|
Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach (phải) và ông Tunku Imran Tuanku Ja'afar Chủ tịch Hội đồng Olympic Malaysia trong chuyến thăm SVĐ Juara in Bukit Kiara hôm 28/7 (Ảnh: thestar) |
Theo đó, đây là ý tưởng bắt nguồn từ chương trình nghị sự mới năm 2020 của Ủy ban Olympic quốc tế được thống nhất thông qua vào tháng 12/2014 cho phép hai quốc gia được trở thành đồng chủ nhà sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Nói về khả năng này, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach cho biết: "Không có rào cản đối với bất cứ một quốc gia nào trong việc trở thành một quốc gia đăng cai Olympic. Nếu muốn tổ chức một kỳ Olympic ở khu vực Đông Nam Á, trước tiên bạn phải trở thành một ứng cử viên. Tôi cũng rất hy vọng một ngày chúng ta có được sự kiện đó tại đây. Hơn nữa, chương trình nghị sự Olympic 2020 đã đưa ra cho các bạn một cơ hội rất tốt. Ủy ban Olympic quốc tế mong muốn mang lại cơ hội làm chủ nhà cho một quốc gia chưa từng đăng cai sự kiện này".
Đề cập đến khả năng cùng nước láng giềng làm đồng chủ nhà Thế vận hội dựa trên nghị quyết thay đổi quy định của chương trình nghị sự Olympic 2020, ông Tunku Imran Tuanku Ja'afar cho biết, việc đơn phương tổ chức Olympic thực sự là quá sức đối với Malaysia, nhưng theo điều luật mới của IOC, ông tin rằng việc Malaysia cùng Singapore cùng nhau tham gia tranh quyền đăng cai Thế vận hội là hoàn toàn khả thi. Cũng theo ông Tunku Imran Tuanku Ja'afar thì với Olympic 2024 không còn kịp nhưng Singapore và Malaysia có thể lạc quan cho các kỳ Olympic tiếp theo vào năm 2028 hoặc 2032.
Vừa gây tiếng vang trong vai trò chủ nhà của SEA Games 2015 thông qua việc tổ chức một kỳ Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á ấn tượng nhất lịch sử, với cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc thông suốt, trang thiết bị hiện đại, sự thân thiện và những màn tranh tài hấp dẫn, hay việc tổ chức thành công Thế vận hội Trẻ - Youth Olympic - 2010 với sự tham gia của 3.600 VĐV đến từ 205 quốc gia thì hẳn là Singapore có rất nhiều lợi thể để tổ chức một kỳ Olympic.
Tuy nhiên, trên thực tế, ông Ng Ser Miang Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Singapore đồng thời là Chủ tịch tiểu ban tài chính Ủy ban Olympic quốc tế cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng Olympic là sân chơi có quy mô lớn hơn nhiều, với vô số điều kiện ngặt nghèo và khối lượng công việc khổng lồ, nên Singapore cần sự hỗ trợ, san sẻ. Hơn thế nữa cần cân nhắc cẩn trọng, bởi đăng cai Olympic là một công việc khổng lồ, cần sự ủng hộ tuyệt đối từ Chính phủ.
Ông cũng đưa ra những khó khăn mà các quốc gia đăng cai trước đó gặp phải trong với vai trò đồng tổ chức như Nhật Bản và Hàn Quốc tại kỳ World Cup 2002 hay đơn giản như Lễ Khai mạc và bế mạc sẽ được tổ chức ở đâu hay phân bổ các môn thể thao thế nào, tất cả những việc đó đều cần có thời gian để bàn thảo nghiêm túc.
A.T