Điểm tin hoạt động TDTT 03-01-2021 Điểm báo hàng ngày 03/01/2021 - 01:19 Taekwondo là môn trọng điểm của thể thao Việt Nam và được dự báo năm 2021 đầy bận rộn, với một loạt các giải quan trọng như Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á, vòng loại Olympic và đặc biệt là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, diễn ra vào năm 2021 ở Việt Nam (SEA Games 31-2021). THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO Hanoimoi -Taekwondo Việt Nam: Chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 31-2021 Taekwondo là môn trọng điểm của thể thao Việt Nam và được dự báo năm 2021 đầy bận rộn, với một loạt các giải quan trọng như Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á, vòng loại Olympic và đặc biệt là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, diễn ra vào năm 2021 ở Việt Nam (SEA Games 31-2021). Ngay từ lúc này, taekwondo Việt Nam đang nỗ lực hết mình, tích cực chuẩn bị lực lượng tốt nhất, sẵn sàng chinh phục đấu trường lớn.Tự tin vào lứa vận động viên trẻ. Giống như nhiều bộ môn khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong năm 2020, các vận động viên đội tuyển taekwondo Việt Nam hầu như không được tham dự giải đấu quốc tế nào để kiểm tra trình độ, ngoại trừ Giải vô địch Quyền taekwondo châu Á và Giải vô địch Quyền taekwondo thế giới theo hình thức trực tuyến. Do đó, Giải vô địch taekwondo quốc gia 2020 (diễn ra vào tháng 11-2020), trước đó là Giải vô địch taekwondo trẻ quốc gia 2020 (diễn ra vào tháng 7-2020) được coi là cuộc rà soát lực lượng của taekwondo Việt Nam để chuẩn bị cho SEA Games 31-2021. HaNoimoi - Bóng đá và điền kinh Việt Nam được giao bảo vệ ngôi đầu tại SEA Games 31 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo, hai bộ môn bóng đá và điền kinh của Đoàn Thể thao Việt Nam phải bảo vệ thành công ngôi vô địch, giữ vững thành tích của mình tại SEA Games 31 năm 2021 diễn ra tại Việt Nam. Ở kỳ SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines, bóng đá Việt Nam đã ghi dấu ấn khi đội tuyển nam U22 và đội tuyển nữ quốc gia cùng giành Huy chương vàng. Đây là lần đầu tiên bóng đá nam lên ngôi tại đấu trường khu vực; còn đội tuyển nữ quốc gia đã giành tới 6 Huy chương vàng tại các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á. Trong khi đó, môn điền kinh đứng đầu về thành tích ở SEA Games 30 với 16 Huy chương vàng, 13 Huy chương bạc và 9 Huy chương đồng. Thành tích này vượt xa chỉ tiêu 11 Huy chương vàng được đặt ra trước ngày thi đấu. Vì vậy, đây là hai môn thể thao được kỳ vọng nhất ở Đại hội thể thao Đông Nam Á năm nay. ThanhHoa - Đinh Thị Trà Giang trở lại khoác áo Hải Tiến Thanh Hóa ở mùa giải 2021 Để chuẩn bị lực lượng cho mùa giải mới 2021, đội bóng chuyền nữ Hải Tiến Thanh Hóa đã chiêu mộ thành công Đinh Thị Trà Giang từ Than Quảng Ninh. Sau 3 năm chia tay, phụ công quê gốc Lạng Sơn đã quay trở lại khoác áo đội bóng chuyền nữ xứ Thanh.Phụ công Đinh Thị Trà Giang là cựu cầu thủ của Hà Nội, Vietsopetro, sau đó chuyển tới chơi cho Tiến Nông Thanh Hóa từ năm 2014 tới 2016. Sau 3 mùa giải gắn bó và góp công giúp bóng chuyền nữ Thanh Hóa liên tục nằm trong top 4 tại giải vô địch quốc gia, Đinh Thị Trà Giang đã chia tay xứ Thanh để