Trưởng ban tổ chức Tony Estanguet cho biết: Một khối lượng công việc khổng lồ đã được thực hiện cho đến nay, thế nhưng ở giai đoạn chạy nước rút, sẽ là vô ích nếu còn việc chưa hoàn thành”.
84% công trình xây dựng Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 đã hoàn thành (ảnh: insidethegames)
Paris có lợi thế lớn khi hầu hết các cơ sở vật chất đã được xây dựng vào thời điểm được chọn làm nơi tổ chức Thế vận hội Olympic mùa hè lần thứ ba vào ngày 13/9/2017.
Theo Nicolas Ferrand, Giám đốc điều hành của Solideo, 84% công việc đã được hoàn thành. Tuy nhiên, công ty chịu trách nhiệm cung cấp địa điểm và cơ sở hạ tầng cho Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 đã nhận thấy có sự chậm trễ ở công trình Grand Palais, ba tòa nhà ở Làng Olympic và bể bơi Colombes, trung tâm huấn luyện bơi. Vấn đề này sẽ sớm được khắc phục để không ảnh hưởng đến cuộc thi.
Vào ngày 11/7, trung tâm thể thao La Chapelle ở phía bắc thành phố sẽ được khánh thành, có sức chứa 8.000 khán giả cho các sự kiện cầu lông (từ 27/7 - 5/8) và sau đó là cho các sự kiện thể dục nhịp điệu (từ ngày 8 - 10/8).
Công việc xây dựng sân vận động cho thi đấu bóng rổ Paris đang diễn ra đúng tiến độ. Vào ngày 1/3, công việc sẽ bắt đầu tại Làng Olympic, một địa điểm rộng 51 ha trên ba địa điểm ở phía bắc thủ đô, nơi lưu trú của 14.500 VĐV và được sử dụng làm nhà ở xã hội sau Thế vận hội Olympic. Giám đốc điều hành Nicolas Ferrand cho biết việc xây dựng ba tòa nhà để chứa khoảng 500 VĐV đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch.
Trung tâm dưới nước, một tòa nhà đối diện với Stade de France và là tòa nhà mới duy nhất được xây dựng dành riêng cho Thế vận hội để tổ chức các môn bơi và nhảy cầu. Các nội dung còn lại sẽ được tổ chức tại Defense Arena ở phía tây bắc, một địa điểm trong nhà ấn tượng thuộc sở hữu của đội bóng bầu dục địa phương, được cải tạo rộng rãi.
Grand Palais được xây dựng cho Triển lãm Toàn cầu năm 1900 với mái vòm trong suốt ấn tượng đã được xây dựng trong hơn ba năm. Nơi đây sẽ tổ chức đấu kiếm (từ 27/7 -4/8) và taekwondo (từ 7- 10/8). Mặc dù bị chậm tiến độ nhưng ban tổ chức cũng không quá lo lắng cho hạng mục này.
Chưa đầy 200 ngày trước khi Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 bắt đầu, 7,6 triệu vé xem các cuộc thi đã được bán hết.
Ethiopia tích cực chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024
Ủy ban Olympic Ethiopia đang tích cực chuẩn bị cho năm Olympic với mục tiêu vượt qua thành tích 4 huy chương giành được tại Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo vào năm 2020.
Dưới sự lãnh đạo của Ashebir Woldegiorgis, Ủy ban Olympic Ethiopia đã bắt đầu chuẩn bị cho năm Olympic để đạt phong độ tốt nhất có thể cho Paris 2024 (khởi tranh vào thứ Sáu ngày 26/7/2024).
Nhận thức được tầm quan trọng của Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024, Ủy ban Olympic Ethiopia đã bắt tay vào một loạt các hoạt động nhằm cải thiện thành tích đã giành được ba năm trước tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Ethiopia là một quốc gia nằm ở ở phía đông lục địa Châu Phi, với dân số hơn 120 triệu người. Thể thao Ethiopia đã tham gia Thế vận hội Olympic kể từ Melbourne năm 1956 và đã giành được tổng cộng 58 huy chương (23 HCV, 12 HCB và 23 HCĐ), hầu hết đều ở môn điền kinh.
Ashebir Woldegiorgis, Chủ tịch Ủy ban Olympic Ethiopia, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quảng bá chương trình Olympic ở các khu vực khác nhau trước khi Thế vận hội khai mạc nhằm thúc đẩy các hoạt động liên quan.
