Ủy ban Olympic quốc tế bắt đầu phiên kiểm tra kỹ thuật cuối cùng thăm Pyeongchang

Trước thềm Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018, Ủy ban Olympic quốc tế sẽ tiến hành phiên kiểm tra kỹ thuật cuối cùng đối với công tác chuẩn bị cho sự kiện này vào ngày 21/11.

Hệ thống đường sắt cao tốc sẽ chính thức vận hành vào ngày 1/12, với thời gian phục vụ từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng phụ thuộc vào điểm đến. (Ảnh: insidethegames)
Công tác rà soát sẽ diễn ra trong hai ngày, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban điều phối Ủy ban Olympic quốc tế Gunilla Lindberg. Giám đốc điều hành Ủy ban Olympic quốc tế Christophe Dubi cũng sẽ tham gia vào phiên làm việc.

Đoàn cán bộ Ủy ban Olympic quốc tế sẽ di chuyển từ Seoul tới Pyeongchang bằng tàu hỏa cao tốc - hiện đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm cuối cùng.

Chủ tịch Lindberg cho biết, chuyến đi thử nghiệm của bà bằng tàu hỏa cao tốc từ sân bay Incheon tới Sân bay Jinbu thực sự thoải mái và trơn tru. Bà Lindberg cũng mong muốn giới thiệu về hệ thống tàu hỏa cao tốc này đối với bất cứ ai tham dự Thế vận hội mùa đông vào tháng Hai tới.

Ngay từ khi phát triển dự án này, bà Lindberg đã quan tâm và thực sự vui khi được tham gia vào quá trình vận hành thử nghiệm cuối cùng của hệ thống này. Không chỉ ấn tượng đối với hệ thống đường sắt cao tốc, mà hệ thống vận chuyển quy mô cho Thế vận hội mùa đông cũng sẽ được Ban tổ chức đưa vào phục vụ cho việc kết nối từ Seoul tới khu vực núi Alpensia và vùng biển Gangneung trong thời gian diễn ra Thế vận hội.

Đây cũng là một ví dụ điển hình cho việc nước chủ nhà đã tận dụng một sự kiện như Thế vận hội để đưa vào thực hiện những dự án mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước cũng như người dân nơi đây.

Hệ thống đường sắt cao tốc sẽ chính thức vận hành vào ngày 1/12, với thời gian phục vụ từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng phụ thuộc vào điểm đến. Có tổng số 51 chuyến tàu điện cao tốc sẽ vận hành mỗi ngày trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Mỗi chuyến có thể phục vụ khoảng 410 hành khách. Như vậy, trong một ngày sẽ có khoảng 21.000 hành khách dễ dàng di chuyển tới các địa điểm thi đấu tại vùng núi Alpensia hay vùng biển Gangneung.

Đoàn kiểm tra Ủy ban Olympic quốc tế cũng sẽ tới thị sát các địa điểm thi đấu, hay nghe báo cáo về các vấn đề liên quan tới công tác bán vé, quảng bá về Thế vận hội là những nội dung quan tâm chính của chuyến thăm.

Có khoảng 94 quốc gia bày tỏ sự quan tâm tham gia thi đấu tại Thế vận hội mùa đông sắp tới, con số kỷ lục này sẽ được khẳng định chính thức vào ngày 29/1, thời hạn cuối cùng cho các Ủy ban Olympic quốc gia đăng ký tham dự.

Các địa điểm thi đấu của Thế vận hội đã hoàn thành tới 99.7%, trong đó có các địa điểm nơi diễn ra Lễ Khai mạc và Bế mạc của Thế vận hội ở Daegwallyeong-myeon, tỉnh Pyeongchang-gun, Quận Gangwon-do.

Thế vận hội mùa đông sẽ diễn ra từ ngày 9 - 25/2 và Paralympic mùa đông sẽ diễn ra từ ngày 8 - 18/3.

10 lý do để tới Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020

Với 10 lý do dưới đây, chắc hẳn sẽ đủ để thuyết phục bất cứ ai đến với Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020, thành phố với 35 triệu dân cũng đều đánh giá đây là một trong những thành phố đáng sống nhất trên thế giới.

1. Thành phố như một bảo tàng kiến trúc ngoài trời

Nhật Bản là quốc gia sở hữu số lượng kiến trúc sư nhiều nhất trên thế giới và thành phố này tràn ngập những tòa nhà "chọc trời" tuyệt đẹp và những tòa nhà trong tương lai với thiết kế của Pritzker. Các địa điểm thi đấu của Thế vận hội mùa hè 2020 cũng là những điểm đến đáng giá cho một hành trình du lịch.

Sáu địa điểm mặc dù được kế thừa từ Thế vận hội năm 1964, nhưng vẫn giữ được nét hiện đại cho đến nay. Sân vận động quốc gia Yoyogi vẫn luôn được quốc tế đánh giá cao bởi thiết kế hiện đại hay Nippon Budokan, ngôi nhà tinh thần của Võ thuật Nhật Bản với thiết kế mái nhà gợi nhớ đến Núi Phú Sĩ. Các địa điểm mới cũng sẽ không làm thất vọng người xem, với một Sân vận động Olympic mới được xây dựng bằng vật liệu gỗ truyền thống.

2. Sự trẻ trung và đô thị hóa

Với sự tham dự của bốn môn thể thao lần đầu tiên xuất hiện tại Olympic mùa hè, cũng là cơ hội để người hâm mộ thể thao được chứng kiến những HCV Olympic đầu tiên của Karatem, Trượt ván, Leo núi thể thao và Lướt sóng.

