quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào đi nữa. Bóng đá không phải là ngoại lệ bởi cũng đang nằm trong xu thế chung đó?

Người ta đang nói nhiều tới một thế giới đa cực, ngày càng khó tập trung sức mạnh, ưu thế tuyệt đối (trên tất cả các lĩnh vực) dù cho đó là quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào đi nữa. Bóng đá không phải là ngoại lệ bởi cũng đang nằm trong xu thế chung đó?

Tất nhiên là cho tới thời điểm hiện tại, chiếc cúp Vàng vẫn chưa một lần thoát khỏi tay các đội tuyển của Châu Âu và Nam Mỹ, nhưng giờ đây, đã thấy manh nha hình thành những tham vọng "vượt tầm" - được coi là dấu hiệu lật đổ được phát đi từ những vùng đất ít truyền thống như Châu Á, Châu Phi. Khát vọng đổi thay của các gương mặt mới liệu có khiến cho cục diện, trật tự trên bản đồ Bóng đá Thế giới khác đi? Sự suy yếu của các thế lực cũ hay nhìn nhận một cách khách quan thì chính là sự vươn lên mạnh mẽ của những thân phận nhược tiểu trong làng Bóng đá thế giới?

Vấn đề của các đại gia

Các đại gia, từng nắm giữ quyền lực, đều có những vấn đề tự thân trước khi đặt chân tới Đức: Italy, chủ sở hữu của 3 chức vô địch chắc chắn sẽ chịu không ít ảnh hưởng (tâm lý) sau scandal ở giai đoạn cuối của Serie A 05-06. Cụ thể hơn, nhìn vào bản danh sách tới Đức, thực lực của các Chàng trai áo thiên thanh được đặt dấu hỏi bởi không ít lý do: hàng tiền vệ với Gennaro Gattuso, Andrea Pirlo, Mauro Camoranesi, 3 gương mặt trong đội hình (4-3-3) xuất phát, đã thể hiện vẻ nhạt nhoà, thiếu cân đối cả trong phòng thủ và hỗ trợ tấn công. Lâu lắm rồi chân sút chủ lực (Luca Tony - Fiorentina) của Azzurri mới lại không đến từ một trong những đại gia (Juventus, AC, Inter...). Chẳng biết Totti - Hy vọng lớn nhất đã hồi phục hoàn toàn? Và liệu thuyền trưởng Lippi có thực sự vô can trong vụ tiêu cực đang bị mở rộng phạm vi điều tra để toàn tâm toàn ý với kỳ World Cup được dự báo là đầy rẫy khó khăn này...Tất cả những chi tiết ấy nói lên một điều, nếu muốn xoá đi hình ảnh u ám 4 năm trước với thất bại cay đắng trước Hàn Quốc, đội bóng đến từ đất nước hình chiếc ủng cần phải có một nỗ lực phi thường.

Argentina chưa bao giờ thiếu vắng các tài năng, họ luôn nhận được sự đánh giá cao, nhưng kết quả thi đấu không như ý ở vòng loại World Cup 2006, cộng với những quyết định, lựa chọn khá mạo hiểm của HLV trưởng Pakerman (dành cơ hội cho các tài năng trẻ, bỏ qua các cựu binh như Veron, Zanetti, Samuel...trong khi lịch sử các Vòng chung kết đã chứng minh, đấu trường này, không phải là nơi dành cho những thử nghiệm) đã cho thấy những bất ổn. Riêng cá nhân người viết, mặc dù rất yêu thích Juan Roman Riquelme bởi kỹ thuật và nhãn quan hiếm thấy của anh, nhưng có một dự cảm; sự sáng tạo, cảm hứng thi đấu - đặc điểm chính của cầu thủ được coi là có công lớn, đưa Villareal tới bán kết Champions League năm rồi, sẽ là nguyên nhân khiến đội bóng của vũ điệu Tango không thể đi tới tận cùng ước nguyện. Roman luôn "phải" là linh hồn và điều này thể hiện rõ trong cách chơi của anh, nhưng trong một chiến dịch dài hơi như World Cup, không một đội bóng nào được phép - dù là chủ động (chiến thuật) hay vô tình phụ thuộc (vì cách chơi của Riquelme) - trông chờ quá nhiều vào một vài cá nhân, bài học đến từ chính thất bại của Maradona và đội tuyển Argentina trước "cỗ xe tăng" Đức tại Italy 90. Vì thế, nhiều khả năng đội tuyển Argentina, vẫn sẽ rời nước Đức với tổng cộng chỉ 2 chức vô địch Thế giới mà thôi.

