World Cup 2006: Gió sẽ đổi chiều? (tiếp theo)

Người ta đang nói nhiều tới một thế giới đa cực, ngày càng khó tập trung sức mạnh, ưu thế tuyệt đối trên khắp các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá...dù cho đó là quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào. Điều này "đúng dần" ngay cả trong lĩnh vực Bóng đá. Tất nhiên là cho tới thời điểm hiện tại, chiếc cúp Vàng vẫn chưa một lần thoát khỏi tay các đội tuyển của Châu Âu và Nam Mỹ, nhưng giờ đây, đã thấy manh nha hình thành những tham vọng "vượt tầm" - dấu hiệu của sự lật đổ.

Người ta đang nói nhiều tới một thế giới đa cực, ngày càng khó tập trung sức mạnh, ưu thế tuyệt đối trên khắp các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá...dù cho đó là quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào. Điều này "đúng dần" ngay cả trong lĩnh vực Bóng đá. Tất nhiên là cho tới thời điểm hiện tại, chiếc cúp Vàng vẫn chưa một lần thoát khỏi tay các đội tuyển của Châu Âu và Nam Mỹ, nhưng giờ đây, đã thấy manh nha hình thành những tham vọng "vượt tầm" - dấu hiệu của sự lật đổ. Khát vọng đổi thay của các gương mặt mới liệu có khiến cho cục diện, trật tự trên bản đồ Bóng đá Thế giới khác đi? Sự suy yếu của các thế lực cũ có là điều đáng mừng với những thân phận nhược tiểu trong làng Bóng đá Thế giới?

Mong manh Hy vọng

4 năm trước, có lẽ chẳng NHM nào, dù là mơ mộng nhất, dám nghĩ đội chủ nhà Hàn Quốc sẽ thành công đến thế. Ngoài yếu tố địa lợi - sân nhà, ý nghĩa lớn lao của chiến công ấy là trên chặng đường chinh phục vị trí thứ 4, đội tuyển của xứ sở kim chi bỗng quật cường, dũng cảm không ngờ, đả bại hàng loạt tên tuổi như Italy, Tây Ban Nha...đều thuộc hàng "cây đa, cây đề" của làng BĐTG. Mà cái cách giành chiến thắng càng khiến cho người ta phải cảm phục, hết lội ngược dòng, rồi lại luân lưu 11m. Vấn đề thể lực, từ trước đến nay luôn được coi là hạn chế của các cầu thủ Châu Á, nhưng tại Vòng chung kết 2002 đã trở thành vũ khí lợi hại của đội tuyển Hàn Quốc. Thật khó tin khi những ngôi sao của La Liga hay Serie A đã thua trận với lý do chủ yếu vì sút giảm thể lực. Để giải thích cho kỳ tích của Hàn Quốc, nhiều người cho rằng công đầu thuộc về HLV xuất sắc Guus Hiddink. Nhưng mặt khác, không thể phủ nhận Hàn Quốc có được bước tiến thần tốc trong Bóng đá cũng là nhờ sự thăng tiến vượt bậc về kinh tế , có ý nghĩa như là tiền đề để phát triển các lĩnh vực khác của xã hội như: chính trị, văn hoá (trong đó có văn hoá thể chất), khoa học - kỹ thuật...Mặc dù sẽ rất khó để Hàn Quốc một lần nữa làm nên điều kỳ diệu tại Đức, nhưng con đường phát triển của Bóng đá Hàn Quốc phải chăng là hình mẫu cho các Quốc gia khác trong khu vực cũng như trên TG học tập, nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm.