Địa điểm thể thao Aomi sẽ là nơi đăng cai môn Trượt ván và Leo núi thể thao, đặc biệt là các cổ động viên cũng có thể sử dụng địa điểm này trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội mùa hè. Đây cũng là lần đầu tiên một địa điểm thi đấu sẽ được mở cửa cho công chúng sử dụng trong thời gian diễn ra thi đấu.

Đối với môn Lướt sóng, Ban tổ chức cũng dự kiến tổ chức một Lễ hội Lướt sóng tại bãi biển Tsurigasaki, trong đó có sự tham gia của các hoạt động khác như biểu diễn yoga, hoạt động nghệ thuật, âm nhạc, thảo luận về công tác huấn luyện và môi trường của môn thể thao này.

Ngoài ra, nếu không hiểu nhiều về môn Karate, người xem có thể nhận đươc sự trợ giúp từ người dân bản địa để phân biệt rõ những khái niệm cơ bản của môn võ thuật này.

3. Thành phố an toàn nhất thế giới

Đây thực sự là thành phố được đánh giá là lớn nhất và an toàn nhất trên thế giới. Để kiểm chứng điều này, năm 2016 đã có 32 triệu đô la được đầu tư cho công tác đảm bảo an ninh.

4. Luôn hướng tới tương lai

Đến với Tokyo 2020, quan khách quốc tế có thể thấy những công nghệ tiên tiến nhất góp phần đánh dấu Tokyo 2020 sẽ là một kỳ Thế vận hội sáng tạo nhất trong lịch sử với những phương tiện giao thông sử dụng năng lượng Hydrogen, thiết bị dịch đa ngôn ngữ, thiết bị cung cấp thông tin về lĩnh vực thể thao có sử dụng công nghệ ICT (sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông) mới nhất. Dự kiến đây là những đổi mới công nghệ chưa từng có.

5. Thiên đường ẩm thực

Với 3,620 quán sushi và đây cũng là thành phố có nhiều nhà hàng mang sao Michelin (giải thưởng danh giá trong ngành ẩm thực) hơn bất cứ một thành phố nào trên thế giới. Với số lượng món ăn nổi tiếng như tempura, yakitori, soba, teppanyaki, shabu shabu, những món gỏi... thì với 17 ngày diễn ra Thế vận hội, thực khách chưa chắc đã đủ thời gian để thưởng thức hết.

6. Cơ hội khám phá những ngôi sao thể thao mới

Với sự tham gia của 11.090 VĐV đến từ 206 Ủy ban Olympic quốc gia nhưng chỉ có 339 VĐV có cơ hội đứng lên đỉnh vinh quang của sự kiện thể thao mùa hè lớn nhất thế giới. Đây cũng là cơ hội để những tài năng trẻ soán ngôi của các các đàn anh, những huyền thoại thể thao như Michael Phelps, Usain Bolt.

7. Để trở thành một phần giấc mơ của VĐV

Để làm được điều này, cuối năm 2019, hãy đến thăm Nhật Bản và để lại những chiếc điện thoại thông minh cũ. Ban tổ chức sẽ tiến hành tái chế để sử dụng các kim loại quý trong việc sản xuất các huy chương trao cho các VĐV tại Olympic and Paralympic 2020.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Ban tổ chức mong muốn mang đến cho các vị khách cơ hội trở thành một phần trong công tác chuẩn bị của Thế vận hội.

8. Hưởng thụ cuộc sống trong một thành phố tuyệt vời nhất

Tokyo đứng trong tốp bình chọn thành phố đáng sống và đáng du lịch nhất của Monocle 2017 do người đọc bình chọn và danh hiệu này là hoàn toàn xứng đáng nếu du khách thực sự đặt chân tới thành phố thủ đô của Nhật Bản. Đây là thành phố hội tụ giữa cái mới và cái cũ, mảnh đất của hàng nghìn tiện ích.

Bên cạnh đó, mùa hè tại Nhật Bản còn được biết đến với những lễ hội truyền thống, đây cũng là thời gian diễn ra Thế vận hội và chính là thời điểm mà du khách có thể tận hưởng lợi ích hai trong một khi đến Nhật Bản du lịch và tận hưởng không khí Thế vận hội.

9. Sức mạnh của phái yếu

Tokyo 2020 sẽ là sự kiện có sự cân bằng giới lớn nhất trong lịch sử các kỳ Thế vận hội, với số lượng nữ VĐV chiếm tới 49% trong tổng số các VĐV. Ngoài ra, Tokyo 2020 cũng là sự kiện có số lượng các nội dung nam nữ nhiều gấp đôi so với Rio 2018.

10. Cảm nhận ý nghĩa thực sự của omotenashi

Không thể phủ nhận người Nhật nổi tiếng với sự hiếu khách độc nhất vô nhị được gọi bằng tiếng địa phương là omotenashi. Người dân bản địa có sự chăm sóc khách đặc biệt mà không nơi nào có được. Có thể mô tả đó là việc được cảm nhận dịch vụ khách sạn năm sao ở một quán ăn bình dân. Tuy nhiên để thực sự cảm nhận cần phải đến tận nơi và trải nghiệm.

A.T

Ảnh trong bài
  • Ủy ban Olympic quốc tế bắt đầu phiên kiểm tra kỹ thuật cuối cùng thăm Pyeongchang