Điểm tin hoạt động TDTT 02-01-2021 Điểm báo hàng ngày 02/01/2021 - 01:00 Việc hoàn thành chỉ tiêu giành 20 suất tham dự Olympic Tokyo ngày càng trở nên khó khăn đối với thể thao Việt Nam, không khác nhiều so với mục tiêu đăng cai thành công SEA Games 31 trên sân nhà. Tác hại của đại dịch Covid-19 đối với thế giới trong năm 2020 xem ra không cần phải bàn cãi. THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO NLD - Thể thao Việt Nam 2021: Hướng tới Olympic, tăng tốc SEA Games Việc hoàn thành chỉ tiêu giành 20 suất tham dự Olympic Tokyo ngày càng trở nên khó khăn đối với thể thao Việt Nam, không khác nhiều so với mục tiêu đăng cai thành công SEA Games 31 trên sân nhà. Tác hại của đại dịch Covid-19 đối với thế giới trong năm 2020 xem ra không cần phải bàn cãi. Riêng trong lĩnh vực thể thao, vô số sự kiện, giải đấu bị hủy bỏ hoặc dời hoãn đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy tại từng quốc gia cũng như ở cả cấp độ quốc tế. Cho đến thời điểm hiện tại, người ta vẫn không thể hình dung hậu quả sẽ lớn thế nào nếu hai sự kiện đình đám là vòng chung kết Euro và Olympic Tokyo tiếp tục bị dời hoãn, thậm chí hủy bỏ nếu cuộc chiến chống dịch Covid-19 không thuận lợi như mong muốn. HaNoiMoi - Thông điệp đẹp của thể thao Việt Nam Cả 4 môn được bổ sung vào danh sách thi đấu trong khuôn khổ SEA Games 31 - năm 2021 tại Việt Nam (gồm triathlon - ba môn phối hợp bơi - đạp xe - chạy; võ jujitsu; thể thao điện tử; bowling) đều được đánh giá là sẽ mang về nhiều Huy chương vàng (HCV) cho các đoàn khác chứ không phải Việt Nam. Bởi thế, việc bổ sung những môn thi đấu không phải là thế mạnh của nước chủ nhà vào chương trình thi đấu của SEA Games 31 thể hiện rõ thông điệp “chơi đẹp” thể thao Việt Nam.Sự lựa chọn khó khăn. Sau khi công bố danh sách 36/40 môn thi đấu tại SEA Games 31, nước chủ nhà Việt Nam đã bỏ ngỏ “tên tuổi” 4 môn còn lại. Chính vì thế, đã xuất hiện cuộc đua “định danh” 4 môn này. Đã có hơn 20 môn được các quốc gia Đông Nam Á đề xuất bổ sung, trong số này có cả những môn mà Việt Nam vừa giành HCV tại SEA Games 30 và hoàn toàn có lý do để đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games 31, đơn cử như võ gậy - môn thi đấu mà Việt Nam đã giành 4 HCV tại SEA Games 30. Cuối cùng, những môn không phải thế mạnh của thể thao Việt Nam đã được đưa vào danh sách 4 môn cuối cùng trong danh sách các môn thi đấu tại SEA Games 31, gồm triathlon, võ jujitsu, thể thao điện tử, bowling. Đáng chú ý, tại SEA Games 30, Đoàn thể thao Việt Nam đã góp mặt ở 4 môn này nhưng đều không giành được HCV. NLD - Kỷ lục gia SEA Games Nguyễn Thị Oanh vô địch giải chạy Chào năm mới Ngay cả nhà vô địch mùa giải 2020 Phạm Thị Hồng Lệ cũng không theo nổi bước chạy của đồng đội ở đội tuyển quốc gia Nguyễn Thị Oanh và phải nhường vị trí số 1 tại đích đến giải chạy Chào năm mới Bình Dương cho kỷ lục gia SEA Games 30. Suốt năm 2020 không tham dự bất cứ cuộc thi đấu quốc tế nào vì tình hình dịch bệnh Covid-19, thế nhưng Nguyễn Thị Oanh lại vô đối ở mọi giải chạy trong nước mà cô góp mặt, bao gồm cả 2 sự kiện đình đám Giải Việt dã marathon toàn quốc báo Tiền Phong lẫn Giải Vô địch điền kinh quốc gia 2020. ConganDanang - Chinh phục mục tiêu 2021 Sáng 31-12-2020, Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai công tác năm 2021 của ngành thể thao diễn ra tại Hà Nội. Một năm có quá nhiều khó khăn, trắc trở cũng qua, thể thao nước nhà hướng đến năm 2021 với nhiều mục tiêu quan trọng.Theo báo cáo, thể thao Việt Nam (TTVN) vừa trải qua năm 2020 với nhiều hoạt động, giải đấu thành công bất chấp đại dịch bùng phát. Năm qua, có 148 giải thể thao trong nước đã được tổ chức, trong đó đáng chú ý là các giải đấu như V-League, điền kinh, bắn súng, bơi lội... Đặc biệt, V-League 2020 kết thúc thành công gây được tiếng vang với bạn bè quốc tế sau nhiều