Tinh thần võ sỹ đạo Nhật Bản đang trở nên cần thiết hơn bao giờ, nhất là trong giai đoạn này, khi một lứa cầu thủ xuất sắc của đất nước Mặt trời mọc như: Hidetoshi Nakata, Junichi Inamoto...đã qua bên kia sườn dốc sự nghiệp. Nhưng các CĐV xứ Phù Tang vẫn rất lạc quan bởi họ đang được dẫn dắt bởi HLV Zico (Brazil), một trong những người được coi là có công "khai phá", xây dựng nền Bóng đá Nhật Bản từ khi còn là một cầu thủ. Phong độ chói sáng với cách chơi bóng rất riêng của các cầu thủ Nhật tại World Cup 2002 khiến nhiều chuyên gia phải chú ý. Cũng giống như nhiều thành tựu ở các lĩnh vực khác, Bóng đá Nhật Bản có tính ưu việt rất đặc trưng, khiến cho các nền Bóng đá khác (đang trong giai đoạn phát triển) cần lưu tâm học hỏi. Với phương châm đề cao tinh thần tập thể, dựa trên tố chất, đặc điểm riêng (khéo léo, phù hợp lối chơi nhỏ, nhuyễn, gắn kết) tuy trình độ còn hạn chế, nhưng người Nhật đã tiến trước một bước khi xác định được "văn hoá Bóng đá" cho mình, đó là phải thi đấu vì "màu cờ sắc áo". Triết lý này được coi là rất quan trọng, quyết định tới khả năng cạnh tranh, đối đầu với các nền Bóng đá như Nam Mỹ, Châu Âu, nơi cầu thủ chịu sự ảnh hưởng lớn bởi chủ nghĩa cá nhân (bao gồm cả lợi ích và nhu cầu thể hiện).

Nếu mong đợi điều thần kỳ xảy ra tại World Cup, người ta thường có thói quen điểm mặt các đội bóng Châu Phi. Trong lịch sử, Lục địa đen luôn là nơi đóng góp cho làng Bóng đá Thế giới "những chú ngựa ô". Trước đây là Camơrun, Nigiêria, rồi Senegal nay là Bờ biển Ngà, các đội bóng đến từ Châu Phi luôn sở hữu những cầu thủ nổi bật, với nền tảng thể lực sung mãn, kỹ thuật cá nhân siêu việt, họ thể hiện một trình độ thi đấu không hề thua kém các đối thủ của các Quốc gia có nền Bóng đá phát triển, có truyền thống. Nhưng cho tới nay, thành tích của các đội Bóng đến từ Châu Phi vẫn chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng, hệ quả tất yếu của tình hình chính trị thiếu ổn định, kinh tế lạc hậu, yếu kém. Các đội bóng Châu Phi rất khó để giữ vững trình độ và nâng cao thành tích của mình. Sức mạnh duy nhất là những cầu thủ chinh chiến trong màu áo các Câu lạc bộ lớn tại Châu Âu, các đội tuyển Châu Phi tiềm ẩn sự thách thức hơn là vai trò của kẻ đi chinh phục.

Trên đây là những đánh giá sơ lược về những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho những đội bóng được nhận diện là yếu thế hơn tại sàn đấu lớn của Bóng đá Thế giới mùa hè này. Còn có Iran, Saudi Arabia, Togo, Tunisia...phải công nhận rằng những đội bóng này đều đã có những tiến bộ nhảy vọt trong thời gian qua, phần nào xoá đi cái khoảng cách vời vợi trong trình độ khi so sánh với những nền Bóng đá phát triển: Anh, Đức, Brazil... Những tỉ số với cách biệt không tưởng ngày càng ít, thay vào đó là những trận đấu hay, hấp dẫn, quyết liệt. Thắng lợi cuối cùng phải đổi bằng rất nhiều nỗ lực, cố gắng. Quan điểm, thái độ của các đội bóng lớn (và cả NHM) về những đội bóng này đang dần thay đổi, khẳng định chất lượng của Bóng đá thế giới đang được nâng lên, đồng nghĩa với những giá trị nhân văn của môn thể thao số 1 hành tinh ngày càng trở nên sâu sắc.

Kỳ sau: Buồm căng gió lộng ?

Quang Huy

Ảnh trong bài
  •  World Cup 2006: Gió sẽ đổi chiều? (tiếp theo)