Sau hơn 1 tuần khi trái bóng "Teamgeist" của World Cup lăn, xung quanh những giá trị tinh thần mà các trận đấu đem lại cho NHM thì công tác an ninh, lợi nhuận về kinh tế tại World Cup cũng đang là một vấn đề được nhiều người quan tâm.
Một tháng diễn ra World Cup, nước Đức là nơi tập trung của hàng triệu các cổ động viên đến từ các nước trên thế giới. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, con số lợi nhuận của World Cup 2006 lên tới hàng chục tỷ Euro, phá vỡ mọi kỷ lục thương mại ở các kỳ World Cup trước. Ngay việc bán bản quyền truyền hình cũng đã mang về hơn 1 tỷ Euro cho nước Đức (con số này tăng 34% so với kỳ World Cup trước đó tại Nhật Bản và Hàn Quốc). Trong khi đó số tiền thu về từ tiền bản quyền trên điện thoại di động là 120 triệu Euro.
FIFA cũng ước tính số tiền mà các cổ động viên chi tiêu trong suốt thời gian ở World Cup lên đến con số 2 tỷ Euro. Con số này đã tăng hơn 25% so với kỳ World Cup 2002. Để có mặt 1 ngày tại nước Đức trong suốt thời điểm diễn ra World Cup 2006, mỗi một vị khách sẽ phải tiêu tốn vài trăm Euro. Đó là còn chưa kể đến việc họ phải tiêu tốn hàng trăm Euro để mua những tấm vé vào sân vận động. 64 trận đấu ở 12 sân vận động khác nhau đã mang lại cho nước Đức một con số không nhỏ từ việc bán vé với khoảng hơn 800 triệu Euro. Tuy nhiên, số lượng vé bán ra cũng chỉ giới hạn và rất nhiều cổ động viên hâm mộ đã không thể có một chiếc vé vào xem những trận cầu nảy lửa. Họ phải tập trung trước các màn hình lớn được đặt trên các thành phố để chứng kiến những đội bóng mà họ yêu thích.
FIFA còn nhận được một khoản không nhỏ từ các nhà tài trợ. Theo thống kê, có 15 nhà tài trợ lớn cho World Cup lần này như Adidas, Coca Cola, MacDonals, Yahoo, American Express, Toshiba, Philips, Hyundai.... Số tiền quảng cáo cho các nhà tài trợ cũng lên đến con số 600 triệu Euro. Ngoài những khoản tiền trên, World Cup còn mang lại nhiều nguồn thu nhập khác cho nước chủ nhà World Cup như về du lịch, thương mại... World Cup 2006 cũng tạo ra công ăn việc làm cho hơn 60,000 người đang bị thất nghiệp, trong số đó 20,000 người sẽ được duy trì công việc thường xuyên sau khi World Cup kết thúc.
Tuy nhiên để chuẩn bị cho ngày hội Bóng đá lớn nhất hành tinh này, Chính phủ Đức đã phải chi một khoản ngân sách không nhỏ (hàng chục tỷ Euro) cho việc nâng cấp, sửa chữa sân vận động cũng như xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ cho World Cup 2006. World Cup 2006 có thể coi là ngày hội của Bóng đá thế giới cũng là ngày hội của những kỷ lục thương mại so với các kỳ World Cup trước.
V.A(tổng hợp Internet)