lần phải hoãn vì dịch. Còn giải bắn súng có 8 kỷ lục quốc gia, giải điền kinh có 3 kỷ lục mới được xác lập và đội tuyển cử tạ có nhiều thành tích nổi bật như giành 13 HCV tại giải vô địch thanh thiếu niên và trẻ châu Á. BÓNG ĐÁ VÀ CÁC TIN LIÊN QUAN PLO - Bóng đá gánh trọng trách tại SEA Games 31 SEA Games 31 tại Việt Nam, thể thao Việt Nam mang chỉ tiêu cao trong đó hai môn “vua” và “nữ hoàng” sẽ mang những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.Với cương vị chủ nhà, hai môn bóng đá, điền kinh được mệnh danh là những môn thể thao “vua và nữ hoàng” sẽ gánh trọng trách đưa chủ nhà Việt Nam khẳng định vị thế số một tại đấu trường SEA Games 31. Đây cũng là hai môn thi chiến lược. Hai năm trước, thể thao Việt Nam đã từng vô địch hai môn này tại kỳ SEA Games 30 trên đất Philippines. Nếu đội tuyển bóng đá U-22 Việt Nam vượt qua U-22 Indonesia đoạt bộ HCV thì đội tuyển bóng đá nữ cũng xuất sắc không kém khi đánh bại tuyển nữ Thái Lan 1-0 trận chung kết đăng quang ngôi vô địch. Congannhandan - Bóng đá Việt Nam và “nhiệm vụ vô địch” năm 2021 Năm 2021, bóng đá Việt Nam sẽ tham dự nhiều giải đấu lớn với nhiệm vụ giành ít nhất 2 chức vô địch khu vực Đông Nam Á là AFF Cup và SEA Games.Năm 2021 bóng đá Việt Nam sẽ bận rộng với lịch thi đấu nhiều giải quốc tế của các đội tuyển quốc gia. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các giải quốc tế trong năm 2020 đã bị hoãn, hủy hoặc dời sang tổ chức vào năm 2021. Như vậy, song song với việc đảm bảo tổ chức các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu thường niên, năm 2021 các đội tuyển sẽ phải tham dự thêm một số giải đấu quan trọng của năm 2020, trong đó có AFF Cup 2020 và các trận đấu thuộc Vòng loại thứ hai World Cup 2022. Số lượng giải đấu tăng lên trong khi quỹ thời gian là không đổi đã đặt ra những bài toán cần phải sớm có lời giải, đây là khó khăn không chỉ đối với bóng đá Việt Nam mà còn đối với cả FIFA, AFC và các quốc gia khác. Chúng ta có lợi thế từ những bài học kinh nghiệm của năm 2020, khi nhờ có sự chủ động trong các giải pháp của cơ quan quản lý, điều hành bóng đá, sự chung tay, đồng thuận từ phía các câu lạc bộ và thuận lợi đến từ công tác phòng chống dịch rất thành công của nhà nước, chúng ta đã lần lượt tổ chức một cách trọn vẹn tất cả các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia, điều này có ý nghĩa rất quan trọng về mặt chuyên môn. Phía trước sẽ là những nhiệm vụ khá nặng nề. Zing - HẠNG NHẤT CÓ THỂ LÀ LỜI GIẢI BÀI TOÁN CỦA THẦY PARK HLV Park Hang-seo đã than vãn vấn đề chất lượng cầu thủ khi những gương mặt trẻ ít được trao cơ hội. Bài toán này có thể được giải nhờ hạng Nhất quốc gia. Trong cuộc họp báo sau trận giao hữu giữa U22 Việt Nam và đội tuyển quốc gia trên sân Việt Trì chiều 27/12, HLV Park Hang-seo tiếp tục nói về vấn đề lực lượng. "Tôi đã vận hành đội tuyển mấy năm mà chưa thấy tiền đạo nào tốt hơn Công Phượng, Đức Chinh, Tiến Linh. Ở V.League, tiền đạo ngoại đá hết rồi, tôi đảm bảo nhiều tiền đạo U22 về CLB lại dự bị vì cầu thủ ngoại đá chính", nhà cầm quân người Hàn Quốc nêu quan điểm. Đây không phải lần đầu thầy Park "đổ lỗi" cho V.League khi không tìm được nhân sự như ý. Theo ông, VFF và VPF nên xây dựng cơ chế nào đó cho cầu thủ U21 vào sân thi đấu V.League. "Năm ngoái, giải có có 47 cầu thủ ngoại và 70% đá tiền đạo. Vậy thì tìm đâu ra tiền đạo trong nước, đặc biệt là cầu thủ trẻ?", ông nói. VTC - BLV Quang Huy: Bóng đá Việt cần lắng nghe lời 'cầu cứu' của HLV Park Hang Seo BLV Quang Huy cho rằng các CLB cần chú trọng hơn trong khâu mài giũa và tạo cơ hội cho tiền đạo trẻ, bởi làm vậy là tốt cho cái chung của bóng đá Việt Nam. Sau trận giao hữu giữa tuyển Việt Nam và U22 Việt Nam, HLV Park Hang Seo đề cập vấn đề tiền đạo Việt Nam đang ít được thi đấu ở V-League. Đây là lần thứ ba trong năm 2020, ông Park