Ủy ban Olympic quốc tế ký thỏa thuận hợp tác với Ủy ban quốc tế về thể thao đối với người khiếm thính

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach và Chủ tịch Ủy ban quốc tế về thể thao đối với người khiếm thính Valery Nikitich Rukhledev đã thay mặt hai cơ quan ký kết thỏa thuận hợp tác nêu trên tại trụ sở chính của Ủy ban Olympic quốc tế đặt tại Lausanne, Thụy Sĩ.

Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach và Chủ tịch Ủy ban quốc tế về thể thao đối với người khiếm thính Valery Nikitich Rukhledev đã thay mặt hai cơ quan ký kết thỏa thuận hợp tác (Ảnh:en.olympic.cn)
Đây cũng là một trong những nội dung thực hiện theo khuyến nghị thứ bảy của chương trình nghị sự Olympic 2020 nhằm mục đích nâng cao quan hệ hợp tác giữa các tổ chức trong công tác quản lý thể thao vì lợi ích giữa các bên. Thông qua thỏa thuận này có thể khai thác thế mạnh của hai bên trên các lĩnh vực bao gồm sự hỗ trợ về kỹ thuật, các hoạt động truyền thông và quảng bá sự kiện thông qua kênh Olympic.

Chương trình nghị sự Olympic 2020 là lộ trình chiến lược cho tương lai của phong trào Olympic, được Ủy ban Olympic quốc tế nhất trí thông qua tại cuộc họp toàn thể vào tháng 12/2014. Ủy ban Olympic quốc tế sẽ làm việc với Ủy ban quốc tế về thể thao để thực hiện thỏa thuận hợp tác, qua đó hỗ trợ VĐV khiếm thính.

Chủ tịch Bach cho biết, thoả thuận được ký kết với Ủy ban quốc tế về thể thao đối với VĐV khiếm thính là một bước tiến khác trong thực hiện chương trình cải cách chương trình nghị sự Olympic 2020. Làm việc với các VĐV khuyết tật và mang đến cho họ cơ hội hưởng lợi ích từ các môn thể thao là một phần của giá trị Olympic.

Chủ tịch Rukhledev cho biết, việc xúc tiến các quyền của người khuyết tật là xứ mệnh của ông. Thỏa thuận này là một dấu mốc quan trọng đối với Ủy ban quốc tế về thể thao đối với VĐV khiếm thính cũng như góp phần chính thức hóa mối quan hệ lâu năm giữa hai tổ chức suốt từ năm 1955. Chủ tịch Rukhledev cũng kỳ vọng thỏa thuận này cũng sẽ đẩy mạnh quan hệ hữu nghị giữa hai tổ chức trong thời gian tới.

Ủy ban Olympic quốc tế đề cao công tác chống doping trước thềm Rio 2016

Theo đó, Tổ chức chống doping Vương quốc Anh sẽ đóng vai trò là ban thư ký, góp phần đảm bảo sự phối, kết hợp giữa các quốc gia trước thềm Olympic Rio 2016. Nhiệm vụ trước tiên là phải xác định được khoảng thời gian kiểm tra giữa các môn thể thao Olympic cũng như phân bổ lực lượng của các tổ chức chống doping quốc gia đối với nhiệm vụ này.

Sau hàng loạt các bê bối có liên quan tới doping mà nổi bật là lệnh cấm của Liên đoàn Điền kinh thế giới ban hành đối với các VĐV Nga hay mới đây nhất là việc ngôi sao Quần vợt của Nga Sharapova chính thức thừa nhận sử dụng loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim cùng phòng chống tiểu đường có chứa chất cấm của Tổ chức chống Doping, Tổ chức này đã chỉ định vai trò của Tổ chức chống doping Vương quốc Anh trong hoạt động nêu trên, có sự chỉ đạo của Ủy ban Olympic quốc tế.