Còn các CĐV Pháp, xin đừng đòi hỏi thêm nữa, lứa cầu thủ Vàng có công kiến tạo lịch sử như Zidan, Thuram...đã tận lực, trong khi dường như chưa xuất hiện một sự thay thế xứng đáng, thiếu đồng đều, cho nên cũng "miễn bàn" tới sự gắn kết. Người ta vẫn phải công nhận, đội bóng áo Lam đang may mắn được sở hữu một trong những tiền đạo hay nhất của Bóng đá hiện đại là Thierry Henry, nhưng nếu so sánh từng vị trí trong đội hình đã mang về cho Pháp vị trí số 1 Thế giới (1998) và Châu Âu (2000) với đội tuyển hiện tại, người ta sẽ thấy còn quá nhiều việc phải làm trên con đường tìm lại hào quang xưa. Vấn đề là ở chỗ, hệ thống đào tạo trẻ của Pháp đã từng là hình mẫu để Fifa đem đi quảng bá khắp Thế giới cho thiên hạ học tập. Đã qua rồi thời kỳ cầu thủ Pháp là số 1 trên thị trường chuyển nhượng, trong khi thế một ngựa của O. Lyon tại Ligue I suốt 5 năm qua có khi lại là tín hiệu buồn của một nền Bóng đá lớn. Vì thế, đây sẽ là một kỷ niệm không vui của Zidan trong ngày chia tay với sự nghiệp Bóng đá của mình, những năm tháng đã cho anh vinh quang, niềm vui và cả giọt nước mắt...

Người ta lấy kết quả (thứ nhì) của đội chủ nhà Đức tại Đông Á 4 năm trước (cũng không được đánh giá cao trước giải) để biện minh cho sự "phập phù" của Ballack và đồng đội. Còn nhớ, "cỗ xe tăng" trầy trật nhưng vẫn tiến vào tới tận chung kết, làm đảo lộn những dự đoán ban đầu. Nhưng chẳng biết có phải do khiêm tốn mà nhiều nhân vật rất có uy tín của Bóng đá Đức như F.Beckenbauer, M.Sammer...đã đánh giá thành công của thày trò R.Voeller khi ấy là nhờ sự sa sút đồng loạt rất khó hiểu của các đối thủ mạnh như Argentina, Italy, Pháp...Không tính lợi thế chủ nhà, có vẻ như đội Đức tham chiến lần này mà đang thiếu đi đặc tính từng làm nên "thương hiệu" của họ đó là sự lỳ lợm (phong độ ổn định). Sẽ rất khó cho lần thứ 4 và ngay tại quê hương, để đội quân trẻ trung của HLV Jurgen Klinsmann nâng cao chiếc Cúp vô địch.

Ngoài ra, vẫn phải nhắc tới những cái tên thuộc về quá khứ như CH Czech, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...đều là những đội bóng hay, từng tiến sâu trong nhiều kỳ World Cup trước, nhưng dường như những đội bóng này vẫn thiếu một chút may mắn hay sức bật cần thiết trong thời điểm quyết định. "Kết quả hay quá trình" - Bóng đá hiện đại từ lâu đã tìm ra cách trả lời, và vì thế, với họ, ngày hội Bóng đá lớn nhất hành tinh khép lại mà vẫn chỉ là những tiếng thở dài...

Kỳ sau: Mong manh Hy vọng.

Quang Huy

Ảnh trong bài
  •  World Cup 2006: Gió sẽ đổi chiều?