Cần có chương trình giáo dục cho VĐV sau khi đã giải nghệ

Thực tế cho thấy, các VĐV trên toàn thế giới ở bất cứ môn thể thao nào, sau khi giải nghệ đều gặp khó khăn và nhận được rất ít hỗ trợ từ các phía. Vậy nên, cộng đồng thể thao quốc tế cần có những động thái mạnh hơn nữa để giúp đỡ các VĐV sau khi họ kết thúc sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp. Đây chính là thông điệp đã được đưa ra tại buổi họp của Hội đồng Olympic được tổ chức tại Copenhagen vừa qua.

Phát biểu tại cuộc Họp, bà Scott -  đại diện Uỷ ban Vận động viên của IOC, Giám đốc Điều hành Ban tổ chức Thế vận hội Vancouver cho rằng: Tất cả các VĐV đã cống hiến tuổi trẻ cho những cuộc tranh tài và khi rời khỏi môi trường thể thao chuyên nghiệp, họ đều không có sự chuẩn bị cho cuộc sống riêng của mình. Hầu hết, họ đều cảm thấy thiếu tự tin và chấn động rất lớn về tinh thần..., bởi thế, chúng ta  nên có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ cho các VĐV trong giai đoạn chuyển giao, bước sang cuộc sống mới sau khi sự nghiệp thể thao của họ kết thúc.

Từ kinh nghiệm bản thân, bà Scott - VĐV 3 lần tham dự TVH Olympic, giành HCV và HCB tại TVH Olympic mùa Đông Salt Lake năm 2002 cho rằng: trong cùng một thời điểm, VĐV không thể vừa hoàn thành sự nghiệp học hành, vừa tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Chính vì vậy, các tổ chức thể thao quốc tế cần phải quan tâm nhiều hơn nữa để giúp đỡ  VĐV, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển - nơi mà công tác giáo dục sau trung học và hướng nghiệp còn đang bị bỏ ngỏ. Một trong những giải pháp cho vấn đề đó, là các chương trình giáo dục cho VĐV khi họ còn đang thi đấu và tập luyện trong môi trường thể thao.

Vấn đề này lần đầu tiên được đề cập tại Hội nghị Phụ nữ và Thể thao thế giới do IOC tổ chức tại Marrakech, Morocco năm 2003 và từ đó đến nay, IOC vẫn đang tiếp tục tìm mọi cách để giúp đỡ những VĐV đã giải nghệ.

Ngọc Thanh

 

Ảnh trong bài
  •  Cần có chương trình giáo dục cho VĐV sau khi đã giải nghệ