Trưởng Ban điều hành Tổ chức chống doping Vương quốc Anh Nicole Sapstead cho biết, đây được coi là một bước quan trọng vì thể thao toàn cầu và cũng là để bảo vệ các VĐV trong sạch. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các Liên đoàn quốc tế, các tổ chức chống doping quốc gia phối hợp đảm bảo các chương trình thử nghiệm tiền Olympic đạt được mục tiêu, ý nghĩa và hiệu quả. Hợp tác toàn cầu là một khía cạnh quan trọng của việc bảo vệ thể thao trong sạch và phát triển một sân chơi bình đẳng cho tất cả các vận động viên.

Các tổ chức chống doping ở Đan Mạch, Nhật Bản, Úc và Nam Phi cũng sẽ tham gia vào các hoạt động này. Trong số các nhiệm vụ của hoạt động này cũng bao gồm cả sự chia sẻ thông tin tình báo về các VĐV có nguy cơ cao. Ủy ban Olympic quốc tế cũng sẽ cung cấp chương trình "Chuyển giao kiến thức" trước khi Olympic chính thức diễn ra, cho phép các tổ chức xây dựng các chiến lược có liên quan tới lĩnh vực chống doping trong thời gian diễn ra sự kiện.

Chuyến thăm của Chủ tịch Thomas Bach tới Bắc Phi được đánh giá là chuyến thăm của tình đoàn kết và hy vọng

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đã có chuyến thăm ba ngày tới khu vực Bắc Phi để chia sẻ về tinh thần đoàn kết của phong trào Olympic. Điểm nhấn của chuyến thăm là Tunisia nơi diễn ra hàng loạt các cuộc tấn công, khủng bố. Tại đây, Chủ tịch Thomas Bach đã khẳng định với Tổng thống nước Cộng hòa Tunisia, ông Beji Caid Essebsi; Thủ tướng Habib Essid và Chủ tịch Nghị viện Mohamed Ennaceur rằng gia đình Olympic luôn đồng hành cùng với người dân Tunisia trong thời điểm khó khăn này. Thể thao sẽ sử dụng sức mạnh thống nhất để truyền tải các thông điệp về sự khoan dung và hòa bình.

Chủ tịch Bach cũng có buổi thảo luận và làm việc với các chính trị gia về việc làm thế nào mà thể thao, khi sớm được đưa vào trường học, có thể góp phần ngăn chặn thế hệ trẻ khỏi con đường sai trái. Chủ tịch cũng đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Turnisia trong lĩnh vực này. Cũng tại phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo Tunisia bày tỏ về sự hợp tác hiệu quả giữa chính phủ với Ủy ban Olympic quốc gia cũng như sự tôn trọng tuyệt đối quyền tự chủ của các Liên đoàn thể thao. Chuyến thăm cũng là cơ hội để Chủ tịch Bach hiểu rõ hơn về sự nỗ lực của Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Tunisia Mehrez Boussayene và các đồng nghiệp trong quá trình chuẩn bị nhiều năm qua để có được lực lượng VĐV tham dự Olympic cũng như trong dự án giúp trẻ em tị nạn Libyan ở phía Nam đất nước, và khuyến khích các trẻ em gái tham gia tập thể dục.

Cũng trong chuyến thăm này, Chủ tịch Bach có cơ hội được gặp gỡ với các VĐV trẻ của Tunisia trong đó có các gương mặt sẽ tham dự Olympic Rio 2016 như: Mohamed Gammoudi, Habiba Ghribi, tại Lễ tôn vinh các VĐV giành huy chương Olympic và cũng là buổi Lễ động thổ trụ sở Ủy ban Olympic quốc gia Tunisia. Chủ tịch Bach cũng gửi lời chúc may mắn tới các VĐV Tunisia sẽ tham dự Rio, những người sẽ trở thành hình mẫu cho thế hệ trẻ Tunisia.Thông qua thể thao, thế hệ trẻ Tunisia sẽ tìm ra chìa khóa cho một tương lai tươi sáng hơn, tương lai của hy vọng và hòa bình.

A.T
 

Ảnh trong bài
  • Ủy ban Olympic quốc tế ký thỏa thuận hợp tác với Ủy ban quốc tế về thể thao đối với người khiếm thính