Phát biểu chào mừng, ông Vinod Kumar Tiwari - Phó Tổng Giám đốc Hội đồng Olympic châu Á hoan nghênh các đại biểu tham gia Hội thảo cũng như nhấn mạnh rằng Hội đồng Olympic châu Á luôn đặt sự an toàn và phúc lợi của VĐV lên hàng đầu. Quấy rối và lạm dụng tình dục không có chỗ trong thể thao. Tiếp lời, ông Sabine Fakhoury - đại diện cán bộ Bảo vệ Hội đồng Olympic châu Á cho rằng: tất cả các Ủy ban Olympic quốc gia đều phải hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ và việc bổ nhiệm một nhân viên bảo vệ và/hoặc một nhân viên phúc lợi trong thời gian diễn ra một sự kiện thể thao quốc tế đa môn.
Hội đồng Olympic châu Á đã phối hợp với Ủy ban Olympic quốc tế tổ chức hội thảo trực tuyến liên quan tới việc đảm bảo an toàn cho VĐV tham dự Paris 2024 (ảnh: insidethegames)
Cùng với đó, Giám đốc Dự án cấp cao Đơn vị Thể thao An toàn của Ủy ban Olympic quốc tế Gloria Viseras cũng có phần trình bày chi tiết nhằm làm rõ hơn tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn của các VĐV trong thời gian diễn ra thi đấu Thực tế chỉ ra, ở châu Á hiện chỉ có 35% Ủy ban Olympic quốc gia có nhân viên bảo vệ (người được đào tạo để bảo vệ các VĐV tránh khỏi những tổn hại do bị lạm dụng tình dục và các hình thức quấy rối khác) bằng cách cung cấp một địa điểm thi đấu an toàn. Thế nhưng, châu Á vẫn được đánh giá là nơi có mức độ bảo vệ an toàn cho các VĐV cao hơn mặt bằng chung các khu vực khác trên thế giới.
Có thể nói, Hội thảo lần này được đánh giá là sự kiện mang tính bước ngoặt trong thể thao quốc tế. Phó Tổng giám đốc Vinod Kumar Tiwari cũng cam kết đây sẽ là thông lệ ở tất cả các Đại hội thể thao được tổ chức ở châu Á trong tương lai bởi, được bảo vệ là quyền của các VĐV.
Bên cạnh Hội thảo trực tuyến về bảo vệ VĐV trong thời gian thi đấu tại Paris 2024, Hội đồng Olympic châu Á đã phối hợp với Ủy ban Olympic quốc tế tổ chức Hội thảo trực tuyến về phòng chống thao túng trong thi đấu. Hội thảo đã cung cấp thông tin được cập nhật về tình hình hoạt động phòng chống thao túng trong thi đấu thể thao tại các Ủy ban Olympic Quốc gia châu Á hướng tới Paris 2024. Các chủ đề được đưa ra thảo luận gồm: tầm quan trọng của mỗi Ủy ban Olympic quốc gia trong việc chỉ định một đầu mối liên hệ duy nhất để điều phối các nỗ lực chống dàn xếp trận đấu, cá cược và các khía cạnh khác trong phòng chống thao túng thi đấu; cơ chế báo cáo và biện pháp trừng phạt hiện có. Theo ông Jamyang Namgyal - Giám đốc Ban VĐV của Hội đồng Olympic châu Á, Hội thảo trực tuyến về phòng chống thao túng trong thi đấu chính là một bước tiến lớn vì một nền thể thao "sạch" ở châu Á.
Tổng kết Hội thảo, Giám đốc Jamyang Namgyal tin rằng tất cả những người tham gia Hội thảo đã thể hiện cam kết trong việc duy trì sự công bằng và tạo mọi điều kiện để các VĐV thi đấu một cách trung thực và an toàn nhất. “Chúng ta không được phép thao túng cạnh tranh trong thể thao và những hiểu biết sâu sắc của các đại biểu đã góp phần tạo nên một Hội thảo trực tuyến rất thành công.”, Giám đốc Jamyang Namgyal kết luận.
Vào ngày 7/5/2021, Hội đồng Olympic châu Á cũng đã tổ chức một Hội thảo trực tuyến thu hút sự tham gia của 140 đại biểu đến từ 44 Ủy ban Olympic thành viên nhằm chuẩn bị cho các đoàn thể thao tham dự Đại hội thể thao châu Á diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc). Thời điểm đó, cũng đã có hẳn 1 đường dây nóng được đặt tại thành phố Hàng Châu và hoạt động 24/7 để bất kỳ cá nhân nào cũng có thể báo cáo những hành vi đáng ngờ trong và xung quanh các trận đấu thể thao. |
A.T biên dịch