Ủy ban Olympic quốc gia Ma rốc tổ chức kiểm tra Covid-19 cho tất cả nhân viên

Hoạt động này được triển khai sau khi Ma rốc trải qua sự gia tăng số ca nhiễm Covid 19 trong những tuần gần đây.

Ủy ban Olympic quốc gia Ma rốc tổ chức kiểm tra Covid-19 cho tất cả nhân viên (Ảnh: insidethegames)

Tổng cộng, cả nước đã có 325.000 ca nhiễm Covid 19 và hơn 5.300 ca tử vong. Ủy ban Olympic quốc gia Ma rốc khẳng định họ đang tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế cần thiết để đảm bảo an toàn cho các nhân viên của mình. Trong suốt quá trình diễn ra đại dịch, Ủy ban Olympic quốc gia Ma rốc đã tổ chức nhiều sự kiện để hỗ trợ phong trào thể thao quốc gia trong thời gian ngừng hoạt động. Các hoạt động bao gồm tổ chức hội nghị trực tuyến về tác động của cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đối với các vận động viên. Một số vận động viên Ma rốc cũng được tham gia các đợt tập huấn.

Ủy ban Olympic Thổ Nhĩ Kỳ công bố Học viện phát triển trực tuyến 

Ủy ban Olympic Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố Học viện phát triển trực tuyến nhằm giúp thúc đẩy sự phát triển của thể thao trong thời gian diễn ra đại dịch Covid 19. Học viện phát triển trực tuyến của Ủy ban Olympic Thổ Nhĩ Kỳ là một nền tảng kỹ thuật số mới, sẽ hoạt động như một công cụ hỗ trợ cho các vận động viên đội tuyển quốc gia, huấn luyện viên và nhân viên kỹ thuật. Học viện sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ nhân sự trong các lĩnh vực như hiệu suất, dinh dưỡng, ngăn ngừa chấn thương, xử lý căng thẳng và truyền thông xã hội. Người dùng có thể truy cập nội dung bằng văn bản và hình ảnh đã được xây dựng bởi nhiều chuyên gia, bao gồm các học giả, quản trị viên thể thao và chuyên gia truyền thông. Các văn bản dự kiến sẽ được cập nhật thường xuyên bởi Ủy ban Olympic Thổ Nhĩ Kỳ và các mô-đun mới sẽ được bổ sung trong suốt thời gian hoạt động.

Thành viên Ủy ban Olympic Quốc tế và Chủ tịch Ủy ban Olympic Thổ Nhĩ Kỳ Uğur Erdener khẳng định tại buổi ra mắt Học viện phát triển trực tuyến rằng điều quan trọng là phải liên tục mở rộng kiến thức và kinh nghiệm của mình trong tất cả các lĩnh vực thể thao nếu muốn cải thiện bản thân và thành tích. Thời đại công nghệ cho phép thông tin trở nên sẵn có hơn và được truy cập từ xa. Do đó, các nền tảng kỹ thuật số đã trở thành động lực thúc đẩy sự ra đời của Học viện phát triển trực tuyến nhằm nỗ lực phát triển thể thao của đất nước cũng như phát triển các giá trị Olympic trong toàn xã hội. Với sự ra đời của Học viện phát triển trực tuyến, các vận động viên Thổ Nhĩ Kỳ, Liên đoàn Quốc gia, huấn luyện viên và nhân viên kỹ thuật giờ đây sẽ có thêm các công cụ để có thể tiếp tục phát triển cả bên ngoài sàn đấu lẫn trong các cuộc thi.

Ông Uğur Erdener cũng gửi lời cảm ơn tới tất cả các cá nhân và tổ chức đã cùng nhau tạo ra nguồn lực mới quan trọng này cho thể thao Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được 39 huy chương Vàng trong sự nghiệp thi đấu tại Thế vận hội Olympic. Kỳ Thế vận hội Olympic thành công nhất của đất nước phải kể tới Rome 1960, nơi các đại diện của thể thao Thổ Nhì Kỳ giành được 7 huy chương Vàng, đứng vị trí thứ 6 trên bảng tổng sắp huy chương. Quốc gia này đã giành được 10 huy chương Vàng trong hai kỳ Thế vận hội Olympic Atlanta 1996 và Athens 2004, thế nhưng chỉ giành được 3 huy chương Vàng tại 3 kỳ Thế vận hội Olympic hội gần đây nhất.

