Với số lượng VĐV tham dự nêu trên, kỳ SEA Games 29 chỉ xếp sau SEA Games 2005 tại Manila (Philippines) - kỳ Đại hội có số VĐV tham dự đông nhất với 5.336 người.
Riêng đối với Malaysia, đây là lần có sốVĐV tham gia cao nhất trong những lần nước này là chủ nhà của đại hội. Chủ tịch Liên đoàn SEA Games (SEAGF) Tunku Imran Tuanku Ja'afar ngày 7/7 cho biết, chủ nhà Malaysia sẽ mang đến Đại hội số lượng VĐV đông đảo nhất, 874 người, tiếp theo là đoàn Thái Lan với 858 VĐV. Indonesia, chủ nhà của ASIAD 2018, đứng thứ 3 với 629 VĐV. Timor Leste có số vận động viên ít nhất trong số các đoàn tham dự, 48 người.
Tuy nhiên, số lượng VĐV của các đoàn vào phút cuối vẫn có thể có sự thay đổi do tình trạng chấn thương hoặc vì các lý do khác nhau. Có một điều đặc biệt tại kỳ SEA Games lần này đó là Thống đốc bang Terengganu, Mizan Zainal Abidin, và Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Khairy Jamaluddin sẽ tham gia thi đấu ở các môn thể thao đua ngựa và polo.
Chủ tịch Điền kinh châu Á công bố kế hoạch phát triển
Chủ tịch Hiệp hội Điền kinh châu Á, Tướng Dahlan Jumaan al-Hamad cho biết Hiệp hội Điền kinh châu Á đang làm việc dựa trên kế hoạch chiến lược để phát triển môn thể thao nữ hoàng trên khắp châu lục trong thời gian từ năm 2018 tới 2021.
|
Chủ tịch Điền kinh châu Á công bố kế hoạch phát triển (Ảnh:ocasia) |
Nội dung của kế hoạch cũng phù hợp với chiến lược của Liên đoàn Điền kinh quốc tế để có thể triển khai một cách hiệu quả. Trao đổi với báo chí tại Hội nghị lần thứ 22 của Liên đoàn Điền kinh quốc tế, Tướng Dahlan Jumaan al-Hamad cho biết, Hiệp hội Điền kinh châu Á sẽ làm việc với Liên đoàn Điền kinh quốc tế để đảm bảo các VĐV hàng đầu châu Á sẽ không bị bỏ lỡ bất cứ một giải vô địch Điền kinh châu Á nào.
Bên cạnh những giải pháp để giải quyết vấn đề này, Tướng Dahlan Jumaan al-Hamad cũng cho biết Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh quốc tế Sebastian Coe cũng sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Trước mắt sẽ là những thay đổi đối với giải Grand Prix châu Á. Những nhà chức trách sẽ tiến hành rà soát cũng như định hình tổ chức giải vào thời điểm trước khi giải châu Âu và châu Mỹ diễn ra.
Qatar giúp gây quỹ tuyển Olympic tuyển tị nạn
Tiếp theo những thành công của đội tuyển tị nạn tham dự Olympic Rio 2016, Ủy ban Olympic quốc tế lại tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ cho đội tuyển tị nạn tham dự Olympic Tokyo 2020.
Theo đó, Ủy ban Olympic Qatar đã bày tỏ thiện ý đóng góp gây quỹ cho đội tuyển này, tuy nhiên Ủy ban Olympic quốc tế không công bố cụ thể con số đóng góp của Ủy ban Olympic Qatar. Bên cạnh đó còn có Ủy ban Olympic Liechtenstein cũng bày tỏ nguyện vọng hỗ trợ cho kế hoạch này. Kế hoạch hỗ trợ chi tiết dự kiến sẽ được công bố tại phiên họp của Ủy ban Olympic quốc tế tại Lima và tháng Chín tới cũng như hy vọng sẽ có thêm nhiều Ủy ban Olympic quốc gia có thiện chí.
Người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Mark Adams cho biết rất vui mừng khi nhận được những lời đề nghị thiện chí như Ủy ban Olympic Qatar và Ủy ban Olympic Liechtenstein. Đó là những đóng góp rất lớn.
Pyeongchang 2018 sẽ trở thành kỳ Olympic hòa bình nếu có sự tham gia của Triều Tiên
Chủ tịch Ủy ban Olympic và thể thao Hàn Quốc Lee Kee-heung cho biết Pyeongchang 2018 sẽ trở thành một kỳ Thế vận hội vô cùng đáng nhớ nếu có sự tham dự của Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng kỳ vọng Pyeongchang 2018 sẽ trở thành cơ hội để thúc đẩy quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Chủ tịch Lee cho biết không chắc chắn về số lượng khách nước ngoài sẽ tới thăm Hàn Quốc vào thời điểm diễn ra Pyeongchang 2018 là bao nhiêu, tuy nhiên nếu có sự tham gia của Triều Tiên thì với tiêu chí Olympic hòa bình, sẽ có rất nhiều khách tới thăm Hàn Quốc.
Triều Tiên đã tham gia vào kỳ Thế vận hội mùa đông lần đầu tiên trong Thế vận hội mùa đông tại Innsbruck năm 1964, giành HCB môn trượt băng tốc độ 3.000m của Han Pil-Hwa. Bỏ lỡ Thế vận hội mùa đông tiếp theo tại Grenoble năm 1968 nhưng tiếp tục thi đấu tại Sapporo ở Nhật năm 1972. Triều Tiên sau đó vắng mặt tại Innsbruck năm 1976 và Lake Placid năm 1980. Tiếp tục tham gia thi đấu tại Sarajevo 1984, Calgary 1988 và Albertville 1992. Kể từ đó, Triều Tiên đã tham gia thi đấu tại Nagano 1998, Turin 2006 và Vancouver 2010 nhưng đã bỏ lỡ Lillehammer 1994 và Sochi 2014.
A.T