Chủ tịch Ashebir Woldegiorgis cũng tiết lộ việc thành lập một số ủy ban độc quyền cấp quốc gia dành riêng cho Thế vận hội Olympic Paris 2024. Mỗi ủy ban đã được giao những trách nhiệm cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu của các VĐV và chuyên gia Ethiopia trong quá trình tập luyện nhằm đạt được thành công trong thể thao.
Liên quan tới vấn đề này, một liên minh đã được thành lập để phối hợp với Liên đoàn Điền kinh Ethiopia, Đại sứ quán Ethiopia để hỗ trợ VĐV Ethiopia trong và ngoài nước cũng như để thúc đẩy quá trình chuẩn bị. Một số ủy ban đã được thành lập ở các lĩnh vực khác nhau như kêu gọi tài trợ, hậu cần, đăng ký và công nhận, các vấn đề văn hóa và kỹ thuật và quan hệ công chúng.
Ủy ban Olympic Ethiopia cũng chủ trương tận dụng năm Olympic để quảng bá thể thao của đất nước như tổ chức hoạt động ở tất cả các khu vực và thành phố trước thềm Paris 2024. Các hoạt động này sẽ góp phần nâng cao tinh thần của các VĐV và nhận được sự ủng hộ vững chắc của cộng đồng, đồng thời tạo ra một quy trình tuyển chọn công bằng và minh bạch cho các VĐV và huấn luyện viên.
Ngân sách hơn 213 triệu Birr (khoảng 3.480.671,31 euro) đã được phân bổ để chi trả cho toàn bộ thời gian chuẩn bị, với mục đích cải thiện thành tích. Tại Thế vận hội Olympic ở thủ đô Nhật Bản vào năm 2021, Selemon Barega đã giành HCV ở nội dung 10.000m nam, Lamecha Girma giành HCB ở nội dung 3.000m, trong khi HCĐ nữ thuộc về Letesenbet Gidey ở nội dung 10.000m và Gudaf Tsegay ở nội dung 5.000m.
Quan chức Điền kinh Thế giới đánh giá cao Trung Quốc trong vai trò phát triển marathon
Giám đốc điền kinh thế giới Alessio Punzi đã đánh giá cao Trung Quốc với vai trò là quốc gia có đóng góp to lớn cho sự phát triển marathon thế giới. Giám đốc Alessio Punzi, đã phát biểu như trên sau khi tham dự China Marathon Expo lần thứ năm tại Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến phía đông nam Trung Quốc. Giám đốc Alessio Punzi nhấn mạnh: “sự kiện chạy đường trường đang bùng nổ ở Trung Quốc”.
Kể từ năm 1981, khi Beijing Marathon ra mắt, một thị trường chạy bộ ở Trung Quốc đã được xây dựng, cải tiến và trưởng thành. Theo Hiệp hội Điền kinh Trung Quốc, năm 2023 có 580 giải marathon chính thức diễn ra ở Trung Quốc, thu hút 5,5 triệu người tham gia.
Chia sẻ về sự phát triển này, Giám đốc Alessio Punzi cho biết: “Hiệp hội điền kinh Trung Quốc có nhiệm vụ quan trọng trong việc kiểm soát, tạo ra các quy định, hướng dẫn luyện tập để phát triển hài hòa các cuộc chạy marathon. Chạy bộ đóng một vai trò quan trọng trong Chính sách Trung Quốc lành mạnh, được chính quyền trung ương và chính quyền địa phương nhìn nhận. Không phải mọi quốc gia trên thế giới đều có nguồn lực như Trung Quốc, có tổ chức và làm chủ mọi lực lượng của xã hội để đảm bảo một sự kiện diễn ra an toàn. Điều thực sự quan trọng là cần có thêm nhiều nhà tổ chức trên thế giới đến đây để xem cách Trung Quốc tổ chức các cuộc chạy marathon vì thực tế cho thấy đó là những sự kiện không thể sánh kịp”.
Theo Giám đốc Alessio Punzi, cùng với sự phát triển của các sự kiện chạy bộ là sự phát triển của ngành. Trong vài năm qua, các công ty chạy bộ của Trung Quốc, một số nhà sản xuất giày lớn nhất ở đất nước này đang thực sự quan tâm đến việc chạy bộ. Càng có nhiều tiền thì càng có nhiều cuộc thi dành cho các VĐV hàng đầu được tổ chức. Có rất nhiều nguồn lực đổ vào môn thể thao này, với rất nhiều đổi mới, thậm chí cả đổi mới công nghệ.
Trung Hiếu biên dịch