New Zealand dự kiến cử hơn 200 vận động viên tới Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 

Phụ trách điều hành Ủy ban Olympic New Zealand Kereyn Smith cho biết: đất nước này dự kiến sẽ cử hơn 450 người, trong đó có khoảng 200 vận động viên tới Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020. Đây cũng sẽ là số lượng vận động viên lớn nhất của New Zealand trong lịch sử tham dự Thế vận hội Olympic mùa hè. Xứ sở của “dương xỉ bạc” đã từng cử một đoàn thể thao với 199 vận động viên đến tham dự Thế vận hội Olympic mùa hè Rio 2016. Tính đến thời điểm này đã có 187 vận động viên New Zealand giành suất tham dự Tokyo 2020 ở các nội dung cá nhân hoặc đồng đội. Trong thời gian tới, vẫn còn cơ hội cho một số vận động viên khác miễn là các sự kiện thi đấu vòng loại Olympic không bị hủy bỏ (Con số này có thể từ 20 đến 30 vận động viên). Phụ trách điều hành Kereyn Smith cũng tin tưởng rằng mọi việc sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch và Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 sẽ được tổ chức vào năm 2021 sau khi bị trì hoãn một lần.

Chia sẻ về kế hoạch chuẩn bị cho Thế vận hội, Phụ trách điều hành Kereyn Smith cho biết việc cách ly là điều chắc chắn phải thực hiện khi tới Nhật Bản tuy nhiên hy vọng rằng đoàn Thể thao New Zealand sẽ được sắp xếp một địa điểm có thể đảm bảo về sức khỏe. Sự chênh lệch nhiệt độ là quá lớn chính vì vậy các đại diện của New Zealand cần phải được huấn luyện để nhanh chóng thích nghi môi trường.

Tại Rio 2016, New Zealand đã giành được 18 huy chương gồm 4 huy chương Vàng, 9 huy chương Bạc và 5 huy chương Đồng.

Tokyo 2020 sẽ chi bổ sung 960 triệu đô la Mỹ cho các giải pháp phòng chống Covid 19 

Ban tổ chức Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 dự kiến sẽ chi 960 triệu đô la cho các biện pháp đối phó Covid 19 như một phần chi phí bổ sung cho Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè Tokyo 2020.

Khoảng kinh phí này sẽ được sử dụng để thiết lập cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả hệ thống xét nghiệm.  Việc phải trì hoãn một năm so với dự kiến đã khiến nước chủ nhà phải tiêu tốn tới 1,9 tỷ đô la cho sự kiện này. Ban tổ chức Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020, Chính quyền Thủ đô Tokyo và Chính phủ Nhật Bản đang tiếp tục đưa ra các biện pháp đối phó với Covid 19 để đảm bảo Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 có thể diễn ra an toàn vào năm sau. Việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội là bắt buộc. Ngoài ra, các vận động viên cũng sẽ được khuyến khích hạn chế ở lại Nhật Bản sau khi kết thúc thi đấu.

Sau khi Tokyo 2020 được tuyên bố chính thức hoãn tổ chức vào năm 2020, Ban tổ chức nước chủ nhà và Ủy ban Olympic quốc tế đã công bố 50 biện pháp cắt giảm chi phí được cho là giúp tiết kiệm 288 triệu đô la. Chi phí bao gồm cắt giảm số lượng quan chức tham dự Thế vận hội, cải tạo cơ sở hạ tầng nhằm giảm lượng tiêu thụ điện năng cho các địa điểm và hủy bỏ các buổi lễ tại Làng vận động viên và trước thời gian diễn ra Lễ khai mạc. Các biện pháp đơn giản hóa đã được Ban tổ chức Tokyo 2020 và Ủy ban Olympic quốc tế gọi là "Mô hình Tokyo", qua đó kỳ vọng các nước chủ nhà trong tương lai có thể học hỏi.

Kinh phí tổ chức Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 đã được xây dựng một cách tiết kiệm nhất khoảng 13 tỷ đô la trước khi sự kiện bị hoãn lại vào tháng Ba. Trong số này, Ban tổ chức chịu trách nhiệm nguồn kinh phí 5,8 tỷ đô, Chính quyền thủ đô Tokyo 5,7 tỷ đô la và Chính phủ Nhật Bản 1,4 tỷ đô la. Ba Bên liên quan nêu trên sẽ đi đến quyết định mỗi Bên sẽ phải chịu bao nhiêu kinh phí bổ sung vào tháng tới.

A.T