Pyeongchang 2018 công bố huy chương Thế vận hội

Huy chương của Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 đã chính thức được công bố tại các sự kiện đặc biệt diễn ra tại Seoul và New York City.

Pyeongchang 2018 công bố huy chương Thế vận hội (Ảnh:insidethegames)
Theo đó, các tấm huy chương được thiết kế bởi Lee Suk-woo, một nhà thiết kế công nghiệp của Hàn Quốc, thể hiện rõ nét truyền thống và văn hóa của quốc gia chủ nhà. Họa tiết được sử dụng trên các tấm huy chương được lấy ý tưởng từ bảng chữ cái Hàn Quốc hay còn gọi là Hangeul, để thiết kế nên biểu tượng và hình tượng cho Thế vận hội.

Các huy chương chính thức được công bố tại Seoul bởi Bộ trưởng Thể thao Do Jong-hwan, Phó Thống đốc tỉnh Gangwon Song Suk-doo và Trưởng Ban tổ chức Pyeongchang 2018 Lee Hee-beom.

Trưởng Ban tổ chức Lee Hee-beom cũng cho biết, việc ra mắt huy chương của Thế vận hội là khoảng khắc tự hào của người dân nước chủ nhà, ghi dấu thời gian năm tháng khi chiếc HCV đầu tiên được trao cho chủ nhân xứng đáng.

Tấm huy chương là sự tổng hòa của các giá trị văn hóa, truyền thống và Olympic. Ban tổ chức nước chủ nhà mong muốn chiếc huy chương biểu tượng của Hàn Quốc và những khoảng khắc tuyệt với nhất sẽ được các VĐV lưu giữ mãi mãi. Chính vì vậy, từ hình dáng, chi tiết tới dây đeo các tấm huy chương cũng phải được thiết kế một cách tinh xảo, sáng tạo.

Ngoài Seoul, một sự kiện đặc biệt cũng được tổ chức tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan ở New York City. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng tham gia sự kiện đặc biệt này.

Tổng thống Hàn Quốc thúc đẩy quảng bá cho Pyeongchang 2018

Nhân chuyến thăm New York City để tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 72 của Liên hiệp quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi người dân Hàn Quốc sinh sống tại đây giúp quảng bá nhằm góp phần tổ chức thành công Pyeongchang 2018, đây được cho là một sự kiện ấm cúng, năng động và xinh đẹp. Có khoảng 300 người dân Hàn Quốc và người Mỹ gốc Hàn đang sinh sống tại New York đã được mời đến tham gia sự kiện với Tổng thống Moon.

Trước đó một sự kiện tương tự cũng được tổ chức tại New York City vào tháng 7/2011 với sự tham gia của 200 người Hàn Quốc và người Mỹ gốc Hàn.

Ngoài ra, Tổng thống Moon cũng có buổi hội đàm cùng Thủ tướng Anh Theresa May để thảo luận về những hiệu quả tích cực trong công tác tổ chức một kỳ Olympic. Thủ tướng Anh cũng gửi lời chúc may mắn tới Pyeongchang 2018, qua đó nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh hiểu rõ những hiệu quả tích cực mà công tác tổ chức một kỳ Olympic mang lại. Thủ tướng hy vọng Hàn Quốc sẽ thành công trong công tác tổ chức Olympic và Paralympic Pyeongchang 2018.

Trưởng đoàn đội tuyển tị nạn tham gia Ashgabat 2017 đặt mục tiêu giành huy chương tại Olympic Tokyo 2020

Trưởng đoàn đội tuyển tị nạn tham gia Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á ở Ashgabat 2017 đã đặt mục tiêu giành huy chương tại Thế vận hội mùa hè 2020 ở Tokyo.

Đó là ý kiến của Trưởng đoàn người Kenya - Tegla Loroupe, đã từng giành kỷ lục thế giới nội dung Marathon tại các kỳ Thế vận hội năm 1998, 2001. Dẫn đầu đoàn tuyển tị nạn gồm năm thành viên là người Nam Sudan gồm: Paulo Amotun Lokoro, Wiyual Puok Deng, Gai Nyang Tap, Ukuk Uthoo Bul và Yiech Pur Biel.

Trong số năm VĐV nêu trên, Lokoro và Biel đã từng tham gia tranh tài tại Rio 2016 còn Deng, Tap và Bul cũng đã có được những kinh nghiệm đầu tiên về một giải đấu quốc tế khi tham dự Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á 2017.

Trưởng đoàn Loroupe cũng đã từng đảm nhiệm trọng trách tương tự khi dẫn dắt đoàn VĐV tị nạn tham dự Olympic Rio 2016 cùng với hai quan chức và một HLV, ông khẳng định đội tuyển do mình dẫn dắt sẽ đặt mục tiêu cao hơn tại Tokyo 2020: "Olympic Rio 2016 mới chỉ là sự khởi đầu. Tới Olympic 2020, mục tiêu của chúng tôi là lọt và các trận chung kết và rất có thể có cơ hội giành được huy chương. Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi".

Rio 2016 mang đến cơ hội cho các VĐV tị nạn và sau đó các VĐV cũng tiếp tục tham dự thi đấu tại một số giải ở The Bahamas, Cyprus, Rwanda và Uganda. Vào đầu năm 2017, một đội tuyển đã tham gia thi đấu tại giải Vô địch thế giới do Liên đoàn Điền kinh thế giới tổ chức tại Luân Đôn.

Trưởng đoàn Loroupe cũng kêu gọi có thêm nhiều sự kiện thể thao quốc tế chào đón sự có mặt của các VĐV tị nạn. Trưởng đoàn Loroupe cũng chỉ ra hạn chế của các VĐV tị nạn khi họ không thể tự do đi đến những nơi cần đến và thể thao có thể giúp họ khắc phục hạn chế này. Hơn thế nữa, các VĐV tị nạn cũng sẽ có cơ hội để thể hiện năng lực tại các giải đấu cao hơn, ở những môn thể thao đa dạng hơn chứ không chỉ dừng lại ở môn Điền kinh, ví dụ một số môn thể thao như Taekwondo và Karate.

Tại Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á ở Ashgabat 2017, Biel cũng đã lọt vào bán kết nội dung 800m, anh cho biết: cơ hội tham dự Ashgabat 2017 vô cùng có ý nghĩa đối với bản thân anh. Sau Rio 2016 thì Ashgabat 2017 là cơ hội thứ hai để Biel khẳng định bản thân mình nói riêng cũng như hình ảnh đại diện cho các VĐV tị nạn nói chung. Thể thao đã mang cơ hội quý báu đến với họ và họ cần có thêm những cơ hội mới.

Bul - VĐV về đích ở vị trí thứ bảy nội dung 3.000m nam tại Ashgabat 2017 cũng chia sẻ điều mà các VĐV tị nạn cần đó là sự tiếp tục ủng hộ của Ủy ban Olympic quốc tế. Ủy ban Olympic quốc tế đã hỗ trợ các VĐV tị nạn rất nhiều trong quá khứ mà điển hình là cơ hội tham dự Rio 2016 và giờ họ cần sự tiếp tục đồng hành của tổ chức này.

A.T

Ảnh trong bài
  • Pyeongchang 2018 công bố huy chương Thế vận hội