chuyển tới khoác áo Kinh Bắc Bắc Ninh. Mùa giải 2020 vừa qua, nữ phụ công này chơi cho Than Quảng Ninh và giúp đội bóng này trụ hạng thành công. QDND - Tập trung đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia Đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia với 21 thành viên sẽ chính thức tập trung đợt 1 năm 2021 từ ngày 4-1, tại Hà Nội. Như thường lệ, Sanest Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh vẫn là hai đơn vị chủ lực đóng góp quân số với mỗi câu lạc bộ 4 vận động viên (VĐV). Ngoài những gương mặt quen thuộc, 5 VĐV lần đầu xuất hiện trong danh sách gồm: Ngọc Thuân, Văn Hiệp, Văn Sanh, Văn Nam và Thanh Phú. Đội tuyển sẽ tập luyện đến ngày 4-3, trước khi các huấn luyện viên, VĐV trở về đơn vị chuẩn bị cho vòng 1 Giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2021 (khởi tranh từ ngày 17 đến 21-3) và Cúp Hùng Vương (tổ chức từ ngày 25 đến 28-3). BÓNG ĐÁ VÀ CÁC TIN LIÊN QUAN PLO - Hỏng phạt đền 2 lần, T. Bình Định vẫn vô địch Phút 59, T. Bình Định được hưởng quả phạt đền khi hậu vệ Công Thành của Sài Gòn FC phạm lỗi với Rimario. Lê Thanh Bình sút bóng bị thủ môn Văn Phong đẩy ra. Tuy nhiên trợ lý 1 đã căng cờ báo Văn Phong đã rời vạch vôi cầu vôi trước khi bóng được sút. Trọng tài Ngô Duy Lân cho T. Bình Định được đá lại. Lần này Rimario đảm nhiệm quả sút phạt. Tiền đạo này “mím môi, mím lợi” sút cực căng bóng bay chệch mục tiêu góc cao cầu môn. Cả hai cầu thủ T. Bình Định hỏng ăn một tình huống phạt đền.Tuy nhiên lúc này trận đấu đang có tỉ số 1-1 và T. Bình Định đã duy trì được kết quả này đến cuối trận nên họ lên ngôi vô địch HTV Cup nhờ số bàn thắng tốt hơn Sài Gòn. Hai đội có cùng 5 điểm, hiệu số bàn thắng bại đều +2, nhưng T. Bình Định có số bàn thắng tốt hơn 6/4 so với 4/2 của Sài Gòn nên tân binh T. Bình Định đã lên ngôi vô địch. GiaoThong - Đam mê bất tận của bốn “ông già” V-League Lê Tấn Tài, Bùi Tấn Trường, Đinh Xuân Việt hay Phùng Văn Nhiên dù đã bước tới tuổi “băm” nhưng vẫn cày ải tại giải đấu cao nhất bóng đá Việt.Động lực thôi thúc họ không gì khác ngoài đam mê bất tận với trái bóng tròn và tận hưởng niềm vui từ những bước chạy. Tuổi “băm” vẫn chạy tốt. V-League 2021 sắp khởi tranh và thêm một mùa giải nữa người hâm mộ được chứng kiến những lão tướng chạy trên các thảm cỏ. Theo thông tin Báo Giao thông tìm hiểu, Lê Tấn Tài, Bùi Tấn Trường (Hà Nội FC) hay Phùng Văn Nhiên, Đinh Xuân Việt (Nam Định) chắc chắn tiếp tục thi đấu. Với họ, được thi đấu, được cháy hết mình với đam mê là niềm hạnh phúc lớn lao nhất ở cái tuổi mà đại đa số cầu thủ Việt Nam đã treo giày để tìm hướng đi khác. VOV - Bức tranh toàn cảnh bóng đá Việt Nam năm 2020: "Làn gió mát" giữa đại dịch Trong bối cảnh bóng đá và thể thao trên toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, bóng đá Việt Nam đã trải qua một năm 2020 đầy khó khăn nhưng cuối cùng vẫn có được những tín hiệu tích cực. Một năm gần như "trắng" bóng đá cấp đội tuyển. Đầu năm 2020, bóng đá Việt Nam dự kiến có rất nhiều giải đấu quốc tế, từ vòng loại World Cup 2022, AFF Cup 2020 cho đến những giải đấu trẻ như U19 châu Á. Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho những giải đấu này, các đội tuyển bóng đá Việt Nam đã lên kế hoạch chi tiết để tham dự các trận giao hữu, các giải tập huấn nhưng cuối cùng, "đại dịch" Covid-19 ập đến khiến tất cả các kế hoạch bị đổ bể. Giaothong - Kình địch của đội tuyển Việt Nam có động thái gây sốc HLV Tan Cheng Hoe có quyết định khá khó hiểu khi gọi tiền vệ không được thi đấu nhiều là Liridon Krasniqi lên tập trung cùng tuyển Malaysia.LĐBĐ Malaysia (FAM) mới đây đã công bố những cái tên sẽ có mặt ở đợt tập trung của đội nhà vào trung tuần tháng 1 tới đây. Đáng chú ý, trong bản danh sách mà HLV Tan Cheng Hoe lựa chọn có sự xuất hiện của tiền vệ nhập tịch Liridon Krasniqi. Đây được xem là thông tin khá bất ngờ bởi, cầu thủ gốc Kosovo không được thi đấu nhiều suốt thời gian qua. Tính ra, trong 2 mùa bóng gần nhất chơi cho Melaka United và Joho Darul Ta’zim tại giải VĐQG Malaysia, Liridon Krasniqi chỉ có vỏn vẹn 8 lần ra sân. CAND - Bi ai của nền bóng đá không chuyên 20 năm qua, giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn chỉ có 3 đầu mục: Cúp Quốc gia, hạng Nhất và V.League.Điểm phân biệt rõ nhất giữa giải vô địch quốc gia (VĐQG) trước năm 2000 và V.League với khởi đầu của thế kỷ XXI chính là ngoại binh. Quả “bom tấn” đầu tiên nổ ra ở V.League là Kiatisak Senamuang. Thương vụ đình đám và tiếng tăm nhất của V.League chính là đưa Denilson đến Hải Phòng. Bản hợp đồng thành công hơn cả chính là Samson – tiền đạo ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử V.League.Ngoại binh vốn dĩ đã xuất hiện từ rất lâu ở V.League. Họ quan trọng đến mức nhiều đội bóng vô hình trung gãy luôn tuyến giữa. Bởi họ chỉ cần một lối đá trực diện. Hay nói theo đúng kiểu dân làm nghề bóng đá Việt Nam thì là cứ phất lên cho Tây để cho họ giải quyết. Suy nghĩ ấy ăn mòn trong tiềm thức của nhiều câu lạc bộ (CLB). Đến nỗi khi Hà Nội FC chơi với một thứ bóng đá bài bản hơn, luân chuyển trạng thái nhịp nhàng hơn, người ta gọi đấy là bản sắc lạ trong một thứ bóng đá vô hồn được điều khiển với những “ông Tây” to khoẻ trên hàng tiền đạo. Tư duy phụ thuộc vào Tây ở trục xương sống là biểu hiện của một nền bóng đá dở dang, không chuyên nghiệp hẳn và cũng chẳng nghiệp dư hẳn tại V.League. QDND - Bản sắc và hình ảnh “Quê hương là chùm khế ngọt”, “Quê hương gọi ta về”... Bóng đá là môn thể thao tiêu biểu về tính văn hóa-xã hội. Bóng đá cần bản sắc trong đó không thể thiếu những con người mong ước chiến đấu vì quê hương. Ngược lại đời cầu thủ cũng rất cần sự đùm bọc, cưu mang của quê hương để làm ấm nóng những giấc mơ và rộ nở hết tài năng. Tuyển thủ Hồ Tấn Tài rời chiếc nôi Bình Định đến đá cho Bình Dương theo hợp đồng cho mượn để thành danh và có thu nhập tốt, nhưng khi Bình Định trở lại V-League, cả CLB và anh đều cần đến nhau. Cuộc trở về còn gì đẹp hơn. Sau Hồ Tấn Tài là Trần Phi Sơn, người con Hà Tĩnh được Sông Lam Nghệ An bồi dưỡng thành trụ cột rồi chắp cánh bay cho anh đến với đội bóng TP Hồ Chí Minh. Ở tuổi 28, chàng tiền đạo đang độ sung sức lại trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Dang tay đón anh giờ là một Hồng Lĩnh Hà Tĩnh trẻ trung đầy khát vọng. Bóng đá chuyên nghiệp là đi-ở, là thỏa chí tang bồng, có biết bao chàng trai đã ngang dọc cuộc đời như thế để rồi đến một ngày nào đó chọn đường trở lại. Trung tâm Thông tin TDTT