|
Bốn gương mặt góp phần làm rạng danh thể thao khu vực Đông Nam Á |
Trải qua các kỳ tham dự Thế vận hội mùa hè, ngoài cường quốc thể thao khu vực Đông Nam Á là Thái Lan đã giành tổng cộng 26 huy chương Olympic, trong đó có 8 HCV, 6 HCB và 12 HCĐ (tính kể từ kỳ Olympic Atlanta 1996) thì Indonesia cũng xuất sắc giành tới 28 huy chương trong đó có 6 HCV, 11 HCB và 11 HCĐ (tính kể từ kể từ TVH Bacelona 1992).
Nếu như tại Olympic Luân Đôn 4 năm trước, các đoàn thể thao Đông Nam Á không giành HCV nào (Thái Lan 2 HCB, 2 HCĐ, Indonesia và Malaysia mỗi quốc gia có 1 HCB, 1 HCĐ, Singapore 2 HCĐ), thì tại kỳ Olympic Rio 2016 đang diễn ra tại Rio Brazil, các quốc gia Thái Lan, Việt Nam và Singapore đã đóng góp tới 4 HCV cho thành tích chung của thể thao khu vực Đông Nam Á, cùng hàng loạt HCB giá trị khác của Indonesia, Malaysia và Philippines.
Với sự đầu tư lớn và bài bản, Thái Lan vẫn được coi là lá cờ đầu của Đông Nam Á ở mọi cuộc tranh tài đẳng cấp thế giới. Tại Olympic Rio với 2 tấm HCV (Tanasan Sopita hạng cân 48 kg nữ và Srisurat Sukanya nội dung 58 kg) cùng với 1 HCB và 1 HCĐ ở môn Cử tạ đã giúp thể thao xứ Chùa vàng được cả thế giới nhắc đến như là một cường quốc của môn thể thao này. Thể thao Đông Nam Á cũng chứng minh thế mạnh ở môn Cử tạ khi Indonesia giành 2 HCB và Philippines cũng đoạt 1 HCB ở môn thể thao này.
Tanasan Sopita là đô cử mở màn HCV cho xử sở chùa Vàng ở hạng cân 48 kg nữ. Con đường vinh quang của đô cử 22 tuổi này có hỗ trợ lớn của vận may khi các VĐV Cử tạ của Nga bị cấm dự Olympic 2016 vì doping, trong khi ứng cử viên Hou Zhihui (Trung Quốc) rút lui vì chấn thương trước khi thi đấu. Bước vào tranh tài, đối thủ được xem là khó khăn nhất của Sopita là Vương Thị Huyền của Việt Nam (Á quân thế giới) bất ngờ thất bại trong cả 3 lần cử giật với mức tạ 83 và 84 kg. Tận dụng điều đó, Sopita đã về nhất với tổng cử 200 kg.
Chiếc HCV thứ hai của Thái Lan mang tên Srisurat Sukanya khi mang về vinh quang cho Cử tạ Thái Lan ở nội dung 58kg nữ với tổng cử 240kg. Đáng chú ý, VĐV 21 tuổi này từng bị Liên đoàn cử tạ thế giới cấm thi đấu 2 năm (từ tháng 5/2011 - 5/2013) vì bê bối có liên quan đến doping. Đô cử trẻ của Thái Lan vi phạm quy tắc chống doping nhưng đã không bỏ cuộc để cuối cùng vươn tới đỉnh vinh quang.
Đối với Singapore, một đất nước có nền kinh tế hàng đầu khu vực, đầu tư rất nhiều vào thể thao thì tấm HCV mà “kình ngư” Joseph Schooling đã thực sự giúp quốc đảo sư tử thỏa cơn khát. Việc Joseph Schooling đánh bại huyền thoại Michael Phelps (Mỹ) trên đường đua xanh ở cự ly sở trường 100m bướm, kèm với đó là phá kỷ lục Olympic ở nội dung này thực sự là cơn địa chấn đới với người hâm mộ thế giới. Bên cạnh đó, tấm HCV của Schooling còn mang ý nghĩa lịch sử đối với đất nước này, bởi đây là môn thể thao cơ bản của Olympic, cơ hội giành chiến thắng trước các cường quốc mạnh về bơi lội như Mỹ, Australia, Hungary là vô cùng khó... Tấm HCV của Schooling là một trang mới của bơi lội khu vực, giúp khích lệ tất cả các quốc gia còn lại của Đông Nam Á, để có thể vươn mình ở môn thi vốn chưa bao giờ là thế mạnh.
