Tại Đại hội thể thao các nước châu Á Ganefo năm 1966 được tổ chức tại Campuchiachưa, cây chuyền 2 Nguyễn Mạnh Hùng đã thi đấu rất xuất sắc, góp công lớn giúp bóng chuyền nam đoạt tấm huy chương Đồng, chỉ xếp sau Trung Quốc và Triều Tiên. Với thành công này, chàng trai Nguyễn Mạnh Hùng đã vinh dự được góp mặt trong đoàn đại biểu thể thao đến báo công với Bác Hồ.

HLV Nguyễn Mạnh Hùng: “Lời dạy của Bác là nguồn động lực lớn lao để tôi phấn đấu và noi theo”
Kể lại kỉ niệm đầy xúc động ấy, ông Nguyễn Mạnh Hùng không thể nào quên khoảnh khắc đầy vinh dự, tự hào khi được Bác Hồ ôm hôn, bắt tay, thăm hỏi và động viên. Bác cũng không quên căn dặn: cháu phải cố gắng chăm chỉ tập luyện và nhớ một điều đầu tiên trong thể thao rằng “thắng không kiêu, bại không nản”.
Đối với một vận động viên trẻ như Nguyễn Mạnh Hùng đó là một kí ức mà ông mãi trân trọng: “Mình chỉ là một vận động viên bình thường nhưng lại được gặp Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc là điều vô cùng xúc động. Bản thân tôi và những người được gặp Bác hôm ấy khi về đều mang một kỉ niệm sâu sắc. Một vị lãnh tụ cao quý nhưng rất thân thương, tình cảm. Tình cảm mà Bác dành cho chúng tôi khi ấy đã trở thành động lực, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, hoàn thành công việc”.
Được gặp Bác Hồ đã là một vinh dự lớn lao trong cuộc đời mỗi người dân Việt Nam. Và ông Nguyễn Mạnh Hùng đã có tới hai lần được nhận vinh dự lớn lao ấy.
Từ một tuyển thủ trẻ quốc gia, cây chuyền 2 Nguyễn Mạnh Hùng đã trở thành một HLV nổi tiếng nhất làng bóng chuyền Việt Nam khi dẫn dắt 3 câu lạc bộ giành chức vô địch quốc gia hay giúp cả hai đội tuyển nam, nữ quốc gia giành huy chương tại giải vô địch Đông Nam Á và SEA Games. Chính những kinh nghiệm thi đấu tại các giải quốc gia và nước ngoài trong suốt quãng thời gian khi là vận động viên, đã được ông truyền đạt lại giúp đặt nền móng cho bóng chuyền Việt Nam vươn lên những tầm cao mới.
Lĩnh hội sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ: “Dù làm công việc gì việc đầu tiên cũng phải đặt hết tâm trí vào chuyên môn. Làm nghề là phải khổ luyện, chăm chỉ, tập trung cao độ. Trong nghề của mình cũng có lúc này lúc kia, lúc thắng lúc thua, cũng phải rút ra được những bài học để tạo nên những điểm khác biệt tốt trong chuyên môn”, HLV Nguyễn Mạnh Hùng không chỉ phấn đấu suốt đời nỗ lực làm theo mà còn truyền cả tinh thần lớn ấy cho các thế hệ học trò.
Đội tuyển bóng chuyền nữ đầu tiên ông gắn bó với vai trò HLV là Bưu điện Hà Nội, một trong những đội mạnh với những nòng cốt như: Hà Thu Dậu, Chu Minh Tám, Ngô Thị Thủy, Phạm Thị Diệp, Nguyễn Thị Hoa, Lê Hương Lan… Ông cũng góp phần tạo dựng nền móng cho đội tuyển bóng chuyền nữ và dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Mạnh Hùng, các cô gái Việt Nam đã giành tấm HCB tại một giải đấu quan trọng ở Jakarta vào năm 1997. Tiếp đến năm 2001, bóng chuyền Việt Nam đã có được tấm HCB SEA Games lịch sử. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của ông HLV Nguyễn Mạnh Hùng.
Hai năm sau, ông Nguyễn Mạnh Hùng lại được giao trọng trách làm “thuyền trưởng” chèo lái con thuyền của bóng chuyền nam với nhiệm vụ hướng tới tấm huy chương SEA Games cho bóng chuyền nam. Ông Nguyễn Mạnh Hùng vẫn không khỏi xúc động khi kể về thời điểm bóng chuyền nam Việt Nam vượt qua đội tuyển Thái Lan trên chính đất Thái Lan để giành tấm HCĐ SEA Games đầu tiên.
Dù ở cương vị nào, là vận động viên hay HLV ông Nguyễn Mạnh Hùng luôn nhận được sự kính nể của đồng nghiệp và học trò vì sự khiêm tốn, giản dị, chưa bao giờ nhụt chí trước bất cứ gian khó nào. Ông luôn cho thấy sự tận tâm, khả năng tập hợp, phát huy năng lực cầu thủ hiếm có của mình. HLV Nguyễn Mạnh Hùng được ví ông như vua Midas, đụng tay vào đâu cũng có thành tích. Thế nhưng sự so sánh đó có lẽ chỉ ở góc độ tài năng, kinh nghiệm chứ chưa lột tả hết tình yêu và sự khổ luyện phía sau.
Hơn nửa đời người gắn bó trọn vẹn với bóng chuyền Việt Nam, hình bóng và những lời căn dặn của Bác Hồ luôn trong tâm trí của HLV Nguyễn Mạnh Hùng, trở thành động lực để ông rèn luyện, phấn đấu và noi theo. Những nỗ lực ấy đã đưa HLV Nguyễn Mạnh Hùng trở thành tấm gương tiêu biểu của Thể thao Việt Nam.
Không chỉ bản thân mình luôn nỗ lực phấn đấu suốt đời làm theo, mà ông truyền cả tinh thần lớn ấy cho các học trò. Ông luôn muốn nhắn gửi với thế hệ VĐV trẻ rằng “hãy cố gắng rèn luyện dù có vất vả tới đâu, thành công sẽ luôn song hành với những vận động viên biết cố gắng”.
A.T, ảnh CAND