World Cup 2006: Ngoảnh đầu nhìn lại

Còn nhiều nữa những cái tên đã phải sớm nói lời từ giã cuộc chơi, mang theo bao tiếc nuối của những người yêu mến và đặt niềm tin vào họ. Nhưng Bóng đá là như vậy, chiếc Cúp Vàng chỉ có một và người sở hữu nó sẽ luôn được coi là mạnh nhất. Tuy thua, nhưng sẽ giá trị hơn nhiều nếu các đội bóng biết rút ra những kinh nghiệm cần thiết, để nuôi dưỡng khát vọng, niềm tin vào tương lai.

Cho tới giờ phút này, khi World Cup 2006 đã sắp đi hết hành trình của mình. 32 đội bóng, tới từ khắp các châu lục giờ chỉ còn lại 4 gương mặt: Đức, Italy, Pháp, Bồ Đào Nha (đều thuộc  Châu Âu) liệu đã khẳng định đẳng cấp, ưu thế của Cựu lục địa trong làng túc cầu ?

Sau khi được chứng kiến rất nhiều niềm vui chiến thắng và không ít giọt nước mắt ngậm ngùi thua cuộc, đa số NHM đã bắt đầu tổng kết lại cuộc chơi "lớn" của Bóng đá Thế giới, 4 năm mới có một lần.

Đầu tiên, có thể khẳng định, đây không phải là World Cup chứa đựng nhiều bất ngờ. Tất nhiên, cũng có lúc, trong từng thời điểm, từng trận đấu đã có những tỉ số, kết quả nằm ngoài dự đoán (Hàn Quốc thủ hoà Pháp 1-1, hay Ghana thắng Séc 2-0...) nhưng từng đó chưa đủ để thay đổi cục diện và tình thế chung của cả Giải đấu (kiểu như thành công của Senegal và Hàn Quốc năm 2002 đã trực tiếp tiễn Pháp, Tây Ban Nha, Italy...về nước). Người ta đã kỳ vọng rất nhiều vào đại diện duy nhất của Châu Phi - Ghana có thể làm nên một cú sốc, cơn địa chấn, nhưng thất bại với tỉ số 0-3 trước một ĐKVĐ Brazil đang không có phong độ tốt đã cho thấy; trong Bóng đá, khoảng cách trình độ không phải là chuyện sớm chiều có thể thay đổi và thực tế chỉ ra rằng, những nhận định về trật tự bản đồ thứ hạng, trình độ của Bóng đá Thế giới sẽ thay đổi tại World Cup 2006 là chưa chính xác.

Nếu "động đất" không thể tới từ những cái tên "thấp bé, nhẹ cân" thì thất bại của những đội bóng được coi là mạnh hơn, có nhiều ưu thế, khả năng giành Cúp Vàng như Anh, Brazil, Argentina...lại có nguyên nhân từ chính nội bộ các đội bóng đó. Vì thế gợi mở ra những chi tiết, yếu tố để suy ngẫm rất thú vị. Có thể nói, đã từ lâu người Anh mới lại có một dàn cầu thủ đồng đều, chất lượng như vậy. Hàng tiền vệ với : David Beckham, Frank Lampard, Steven Gerrard, Joe Cole, những cái tên mà chỉ mới nghe qua các HLV trên khắp thế giới đều mong muốn có được sự phục vụ của họ trong đội hình mà mình dẫn dắt. Ngoài ra, với 2 trung vệ là John Terry và Rio Ferdinand, mũi nhọn Rooney trên hàng công, đáng lý ra đội Anh hoàn toàn xứng đáng với một xuất tại Berlin trong trận chung kết. Dù nói gì đi nữa thì nguyên nhân thất bại của những chú sư tử Anh được nhận định là do...chính họ, hay chính xác hơn là do HLV bảo thủ: Sven Goran Eriksson. Trong tất cả các trận đã đấu tại World Cup, đội tuyển Anh chưa lúc nào thể hiện được đẳng cấp để đáp ứng sự mong mỏi của NHM. Trái với sự kỳ vọng, "con sơn ca" đã không cất tiếng hót tuyệt vời lần cuối, ông HLV người Thuỵ Điển đã không dám mạo hiểm hơn, để qua đó tạo ra những cơ hội rõ rệt cho mình và các học trò, mà trong một giải đấu dài hơi và khó khăn như World Cup, ngoài thực lực, thì khát khao chiến thắng cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng, giải toả tâm lý cho mình và đồng thời tạo sức ép cần thiết để đối thủ bộc lộ sơ hở, nhược điểm. Đội Anh dưới thời Eriksson có thói quen tự làm khó mình và đó là lý do chính khiến giấc mơ 40 năm (lần sau cùng và duy nhất Anh đoạt cúp Vàng là năm 1966) lại một lần nữa tan thành mây khói.

Không giống như đội tuyển Anh với sự "hèn nhát" đã thành hệ thống, Argentina của HLV Pekerman đã tiến những bước dài đầy thuyết phục. Với đội hình cực mạnh, lối chơi toàn diện, hiệu quả, thế hệ đàn em của Maradona đã khẳng định ưu thế và cơ hội của mình tại nước Đức là có thật. Mọi chuyện vẫn đi đúng hướng cho đến hết 2/3 thời gian trận đấu tứ kết gặp chủ nhà Đức (dẫn 1-0), khi Riquelme bị thay ra, đồng nghĩa với việc Argentina tự cắt đứt mạch hưng phấn, lợi thế của mình. HLV Pekerman đã quên bài học Mexico 86 và chiến thắng của Đức là hoàn toàn xứng đáng, kết quả đó đã chỉ ra - trong các cuộc đối đầu đỉnh cao, với các đối thủ đồng cân, lạng - chiến thắng sẽ giành cho người nào kiên quyết, dám đi tới cùng với lựa chọn của mình.

Có thể khẳng định, cái tên gây thất vọng nhiều nhất chính là nhà ĐKVĐ Brazil. Với "bộ tứ nguyên tử", được ca tụng, tôn sùng từ trước khi World Cup bắt đầu cũng như kỳ vọng tập thể Vàng Xanh sẽ bảo vệ thành công chức vô địch để chính thức viết lại lịch sử Bóng đá Thế giới. Nhưng từng trận đấu trôi qua, dù vẫn có những bàn thắng, nhưng Brazil không còn là chính họ. Ai đó nhận xét, nếu không có màu áo Vàng quen thuộc, nhiều người đã lầm tưởng đang xem một đội bóng của chủ nghĩa thực dụng, chứ không phải những bước Samba mê đắm một thời. Người ta quy hết trách nhiệm cho HLV, nào là bảo thủ, sắp xếp đội hình không hợp lý, nhưng phần mình, tôi lại nghĩ chính các cầu thủ chủ chốt của Brazil (Ronadinhol, Kaka, Carlos...) cần nghiêm túc đánh giá, xem lại bản thân mình, họ đã mang tới Giải đấu năm nay sự chuẩn bị tốt nhất?

Còn nhiều nữa những cái tên đã phải sớm nói lời từ giã cuộc chơi, mang theo bao tiếc nuối của những người yêu mến và đặt niềm tin vào họ. Nhưng Bóng đá là như vậy, chiếc Cúp Vàng chỉ có một và người sở hữu nó sẽ luôn được coi là mạnh nhất. Tuy thua, nhưng sẽ giá trị hơn nhiều nếu các đội bóng biết rút ra những kinh nghiệm cần thiết, để nuôi dưỡng khát vọng, niềm tin vào tương lai.

Quang Huy

Ảnh trong bài
  •  World Cup 2006: Ngoảnh đầu nhìn lại