Huy chương được thiết kế bởi thợ kim hoàn ưu tú của Pháp Chaumet. Trưởng ban tổ chưucs Tony Estanguet cho biết: “Chúng tôi muốn tặng một phần của Tháp Eiffel năm 1889 cho tất cả những VĐV giành huy chương tại Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris”.
Một tác phẩm nguyên bản của Tháp Eiffel sẽ được đưa vào huy chương trao cho các VĐV tại Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 (ảnh: insidethegames)
Thiết kế của Chaumet, người có những sáng tạo đã tô điểm cho tầng lớp quý tộc và giới thượng lưu từ năm 1780, còn có đặc điểm là sự sắp xếp hình tròn của các đường vân được thiết kế để đón ánh sáng và tạo ra những tia nắng. Hình lục giác bằng sắt, hình dạng gợi nhớ đến đường viền của đất liền nước Pháp, được giữ cố định bằng sáu chiếc đinh ở mỗi góc. Chúng được thiết kế giống với đinh tán được sử dụng trên Tháp Eiffel.
Kim loại được lấy từ một nhà kho kim loại phế liệu ở Paris bởi công ty điều hành duy trì cột mốc 330 mét. Thierry Reboul, giám đốc nghi lễ cho biết: “Trong nhiều năm, trong quá trình bảo trì Tháp Eiffel, đã buộc phải dỡ bỏ một phần cấu trúc ban đầu. Chúng tôi đã sử dụng những mảnh đó để tạo ra một ý tưởng mới lạ”
Thiết kế của huy chương là một phần quan trọng tạo nên tính thẩm mỹ của mỗi Thế vận hội. Kể từ năm 2004, mặt trái của tất cả các huy chương đều có hình nữ thần Hy Lạp Nike bay về phía Sân vận động Panathinaikos lịch sử ở Athens, nơi diễn ra Thế vận hội Olympic đầu tiên vào thời cổ đại.
Ban tổ chức Paris đã nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Olympic quốc tế. Điều này cho phép họ sửa đổi một chút thiết kế để đưa Tháp Eiffel vào khung cảnh. Tất cả kim loại dùng để làm huy chương ở Paris, nặng khoảng 0.5 kg mỗi huy chương, đều đã được tái chế.
Tại Thế vận hội vừa qua ở Tokyo, ban tổ chức Nhật Bản cũng sử dụng kim loại tái chế, với mỗi huy chương được đúc từ hợp kim chiết xuất từ các thiết bị điện tử tiêu dùng đã qua sử dụng như điện thoại di động và máy tính xách tay.
Mặc dù do Chaumet thiết kế nhưng các huy chương lại được sản xuất bởi National Mint. Chaumet là một trong hơn 70 thương hiệu xa xỉ hàng đầu thuộc sở hữu của tập đoàn LVMH của Pháp, tạo ra đồ trang sức nạm kim cương cao cấp cho đám cưới và các bữa tiệc thuộc tầng lớp thượng lưu.
Benoit Verhulle, người đứng đầu xưởng trang sức của Chaumet cho biết: "Chúng tôi quyết định coi phần tháp Eiffel giống như một viên đá quý".
A.T biên dịch