Ashgabat 2017 góp thêm một chương nhiều sắc màu vào lịch sử Hội đồng Olympic châu Á

Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á lần thứ 5 tại Ashgabat, Turkmenistan, đã mang đến một sự kiện với nhiều màu sắc văn hóa, truyền thống cho những đại diện của khu vực châu Á, châu Đại dương.

Ashgabat 2017 góp thêm một chương nhiều sắc màu vào lịch sử Hội đồng Olympic châu Á (Ảnh:OCA)
Điều này được cảm nhận rõ ràng bởi sự hợp nhất tại Khu liên hợp Olympic Asghabat khi được chứng kiến đám đông người hâm mộ trong trang phục đa dạng, mang đậm nét giá trị dân tộc truyền thống ngay tại các địa điểm thi đấu hay tại những quán cà phê ngoài trời, nhà hàng và khu vực giải khát. Tất cả toát lên một không khí thư giãn và màu sắc hữu nghị.

Khu Liên hợp Olympic Asghabat được xây dựng từ năm 2010 với 13 trong số 15 địa điểm thi đấu của Đại hội, VĐV và các quan chức có thể di chuyển từ khách sạn hay làng VĐV tới địa điểm thi đấu chỉ trong vài phút. Thông thường sẽ phải mất khoảng 30 phút lái xe tới địa điểm thi đấu thậm chí còn tới 45 phút khi di chuyển từ địa điểm này tới địa điểm kia thế nhưng ở đây chỉ mất 10 phút đi bộ thậm chí có khi chỉ cần 5 phút.

Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á HE Sheikh Ahmad Al Fahad Al Sabah đã chỉ ra điểm độc đáo này tại Đại hội và cũng nhấn mạnh đó là điều mà Chủ tịch chưa từng thấy trước đây trong suốt ba thập kỷ phong trào Olympic. Đây thực sự là một dấu ấn tuyệt vời trong lịch sử các kỳ Đại hội thể thao cũng như đối với riêng Chủ tịch HE Sheikh Ahmad Al Fahad Al Sabah trong suốt sự nghiệp hoạt động, gắn bó với lĩnh vực thể thao.

Với đài phun nước, bể bơi, cờ và cây xanh, tất cả đã tạo nên một khung cảnh và không khí tuyệt vời cho những bức ảnh lưu niệm tại Sân vận động Olympic Ashgabat có sức chứa 45.000 chỗ ngồi. Lễ Khai mạc diễn ra vào ngày 17/9 và Lễ Bế mạc Đại hội là ngày 27/9 nhưng những khung cảnh tại đây sẽ cháy mãi trong lòng người tham dự.

Hội đồng Olympic châu Á tạo nên nền tảng mới cho tuyển tị nạn

Có thể nói, Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á lần thứ 5 là sự kiện ghi dấu một loạt những điều đầu tiên: Lần đầu tiên một sự kiện thể thao đa môn được tổ chức tại khu vực Trung Á; Lần đầu tiên các VĐV châu Đại dương được cùng tham gia thi đấu với các VĐV châu Á ; Và đây cũng là kỳ Đại hội đầu tiên có sự tham gia thi đấu của một đội tuyển tị nạn châu Phi.

Tiếp bước quyết định lịch sử của Ủy ban Olympic quốc tế: cho phép đội tuyển tị nạn Olympic tham gia thi đấu tại Thế vận hội mùa hè Rio 2016, Hội đồng Olympic châu Á và chính phủ Turkmenistan đã thảo luận và đi đến thống nhất về việc chào đón đội tuyển tị nạn tham gia vào sự kiện thể thao đa môn và trở thành một trong 65 đội tuyển tụ hội tại đây.

Đội tuyển tị nạn Châu Phi đã tổ chức họp báo tại Trung tâm báo chí chính của Ashgabat dưới sự chủ trì của Trưởng đoàn Tegla Loroupe, Đại sứ và cũng là người sáng lập ra Quỹ hòa bình Tegla Loroupe.

Bản thân Trưởng đoàn Tegla Loroupe hiểu rõ về những cuộc xung đột cũng như khó khăn mà các VĐV tị nạn phải đối mặt. Mỗi VĐV có mặt tại Đại hội là một niềm tự hào khi họ là hình ảnh đại diện của đất nước mình. Năm VĐV tị nạn có mặt tại Ashgabat đều đến từ Nam Sudan và đều tham gia thi đấu môn Điền kinh trong nhà.

Các VĐV này sống và tập luyện tại Kenya dưới sự bảo trợ của Quỹ Hòa bình Tegla Loroupe và được sự hỗ trợ của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn. Các VĐV đã được tuyển chọn để tham dự Ashgabat 2017 sau khi tham gia thi đấu phân loại tại Kenya.

Trưởng đoàn Tegla Loroupe bày tỏ niềm tự hào và hạnh phúc, đồng thời gửi lời cảm ơn tới chính phủ Turkmenistan, Ban tổ chức và Hội đồng Olympic châu Á đã tạo điều kiện để tuyển tị nạn có cơ hội tham dự Ashgabat. Trưởng đoàn cũng chia sẻ về quá khứ đã từng có cơ hội tham dự thi đấu tại giải Marathon ở châu Âu, gặt hái thành công và trở về Kenya để nhận thấy những điều kiện khắc nghiệt ở chính quê hương của mình. Trưởng đoàn cảm nhận rõ nỗi đau của những người không có nơi nào để đến.

Thế nhưng, với những thay đổi như hiện nay, các VĐV tị nạn đã trở thành biểu tượng, hy vọng đối với các thế hệ người tị nạn và Trưởng đoàn Tegla Loroupe cũng hy vọng AIMAG 5 mới chỉ là sự khởi đầu cho quan hệ dài lâu với Hội đồng Olympic châu Á. Trưởng đoàn kỳ vọng đội tuyển tị nạn sẽ có cơ hội tham dự Đại hội thể thao châu Á tổ chức tại Indonesia vào năm 2018.

Với tư các là Đại sứ của Liên hiệp quốc về thể thao và hòa bình, Loroupe đang rất tích cực trong việc tìm kiếm cơ hội cho các VĐV tị nạn tham gia vào các sự kiện thể thao quốc tế.

ĐQC

Ảnh trong bài
  • Ashgabat 2017 góp thêm một chương nhiều sắc màu vào lịch sử Hội đồng Olympic châu Á