Trưởng ban tổ chức Thế vận hội Luân Đôn 2012 Sebastian Coe cho biết: “Theo tôi, Ủy ban Olympic quốc tế cần triển khai những kế hoạch, hành động để khuyến khích các nước gửi các VĐV nữ tham gia thi đấu tại Thế vận hội Luân Đôn 2012. Tôi nghĩ rằng có thể sử dụng thể thao như một cách để khuyến khích sự bình đẳng giới, đặc biệt là trong thể thao ở một số các quốc gia”.
Lời kêu gọi của Trưởng ban tổ chức Thế vận hội Luân Đôn 2012 được đưa ra khi một nghiên cứu của tổ chức nhân quyền đã chỉ ra rằng, ở một số các quốc gia như: Ả Rập Saudi, Qatar và Brunei, hiện vẫn đang cấm các VĐV nữ tham gia tại giải đấu thể thao lớn như Thế vận hội.
Ông Christoph Wilcke, một nhà nghiên cứu của tổ chức nhân quyền cho biết: “Việc phụ nữ và trẻ em gái không được tập luyện thể thao hay không được thi đấu tại các giải thể thao lớn rõ ràng đã vi phạm cam kết của Hiến chương Olympic về bình đẳng giới. Điển hình như Ả rập Saudi, phụ nữ và trẻ em gái, những người muốn chơi thể thao, đều không được phép tham gia tập luyện, thi đấu thể thao. Hiện có 3 nước chưa từng gửi các VĐV nữ tham gia thi đấu tại các kỳ Thế vận hội, đó là: Ả Rập Saudi, Qatar và Brunei. Theo tôi được biết, tại Thế vận hội lần này, Qatar đã ra thông báo sẽ gửi VĐV nữ tham gia thi đấu tại Thế vận hội này”.
Ông Sebastian Coe cho biết thêm: "Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề mà Ủy ban Olympic quốc tế cần phải đối mặt. Tuy nhiên, để thay đổi vấn đề này cũng như tạo sự bình đẳng giới trong thể thao thì cần một thời gian dài, vấn đề này không thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Không thiếu gì những VĐV nữ ở các quốc gia hồi giáo đã giành thành tích cao như VĐV Nawal El-Moutawakel của Ma-rốc, đây là người phụ nữ Hồi giáo đầu tiên giành HCV tại Thế vận hội Los Angeles năm 1984”.
Biên dịch Khánh Chi (theo Reuters)