Những năm hậu Olympic cũng như các kỳ Đại hội thể thao châu Á lớn khác là giai đoạn chuyển mình nhanh chóng ở các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Hiệu ứng này đã được minh chứng rõ ràng ở nhiều quốc gia châu Á cùng sự ngưỡng mộ và dõi theo của toàn thế giới.
Hiện nay, châu Á đang nổi lên là khu vực phát triển ở nhiều lĩnh vực và trong đó, thể thao đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của người dân. Thể thao khơi dậy những đam mê của con người, mang đến sự gắn kết giữa các quốc gia trong châu lục, đưa hình ảnh châu Á đến với thế giới một cách sâu rộng thông qua các sự kiện thể thao quan trọng được tổ chức tại đây.
Khu vực châu Á có khả năng tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới đã là điều hiển nhiên bởi nhận định này được chứng minh bằng thực tế thông qua việc Bắc Kinh đăng cai giải Vô địch thế giới của Liên đoàn Điền kinh thế giới vào tuần đầu tháng 9/2015, hay việc IOC đưa ra quyết định chọn PyeongChang, Tokyo và Bắc Kinh sẽ là quốc gia chủ nhà của các kỳ Olympic tiếp sau Rio 2016.
Trên khắp châu lục, từ các quốc gia vùng Vịnh đến Singapore hay Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã có sự đầu tư đáng kể cho các công trình thể thao cũng như văn hóa thể thao. Bởi lý tưởng mà họ hướng tới không chỉ đơn giản là chiến thắng mà còn là sự chia sẻ những giá trị mà thể thao đem lại, mang đến lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ tại đây.
Việc nâng cao tầm quan trọng của thể thao trong cuộc sống thể hiện rõ ràng qua các sự kiện trong đó có ASIAD. Có thể thấy tại kỳ ASIAD đầu tiên tổ chức tại Delhi, Ấn Độ năm 1951 với 11 quốc gia tranh tài 57 bộ huy chương của 8 môn thể thao thì tại ASAID tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc con số các quốc gia tham dự đã lên tới 45 quốc gia với 9.500 VĐV, tranh tài 36 môn thê thao khác nhau. ASIAD đã nâng tầm, trở nên rộng lớn hơn, là một sự kiện đa môn thể thao và tầm cỡ được đánh giá là lớn thứ 3 thế giới sau FIFA World Cup và Olympic.
Thành tựu mà ASIAD đạt được cũng không đơn giản chỉ là sự mở rộng về quy mô mà còn là sự nâng tầm cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác tổ chức đáp ứng tiêu chuẩn thế giới, để sẵn sàng tổ chức một sự kiện tầm cỡ thế giới nếu có cơ hội.
Phiên họp Đại hội đồng của Hội đồng Olympic châu Á (OCA) vừa diễn ra tại Ashgabat, Turkmenistan đã khẳng định sự phát triển của thể thao không chỉ gói gọn trong sự trưởng thành của châu lục mà còn phải thể hiện vai trò đóng góp của thể thao châu Á đối với toàn cầu. Thành lập năm 1982 với 34 thành viên là các Ủy ban Olympic quốc gia, ngày nay số lượng thành viên của OCA đã là 45 Ủy ban Olympic quốc gia và vùng lãnh thổ. OCA luôn nỗ lực hỗ trợ các Ủy ban Olympic quốc gia trong việc phát triển các thiết bị thể thao thông qua các quỹ đoàn kết Olympic, Daimler Chrysler thực hiện được 45 dự án Olympic kể từ năm 2001.
OCA cam kết làm việc với tất cả các Ủy ban Olympic quốc gia khu vực châu Á để phát triển nền tảng thể thao châu lục, mang đến cơ hội, thiết bị và hỗ trợ cần thiết thu hút sự tham gia của các tài năng thể thao, đảm bảo rằng các tài năng đó được tỏa sáng.
Các mảng sự kiện của OCA, bao gồm Đại hội thể thao châu Á mùa đông, Đại hội thể thao bãi biển châu Á, Đại hội thể thao võ thuật và trong nhà châu Á đã mang đến cơ hội phát triển cho các tài năng trẻ, là đòn bẩy để các ngôi sao mới nổi được tỏa sáng trên các đấu trường lớn hơn.
Bằng sự kết hợp giữa các môn thể thao Olympic và không Olympic, sự tổng hòa giữa văn hóa và thể thao, OCA đang đóng vai trò quan trọng của công dân toàn cầu nhằm thiết lập những tiêu chuẩn cao hơn cho thể thao để thúc đẩy các giá trị cốt lõi của nó.
Học viện Quan hệ thể thao quốc tế chính thức được ra mắt
Học viện Quan hệ thể thao quốc tế được ra mắt ở Songdo, Hàn Quốc vào đầu tháng 9 được coi là giấc mơ trở thành hiện thực của các nhà vô địch Olympic Taekwondo Hàn Quốc ở Athens cũng như các thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế. Học viện được đưa vào hoạt động dựa trên Quỹ Quan hệ thể thao quốc tế và được tài trợ bởi Hiệp hội Ủy ban Olympic quốc gia và chính phủ Hàn Quốc.
Được đưa vào hoạt động với mục tiêu giúp đỡ và hỗ trợ các VĐV chuẩn bị tâm thế cho tương lai sau khi giã từ sự nghiêp thi đấu. Với chương trình giáo dục, tập huấn kéo dài một năm cho các VĐV giải nghệ, đặc biệt ưu tiên cơ hội cho các quốc gia đang phát triển, sẽ giúp cho các VĐV khám phá những cơ hội sự nghiệp khác nhau trong lĩnh vực thể thao cũng như có được những kiến thức cơ bản và kinh nghiệm cần phải có trong lĩnh vực tương ứng mà họ quan tâm.
17 sinh viên tham dự khóa học trong năm đầu tiên đến từ các quốc gia Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Nigieria
A.T