Cuộc chiến chống doping cần được triển khai nhanh, hiệu quả hơn

Hội nghị thế giới lần thứ 3 về chống sử dụng chất kích thích trong thể thao đã diễn ra ngày 15/11 tại Madrid với nội dung chủ yếu nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu để loại bỏ vấn nạn này. Tham dự Hội nghị có các VĐV, các tổ chức thể thao... những nhân tố góp phần tích cực cho một tương lai không có doping trong thể thao.


Hội nghị thế giới lần thứ 3 về chống sử dụng chất kích thích trong thể thao đã diễn ra ngày 15/11 tại Madrid với nội dung chủ yếu nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu để loại bỏ vấn nạn này. Tham dự Hội nghị có các VĐV, các tổ chức thể thao... những nhân tố góp phần tích cực cho một tương lai không có doping trong thể thao.

Tại Lễ Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC), Jacques Rogge nhấn mạnh các thành viên của Tổ chức chống doping thế giới (WADA), tổ chức thể thao các quốc gia và phong trào thể thao thế giới phải có nhiều động thái hơn nữa để đẩy nhanh tiến trình của cuộc chiến chống doping.

Trong bài phát biểu của mình, ông Rogge khẳng định đây là vấn đề ưu tiên số 1 của IOC. Tổ chức này luôn đóng vai trò tiên phong hàng đầu trong cuộc chiến chống doping suốt hơn 40 năm qua. Thành lập Tiểu ban Y học thể thao năm 1967, từ đó nghiên cứu và đưa ra danh mục các loại thuốc cấm sử dụng trong thể thao, Tiểu ban này cũng đã có những phương pháp mới để phát hiện hành vi sử dụng doping. Ngoài ra, tổ chức này còn rất thành công trong việc tạo ra chuỗi phòng thí nghiệm về chất cấm.

Để thể hiện sự mạnh tay trong cuộc chiến cam go này, IOC sẽ tăng cường kiểm tra tại mỗi kỳ TVH, đặc biệt tại Olympic Bắc Kinh năm 2008, IOC đã lên kế hoạch kiểm tra hơn 4.500 mẫu, theo đó số lượng mẫu được tiến hành thực hiện tại TVH mùa hè Bắc Kinh sẽ nhiều hơn 25% so với khối lượng được tiến hành tại Olympic Athens năm 2004, và hơn 90% so với Olympic Sydney năm 2000.

Để hướng tới mục tiêu một nền thể thao trong sạch, người chịu trách nhiệm cao nhất của IOC, ông Rogge đã từng tuyên bố sẽ không nương tay với bất kỳ một trường hợp vi phạm nào. Các VĐV vi phạm sẽ không được tham dự các kỳ Olympic tiếp theo tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm và những người liên đới cũng sẽ phải chịu mức phạt tối thiểu là 06 tháng. Nếu VĐV có kết quả dương tính với mẫu A, Uỷ ban Olympic quốc gia chịu trách nhiệm về VĐV đó sẽ phải chịu phạt nặng về tài chính cũng như có trách nhiệm quản thúc nghiêm ngặt về các hành vi của VĐV đó trong tương lai.

Nhân sự có mặt của đại diện thể thao các quốc gia, Chủ tịch IOC lại một lần nữa khẳng định về mức độ ảnh hưởng của doping có thể sẽ lan rộng hơn nữa nếu không có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và Uỷ ban thể thao các quốc gia. Đại diện cho IOC, ông Rogge cũng yêu cầu Chính phủ các quốc gia thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong cuộc chiến này bởi WADA chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi có được sự hỗ trợ của Chính phủ và phong trào Olympic các quốc gia

Một thế giới thể thao trong sạch sẽ giúp cho các VĐV có được cơ hội thể hiện khả năng một cách bình đẳng.

 

Hà Phương (olympic.org)

 

Ảnh trong bài
  • Cuộc chiến chống doping cần được triển khai nhanh, hiệu quả hơn