Với 12 gương mặt xuất sắc đại diện cho các môn thể thao Bơi, Taekwondo, Điền kinh, Bắn súng, Rowing, Đấu kiếm, Vật và Bắn cung, Uỷ ban Olympic Philippines (POC) đã có chiến lược dành riêng cho từng môn thể thao trên. Theo đó, hàng tháng 12 tuyển thủ này sẽ được hưởng trợ cấp đặc biệt và có tiền thưởng thêm cho mỗi cuộc thi vòng loại Olympic. Ngoài ra, POC cũng sẽ dành chế độ chăm sóc đặc biệt cho khoảng 60 VĐV (được POC và các Liên đoàn thể thao quốc gia thông qua). Đây sẽ lực lượng dự bị cho 12 tuyển thủ nêu trên nếu trong vòng 6 tháng tốp 12 không có dấu hiệu chuyển biến.
Được coi là quốc gia đi đầu trong việc xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho Olympic Luân Đôn 2012, ngay từ năm 2009, Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia đã đề xuất chương trình “Đường đến Olympic”. Chương trình xác định 3 môn thể thao ưu tiên hàng đầu là Bắn cung, Cầu lông và Xe đạp lòng chảo cùng những vấn đề cần lưu tâm giúp nâng cao thành tích như: chuyên gia, khoa học thể thao, y học thể thao. 17 gương mặt xuất sắc của thể thao Malaysia ở 3 môn thể thao nói trên đã được lựa chọn dựa trên cơ sở thành tích của họ trên đấu trường quốc tế và khả năng giành huy chương Olympic. Lý giải về việc giới hạn số lượng các môn thể thao tham dự Olympic Luân Đôn 2012, Bộ trưởng Datuk Ismail Sabri Yaakob cho biết, đó là nhằm tập trung vào mục tiêu giành HCV Olympic đầu tiên cho nước này.
Quốc gia chủ nhà của SEA Games 26 - Indonesia, ngoài trách nhiệm nặng nề trong công tác tổ chức thành công Đại hội thể thao lớn nhất khu vực cũng không quên chuẩn bị lực lượng cho Olympic 2012. Năm 2011, thể thao Indonesia được chính phủ cam kết đầu tư 44,4 triệu USD dành cho việc tập huấn các đội tuyển quốc gia. Các Liên đoàn thể thao quốc gia sẽ sử dụng số tiền này cho kế hoạch tập huấn theo chương trình “Thế hệ Vàng” (Prima), không chỉ cho SEA Games 2011 mà còn cho các cuộc thi vòng loại Olympic Luân Đôn 2012.
A.T (tổng hợp)