Thành viên Ban Điều hành IPC, ông Ann Cody cho biết: “Công ước ra đời là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với NKT cũng như đối với tiến trình phát triển của thể thao. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của mọi người về Công ước, đặc biệt là đối với những thành viên của IPC và VĐV khuyết thật. Đây thực sự là một thông điệp toàn cầu”.
Mặc dù Công ước không thiết lập những quyền mới cho NKT, nhưng nó có ý nghĩa rất quan trọng bởi đã quy định cấm phân biệt đối xử đối với NKT trên mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm: quyền công dân, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền được học tập, chăm sóc sức khoẻ và tham gia các phương tiện giao thông.
Ông Linda Mastandrea, cố vấn về vấn đề nhân quyền và phát triển phong trào thể thao dành cho NKT của IPC khẳng định: “Tôi rất tin tưởng rằng Công ước sẽ mở ra một thế giới thể thao và giải trí cho NKT, điều mà trước đây họ không được đón nhận. Sẽ cần phải có thời gian để toàn thế giới được chứng kiến một sự thay đổi thực sự. Muốn vậy, các giải đấu quy mô địa phương, quốc gia cần phải phát triển mạnh hơn nữa, đóng góp vào sự lớn mạnh chung của phong trào thi đấu toàn cầu, trong đó có Thế vận hội thể thao dành cho NKT”.
Công ước sẽ được chính thức chuyển tới Đại hội đồng LHQ để được thông qua trong khoá họp bắt đầu từ tháng 9 tới. Sau đó, Công ước sẽ được các nước thành viên ký kết và thông qua.
“Công ước ra đời đánh dấu một mốc quan trọng đối với LHQ và những NKT”, theo ý kiến của Đại diện New Zealand, Don Mackay, là người điều hành các cuộc đàm phán. “Đây là một Công ước có ý nghĩa tích cực và nó sẽ đem lại sự thay đổi lớn cho cuộc sống của hàng triệu người khắp nơi trên thế giới”.
A.T (theo aroundtherings.com)