trực tiếp nói với báo giới về vấn đề này. Chia sẻ với VTC News, BLV Vũ Quang Huy cho rằng các CLB Việt Nam có thể theo đuổi các chân sút ngoại vì mục tiêu thành tích, nhưng không nên bỏ ngoài tai cái chung của bóng đá Việt. Bằng cách này hay cách khác, các chân sút nội nên được tạo điều kiện nhiều hơn. THỂ THAO CHO MỌI NGƯỜI NgheAn - Bóng đá Nghệ An – những kỳ vọng trong năm 2021 Khép lại năm 2020 là một năm đầy sóng gió với SLNA ở sân chơi chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tại V.League 2021, mọi chuyện có thể sẽ trở nên khởi sắc hơn rất nhiều. Trong khi đó ở cấp độ trẻ, bóng đá xứ Nghệ tiếp tục được đánh giá là một thế lực nhờ nền tảng sẵn có.Sức trẻ tại đội 1. Một trong những tiền đề mà SLNA đã tạo được trong năm 2020 là trình làng thành công một lứa cầu thủ mới. Theo đó, những cầu thủ được đôn lên từ 1 năm trước như Mai Sỹ Hoàng, Nguyễn Văn Việt, Thái Bá Sang và Đặng Văn Lắm đều cho thấy sự tiến bộ trông thấy khi họ được gọi lên ĐT U22 Việt Nam . Họ cùng với những cầu thủ còn lại như Lê Thành Lâm, Trần Ngọc Ánh thi đấu thành công tại Giải U21 Quốc gia 2020 và mùa giải mới, những cầu thủ này sẽ không mang mác “tân binh”. Về tình hình ngoại binh, SLNA vừa hoàn tất hợp đồng với chân sút Bruno Henrique. Đây là một sự bổ sung chất lượng nhằm tăng cường sức mạnh trên hàng tấn công. Không cần phải qua thử việc, trình độ của chân sút người Brazil đã được kiểm chứng ở mùa giải trước trong màu áo HL Hà Tĩnh. Tiền đạo này ghi được 10 bàn thắng trong 20 trận đấu. QuangNinh - Quảng Ninh có 9 HLV, VĐV tham gia Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia Ngày 3/1, Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia sẽ là đội tuyển đầu tiên chính thức hội quân để tập huấn chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 31 tại Việt Nam và những giải đấu quốc tế khác trong năm 2021.Theo đó, danh sách Đội tuyển nữ Quốc gia do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam gửi Tổng cục TDTT gồm 39 thành viên, trong đó HLV trưởng là ông Mai Đức Chung cùng 4 HLV khác, 1 cán bộ chuyên môn, 2 bác sĩ và 31 VĐV. Đội tuyển nữ Quốc gia sẽ tập luyện và đóng quân tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam từ ngày 3/1 đến 31/1/2021. Trong danh sách Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia tập huấn đợt này, Quảng Ninh có 9 HLV và VĐV thuộc Đội bóng đá nữ Than KSVN (do Công ty Tuyển than Cửa Ông- TKV trực tiếp quản lý) là HLV Đoàn Minh Hải cùng 8 cầu thủ là Nguyễn Thị Vạn, Lê Thị Diễm My, Nguyễn Thị Trúc Hương, Lương Thị Thu Thương, Châu Thị Vang, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Hà Thị Nhài và Khổng Thị Hằng. Toquoc - VĐV khuyết tật Trần Văn Đức: “Không khó khăn nào có thể cản bước tôi” Vượt qua nghịch cảnh nghiệt ngã, hiện tại Trần Văn Đức (29 tuổi, Hà Nội) trở thành vận động viên “gặt vàng” cho điền kinh người khuyết tật Việt Nam tại các đấu trường trong và ngoài nước.Nhiều năm trở lại đây, cái tên Trần Văn Đức là vận động viên điền kinh khuyết tật khiến đối thủ "mất ăn mất ngủ" khi tham gia các nội dung 500m, 800m và 1500m. Đằng sau những tấm huy chương danh giá là cả một câu chuyện dài về nghị lực và ý chí vươn lên không biết mỏi mệt của chàng trai 29 tuổi khiến bao người nể phục. Không bao giờ bỏ cuộc. Trần Văn Đức được sinh ra và lớn lên lành lặn như bao đứa trẻ khác nhưng tai nạn bất ngờ ập đến với chàng trai trẻ vào Tết năm 2010 đã vĩnh viễn lấy đi cánh tay phải của anh, khi đó Đức mới 19 tuổi. Ngày ấy, để giúp gia đình có một cái Tết ấm cúng hơn, ngoài công việc phụ bố sửa xe tại nhà, chàng trai Trần Văn Đức đã lựa chọn công việc làm nhựa. Không may trong một lần sơ ý, cả cánh tay phải của Đức bị cuốn vào chiếc máy làm nhựa. Từ đó Trần Văn Đức trở thành người khuyết tật khi cánh tay phải của anh phải cắt bỏ gần đến vai. Trung tâm Thông tin TDTT