Trung Quốc: đưa Bóng đá trở thành môn học bắt buộc trong các trường học

Trước những dấu hiệu có phần tụt dốc của Bóng đá Trung Quốc kể từ năm 2009 khi một loạt những án đen về cá độ, bán độ,... bị phơi bày cộng thêm thành tích yếu kém của đội tuyển Bóng đá nam Trung Quốc khi thành tích ngày càng xa vời với World Cup, nền Bóng đá Trung Quốc bị dồn vào thế bắt buộc phải cải tổ triệt để. Chính vì vậy, kể từ Đại hội 18 của Đảng Trung Quốc đến nay, cải cách nền thể thao luôn được Đảng và Quốc hội coi trọng, chấn hưng nền bóng đá là nhiệm vụ vô cùng quan trọng để phát triển thể thao và xây dựng hình tượng cường quốc thể thao.

Phát biểu trong buổi triệu tập Hội nghị lần thứ 11 của Trung ương về việc cải cách lãnh đạo toàn diện và sâu rộng, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã thông qua “Đề án tổng thể cải cách Bóng đá Trung Quốc” và nhấn mạnh:  hiện thực hóa giấc mộng Trung Hoa qua sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa với giấc mộng cường quốc thể thao Trung Quốc là một mối liên kết, tương quan chặt chẽ. Chấn hưng bóng đá là yêu cầu tất yếu của việc xây dựng nên cường quốc thể thao, đây cũng là điều mà nhân dân cả nước mong đợi.

Một trong những điểm nhấn của Đề án nhằm cải tổ nền Bóng đá Trung Quốc, đó là việc cải tổ cơ cấu lãnh đạo của LĐBĐ Trung Quốc. Theo đó, cơ cấu lãnh đạo của LĐBĐ Trung Quốc sẽ không có cấp hành chính, mà sẽ do đại diện bộ phận quản lý hành chính về thể thao của Quốc vụ viện, nhân tố có tiếng tăm trong làng BĐ chuyên nghiệp, nhân tố xã hội cùng với các chuyên gia trong lĩnh vực Bóng đá đảm trách, đảm bảo sự chuyên nghiệp hóa cho LĐBĐ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thành lập Quỹ phát triển Bóng đá, quỹ này sẽ được lấy từ nguồn thu của xổ số thể thao mỗi năm. Đồng thời, trong Đề án đã đề xuất việc sẽ nghiên cứu để thành lập và tổ chức các cược Bóng đá (dưới hình thức như xổ số), chỉ áp dụng đối với Mùa giải Bóng đá hạng nhất/Nhà nghề Trung Quốc.

Đề án cũng chỉ ra rõ nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương, theo đó các địa phương phải tạo điều kiện để hướng dẫn, dẫn dắt các đội bóng/CLB ưu tú, có cơ sở phát triển tốt, có tính đại diện và tầm ảnh hưởng cao, hạn chế tối đa việc các CLB này bị ảnh hưởng của Nhà đầu tư/ông bầu/chủ CLB dẫn đến thay đổi địa điểm liên tục giữa các thành phố, thiếu hụt sự ổn định lâu dài.

Tiếp đó là việc đưa Bóng đá trở thành môn học thể thao bắt buộc tại các Trường Tiểu học và Trung học cơ sở, tăng tỷ trọng thời gian học chính khóa môn Bóng đá. Hiện nay có hơn 5.000 trường Tiểu học và THCS có khuôn viên Bóng đá học đường đặc sắc, trên cơ sở này, 2020 phải đạt 20.000 trường, 2025 đạt 50.000 trường, trong đó số lượng trường triển khai Bóng đá cho học sinh nữ phải đạt tỷ lệ nhất định.

Đưa việc xây dựng các sân BĐ vào Quy hoạch tổng thể thành thị hóa và Nông thôn mới, yêu cầu các cấp chính quyền tổ chức thực hiện nghiêm. Đồng thời phải thực hiện chính sách ngoài giờ học chính khóa và ngoại khóa cho học sinh, phải cho thuê sân BĐ của các trường học với gia rất rẻ hoặc miễn phí, tạo cơ chế cộng hưởng lợi ích của sân BĐ giữa trường học với xã hội.

Theo kế hoạch của Đề án, việc phát triển nền Bóng đá sẽ thực hiện chiến lược “đi 3 bước”, ngắn hạn: cải thiện môi trường Bóng đá hiện nay, hình thành cục diện phát triển nhịp nhàng giữa sự nghiệp Bóng đá và sản nghiệp Bóng đá; Trung hạn: tăng mạnh nguồn nhân lực Bóng đá trẻ, thanh thiếu niên và dài hạn: Phát triển toàn diện Bóng đá TQ. Tích cực giành quyền đăng cai tổ chức World Cup.

Theo thống kê, hiện Trung Quốc đang thiếu trầm trọng sân bóng và các thiết bị phần cứng, đơn cử trên toàn thành phố Bắc Kinh có không đến 100 sân vận động đạt chuẩn cho Bóng đá, trong khi đó con số này ở London có hơn 3000. Cùng với đó nguồn nhân lực cầu thủ trẻ cũng thiếu hụt nghiêm trọng, theo đăng ký của Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc hiện nay số lượng các cầu thủ trẻ không đến 7.000, = 1,4% của Nhật  Bản là 600.000, 1% của Tây Ban Nha là 650.000.

 TX

Ảnh trong bài
  • Trung Quốc: đưa Bóng đá trở thành môn học bắt buộc trong các trường học