Trước đây, dù cho luôn sở hữu những giải đấu thu hút số lượng NHM (cả trực tiếp và thông qua truyền hình) vô cùng đông đảo, nhưng phần vì thành tích của đội tuyển Anh tại Châu Âu và World Cup không tốt, phần bởi các CLB của giải Ngoại hạng Anh vẫn bị "mang tiếng" bởi lối đá thể lực, thừa cơ bắp nhưng lại thiếu đi tính nghệ thuật, cho nên Bóng đá Anh vẫn ở "chiếu dưới" khi so sánh với những La Liga hay Serie A.
Tuy nhiên hấp lực cũng như sự ảnh hưởng của nền Bóng đá Anh chưa bao giờ bị xem thường, ít nhất là ở khía cạnh quản lý và tài chính. Vị trí số 1 (nhiều năm liền) của M.U trong danh sách các CLB giàu nhất Thế giới, các bản hợp đồng truyền hình với số tiền kỷ lục, chế độ lương thưởng của cầu thủ, HLV, sự tác động 2 chiều giữa Bóng đá với giới truyền thông... tất cả những yếu tố đó chỉ ra rằng; tại nước Anh, Bóng đá là ngành công nghiệp không khói với lợi nhuận khổng lồ. Sự ưu việt trong kỹ năng, trình độ quản lý là những vấn đề Thế giới phải "ngả mũ" trước những người "làm" Bóng đá ở Anh, nhưng qua đó, cũng cho thấy tình yêu, niềm đam mê lớn lao mà NHM Anh đã dành cho Bóng đá. Sự chờ đợi của CĐV Anh, nhất là trong niềm đam mê lớn lao như Bóng đá quả là dài. Cả Thế giới đã lặng đi khi chứng kiến khán đài sân Olympico ở Roma nhuộm đỏ máu các Cổ động viên M.U ở lượt đấu trước để rồi cùng thày trò Sir Alex Fergusson vỡ oà sung sướng sau 7 bàn thắng ngay tại "Nhà hát của những giấc mơ", làm nên chiến thắng vừa không tưởng, vừa rất hiện thực, minh chứng của sự vùng lên khi lòng tự trọng bị tổn thương...
Với 3 trên tổng số 4 cái tên (Manchester United, Chelsea và Liverpool) đã giành quyền góp mặt tại vòng Bán kết Champions League - giải đấu danh giá nhất hành tinh - bằng những chiến thắng không thể thuyết phục hơn. Những quan niệm không công bằng về chất lượng của Giải Ngoại hạng và của nền Bóng đá Anh nói chung sẽ phải thay đổi, như là sự đền đáp cho niềm đam mê mà các Cổ động viên "xứ sương mù" đã dành cho Bóng đá.
Quang Thạch