Chiếc HCVcủa môn Bắn súng ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nam mà Hoàng Xuân Vinh giành được tại Rio 2016 đã đưa anh trở thành nhà vô địch Olympic đầu tiên của Việt Nam. Đánh bại hàng loạt xạ thủ xuất sắc, trong đó có đươnng kim vô địch Jin Jong Oh để xác lập nên kỷ lục Olympic với 202,5 điểm đã ghi tên mình vào lịch sử của môn Bắn súng nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Và hơn cả mong đợi, xạ thủ số một Việt Nam lại tiếp tục mang vinh quang về cho Tổ quốc với chiếc HCB ở nội dung nội dung 50m súng ngắn bắn chậm. Mặc dù nội dung 50m súng ngắn bắn chậm không phải là sở trường của Hoàng Xuân Vinh, song anh đã khởi đầu vòng chung kết đầy ấn tượng, khi thường xuyên góp mặt ở nhóm trên. Liên tục dẫn đầu từ viên đạn thứ 10 đến viên thứ 18.
Giành 1 HCV và 1 HCB tại một kỳ Olympic là thành tích chưa từng xảy ra trong lịch sử Thể thao Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Anh đã trở thành biểu tượng mới cho thành công của thể thao Việt Nam nói riêng và cả vùng Đông Nam Á nói chung. Hoàng Xuân Vinh chính là sự khích lệ cho thể thao khu vực, vì ý chí và nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi của mình.
Còn đối với các quốc gia chưa giành được HCV nào tại kỳ Olympic lần này như Indonesia và Malaysia thì quyết tâm cải thiện thành tích trước khi tham dự Olympic Rio 2016 của họ khá lớn. Là quốc gia rất mạnh về Cầu lông, Cử tạ (đã giành 2 HCB tại Rio 2016), Indonesia đặt nhiều kỳ vọng thành tích ở 2 môn này. Đoàn thể thao Indonesia đến Olympic Rio 2016 với 28 tuyển thủ tham dự thi đấu ở 7 môn, quyết tâm lọt vào tốp 40 thế giới và phấn đấu giành 1 đến 2 HCV. Để động viên các tuyển thủ thi đấu giành thành tích, hướng tới tấm HCV, Indonesia treo thưởng lớn hơn 300.000 USD cho 1 tấm HCV cùng mức lương hưu trọn đời cho VĐV cao gấp 5 lần so với mặt bằng chung lương hưu của mỗi người dân Indonesia. Bên cạnh môn số 1 cầu lông, thể thao Indonesia còn có các môn trọng điểm khác cho việc tìm kiếm huy chương Rio như cử tạ, bắn cung và rowing. Cử tạ Indonesia có 3 gương mặt sáng giá là lực sĩ Eko Yuli Irawan (hạng 62kg), Triyanto (69kg) của nam và Dewi Safitri (hạng 62kg) nữ đều có khả năng cạnh tranh HCV. Bắn cung Indonesia khá mạnh ở sân chơi châu Á khi có 4 cung thủ giành vé và có khả năng gây bất ngờ ở Rio 2016.
Đoàn thể thao Malaysia tới Olympic Rio với 31 VĐV, dự tranh 10 môn, mang khát vọng giành 2 HCV. Trong 10 môn thi đấu tại Đại hội, niềm tin giành HCV Rio 2016 của giới chức Malaysi vẫn là ở môn chủ lực cầu lông. Đây là môn thi đấu sở trường và là số một của quốc gia này. Trong đoàn thể thao Malaysia, đội tuyển cầu lông có 8 VĐV và dự tranh 5 nội dung thi đấu. Tay vợt chủ lực của họ là số 1 nam thế giới Lee Chong Wei. Hiện Malaysia đã giành được 1 HCB ở nội dung 10 m cầu cứng đôi nữ tại Olympic Rio 2016.
Như vậy, tính đến thời điểm ngày 17/8, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã giành tổng cộng 4 HCV, 6 HCB và 1 HCĐ là minh chứng rõ ràng cho sự vượt qua chính mình so với kỳ Thế vận hội trước. Ngoài ra, đây cũng là bằng chứng cho thấy sự đầu tư đúng hướng của nhiều nước Đông Nam Á cho thể thao, hướng về các môn cơ bản của phong trào Olympic. Cả thế giới đang cùng hướng đến đấu trường Olympic, coi đấy là đỉnh cao duy nhất thể hiện sự cường thịnh của nền thể thao và thể thao Đông Nam Á cũng không nằm ngoài xu thế này.
A.T