Hoạt động này sẽ thúc đẩy văn hóa Nhật Bản ở cả trong nước và trên thế giới. Ban tổ chức Tokyo 2020 cũng kỳ vọng rằng Lễ hội được tổ chức sẽ góp phần tích cực trong việc quảng bá Olympic và Paralympic đến với công chúng.
Ban tổ chức Tokyo cũng cho biết, các hoạt động của Lễ hội sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính quyền thành phố Tokyo cũng như chính phủ Nhật Bản. Các nhà tài trợ của Tokyo 2020 cũng sẽ tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Lễ hội bao gồm hai phần chính và các hoạt động bổ trợ, trong đó chương trình chính thức sẽ do chính quyền thành phố Tokyo và Chính phủ Nhật Bản chịu trách nhiệm tổ chức hoặc chính quyền địa phương nơi diễn ra hoạt động đó.
Các nhà tài trợ chính thức, Ủy ban Olympic quốc tế, Ủy ban Paralympic quốc tế, các hãng truyền hình có bản quyền và chính quyền địa phương nơi hoạt động diễn ra đều là những đối tượng nằm trong chương trình của Lễ hội. Còn đối với các hoạt động bổ trợ là những sự kiện bên lề liên quan tới Thế vận hội sẽ được tổ chức bởi các tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích tạo nên sự kết nối càng nhiều càng tốt đối với cộng đồng.
Dự kiến sẽ có rất nhiều các hoạt động xã hội nhằm tích cực quảng bá cho Thế vận hội cũng như tạo hiệu ứng tác động mạnh mẽ trên khắp đất nước Nhật Bản. Các quỹ quốc tế và Đại sứ quán nước ngoài cũng tích cực tham gia vào chương trình của Lễ hội.
Ngoài ra, mục tiêu quan trọng nhất của Lễ hội này đó là thúc đẩy những thay đổi tích cực của xã hội trên khắp đất nước ở các mặt lĩnh vực: sức khỏe và thể thao, xây dựng cộng đồng, tình bền vững, văn hóa Olympic, giáo dục đối với nhiều thế hệ, kinh tế và công nghệ, khám phá và lợi ích chung.
Tính đến nay, Tokyo 2020 đã tổ chức được gần 11.000 hoạt động thu hút sự tham gia của 2.85 triệu người.
|
Đồng hồ đếm ngược tại tòa nhà chính quyền thành phố Shinjuku (Ảnh:insidethagames) |
Tokyo 2020 tổ chức kỷ niệm 1.000 ngày tới Khai mạc Olympic 2020
Lễ kỷ niệm 1.000 ngày tới Khai mạc Olympic 2020 đã được tiến hành trong điều kiện thời tiết không được thuận lợi. Tuy nhiên, những cơn mưa không cản được sự quan tâm của công chúng Nhật Bản khi có đến 15.000 người tới đây để chứng kiến diễn biến của buổi lễ.
Tham dự buổi lễ còn có Thống đốc Tokyo Yuriko Koike, Bộ trưởng phụ trách Olympic và Paralympic Tokyo Shunichi Suzuki, diễn viên nổi tiếng Ichikawa Ebizom cùng các VĐV vô địch Olympic của Nhật Bản như: Ryosuke Irie giành 3 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ Olympic Luân Đôn 2012, VĐV Cử tạ Hiromi Miyake giành 1 HCB và 1 HCĐ lần lượt ở Olympic Luân Đôn 2012 và Olypmpic Rio 2016.
Tại buổi lễ thông tin đặt đồng hồ đếm ngược tại tòa nhà chính quyền thành phố Shinjuku cũng được tiết lộ. Trả lời hãng tin Kyodo, Thống đốc Koike cho biết, cuối cùng cũng đã đến thời điểm 1.000 ngày tới Olympic, thời điểm mà tất cả mọi người cần hâm nóng sự hào hứng và kết nối chặt chẽ. Tại đây, người dân cũng được trực tiếp tham gia vào các môn thể thao như: Bóng rổ 3x3, Xe đạp leo núi tự do và trượt ván, ba môn thể thao lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu của Olympic mùa hè Tokyo 2020.
Trong thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và giáo dục được tổ chức trên khắp đất nước Nhật Bản cho tới ngày 29/11 cũng là ngày tổ chức lễ kỷ niệm 1.000 ngày tới Paralympic 2020.
Bộ trưởng phụ trách Olympic và Paralympic Tokyo Shunichi Suzuki cho biết những sự kiện như thế này sẽ góp phần nhen lên ngọn lửa nhiệt tình từ công chúng, công chúng trên khắp Nhật Bản đều cảm thấy hào hứng trong một khối thống nhất cùng với Ban tổ chức đi đến hết chặng đường.
Trong 1.000 ngày tới, Chính phủ Nhật Bản, chính quyền Tokyo và Ban tổ chức Tokyo 2020 sẽ cùng nhau làm việc để có thể tổ chức thành công Thế vận hội. Phát ngôn viên của Tokyo 2020 Masa Takaya chia sẻ, càng có nhiều người tham gia vào những hoạt động của Tokyo 2020 thì sự kiện sẽ càng được biết đến nhiều hơn, qua đó cũng sẽ phát triển mạnh hơn. Các hoạt động khác nhau trong thời gian qua đã tạo nên sự gắn kết với khoảng 5 triệu người và Ban tổ chức kỳ vọng có thể tiếp tục kết nối với nhiều người hơn trong vòng 1.000 ngày tới.
Pyeongchang 2018 hy vọng việc đặt mục tiêu huy chương cụ thể sẽ giúp quảng bá tích cực cho Paralympic
Hàn Quốc đã đặt mục tiêu giành 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ tại Paralympic mùa đông Pyeongchang 2018 làm khởi điểm cho mục tiêu tốp 10 toàn đoàn. Hàn Quốc lần đầu tiên tham dự Paralympic mùa đông tại Tignes-Albertsville vào năm 1992, tuy nhiên mới chỉ giành được 2 HCB tại các kỳ Paralympic mùa đông ở Salt Lake City 2002 và Vancouver 2010.
Mục tiêu này được đặt ra bởi Chủ tịch Liên đoàn Trượt tuyết Người khuyết tật Hàn Quốc và cũng là Trưởng đoàn Thể thao Người khuyết tật Hàn Quốc tại Pyeongchang 2018, Bae Dong-hyun. Trả lời thông tấn Yonhap, Chủ tịch Bae Dong-hyun cho biết, các VĐV Người khuyết tật Hàn Quốc sẽ thi đấu hết mình để làm nên một kỳ Paralympic mùa đông ấn tượng nhất từ trước đến nay, sao cho xứng đáng với kỳ vọng của người hâm mộ cũng như chứng tỏ vị trí của Thể thao Người khuyết tật nước chủ nhà. Hiện đội tuyển Paralympic Hàn Quốc đang nỗ lực tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện Incheon, cách thủ đô Seoul 80km.
Bộ trưởng Văn hóa, thể thao Hàn Quốc Do Jong-hwan kỳ vọng sẽ có khoảng 39 VĐV người khuyết tật đủ điều kiện tham dự Paralympic mùa đông Pyeongchang 2018 với sự hỗ trợ của 50 HLV và quan chức thể thao.
A.T