Điểm tin hoạt động TDTT sáng 27-04-2020

BÓNG ĐÁ VÀ CÁC TIN LIÊN QUAN

Vietnamnet - Bầu Đức bán đứt Công Phượng: Tính sớm cho được giá!

Bầu Đức vẫn rất giàu, không cần phải bán Công Phượng. Nhưng nếu ra đi là điều số 10 muốn và lại được trả giá cao, có lẽ ông chủ đội bóng phố Núi nên thuận theo thời thế. Vài năm qua, quả thật bầu Đức làm ăn vô cùng khó khăn khi liên tục phải chuyển đổi khá nhiều ngành nghề kinh doanh, đồng thời phải sang nhượng bớt tài sản nhằm duy trì hoạt động cho tập đoàn HAGL lên tới vài nghìn nhân viên. Khó khăn, nhưng đó là câu chuyện làm ăn kinh doanh của bầu Đức. Còn riêng cá nhân ông chủ đội bóng phố Núi, với số lượng cổ phiếu tài sản khác vẫn thuộc top những đại gia ở Việt Nam. Và với bầu Đức, việc nuôi một CLB HAGL chẳng phải quá lớn để việc phải bán cầu thủ này, cầu thủ kia là chuyện “không bao giờ” xảy ra như ông chủ đội bóng phố Núi từng tuyên bố. Vì tuyên bố này, việc bầu Đức bán Công Phượng có lẽ thực sự không dễ dàng.

Baogiaothong - Thêm bí mật khó tin vụ Văn Hậu sang Hà Lan được hé lộ

Cựu trung vệ Van Bakel mới đây tiếp tục có chia sẻ về thương vụ kết nối để Văn Hậu sang Hà Lan. Cách đây ít ngày, cựu trung vệ Van Bakel, người kết nối đưa Văn Hậu sang Hà Lan đã tiết lộ bí mật vụ Văn Hậu sang Hà Lan. Theo đó, Bakel khẳng định, Heerenveen không mất gì, ngược lại hưởng lợi nhiều từ sự có mặt của tuyển thủ Việt Nam. Chia sẻ này dẫn tới giả thuyết thương vụ Văn Hậu sang Hà Lan có đơn vị trung gian đứng ra tài trợ, chi trả lương cho cầu thủ Thái Bình. Mới nhất, trung vệ thành danh trong màu áo Thanh Hóa tiếp tục tiết lộ một chi tiết đáng chú ý khác. Theo đó, anh không hề lấy phí môi giới trong thương vụ trên. Thậm chí, ngay cả khi Văn Hậu muốn ở lại, Bakel tuyên bố anh cũng sẽ giúp mà không cần chi phí. “Tôi rất vui khi giúp cậu ấy có trải nghiệm thi đấu ở châu Âu”, Bakel nói. Đây là thông tin khá bất ngờ bởi các nhà môi giới thể thao luôn nhận một phần hoa hồng từ thương vụ mình đứng ra kết nối.

Zing - Tuyển Việt Nam đối mặt sứt mẻ lực lượng trước AFF Cup 2020

Hai năm sau chức vô địch AFF Cup, tuyển Việt Nam sẽ bước vào chiến dịch bảo vệ ngai vàng với lực lượng có nhiều thay đổi. AFF Cup 2020 sẽ diễn ra vào tháng 11 và tháng 12 năm nay. Khác với hai năm trước, đây không còn là mục tiêu duy nhất của tuyển Việt Nam. Thầy trò HLV Park Hang-seo còn phải phân phối sức lực cho vòng loại World Cup diễn ra ngay trước đó. Họ cũng đối diện với hàng loạt tổn thất về nhân sự và không còn lực lượng hùng hậu như 2 năm về trước. Đỗ Duy Mạnh chắc chắn là sự vắng mặt đầu tiên của tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2020 so với 2 năm về trước. Trung vệ của CLB Hà Nội được xác nhận cần tối thiểu 9 tháng hồi phục. Anh sẽ không thể bình phục cho AFF Cup khởi tranh cuối tháng 11. Người thứ hai chắc chắn vắng mặt là Nguyễn Anh Đức, cầu thủ đã nhiều lần từ giã đội tuyển, và được HLV Park xác nhận sẽ không gọi lại. Một trường hợp khác nhiều khả năng cũng không có tên là Đoàn Văn Hậu. Nếu tiếp tục gia hạn hợp đồng với Heerenveen, Văn Hậu khó lòng trở về dự giải khu vực vì AFF Cup không nằm trong lịch thi đấu của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Cùng với Văn Hậu, Đặng Văn Lâm cũng gặp vấn đề tương tự ở Muangthong. Anh cũng chỉ thi đấu trở lại vào tháng 9, thời điểm Thai League khởi tranh.

PLVN - Cầu thủ Việt lận đận 'khắc tên' trên 'sân ngoại'

Cầu thủ Việt ra nước ngoài thi đấu có thể bắt đầu từ Công Vinh, rồi đến Công Phượng, Văn Lâm, Xuân Trường và Văn Hậu. Khi họ lên đường kèn trống ầm ỉ của truyền thông, nhưng rồi nơi đất khách cô đơn, họ hầu như dần mất hút và cuối cùng chọn con đường quay về. Sự ra đi của họ là điều đáng tôn trọng cho sự phát triển sự nghiệp. Một môi trường thi đấu mới, khắc nghiệt hơn V.league sẽ giúp họ trưởng thành trong cách tiếp cận bóng đá. Ở đây, họ không còn là ngôi sao của bóng đá Việt Nam mà là một cầu thủ bình thường, phải tập luyện, ngồi dự bị và hy vọng có tên trong danh sách thi đấu. Cả thủ môn Văn Lâm và Xuân Trường chọn sang Thái Lan thi đấu với giới chuyên môn là một sự khôn ngoan, vì dù sao đó là giải đấu vừa tầm của họ. Nhưng cuối cùng cuộc hành trình của họ cũng long đong. Rời Việt Nam từ Tết nguyên đán 2019, Xuân Trường đến Buriram United theo bản hợp đồng cho mượn từ HAGL có thời hạn một năm. Sau hơn 4 tháng, anh đã thi đấu 9 trận cho Buriram United, trong đó có 3 trận ở AFC Champions League nhưng phần lớn thời gian Trường đều vào sân từ băng ghế dự bị. Những gì Xuân Trường làm được trong màu áo Nhà ĐKVĐ Thai League là một kiến tạo và một bàn thắng.

Tienphong - V-League đề xuất đổi thể thức thi đấu

TP - Thay đổi thể thức thi đấu có thể giúp V-League tăng sức hấp dẫn, hạn chế được tình trạng móc ngoặc, nhường điểm giữa các đội bóng. Quan trọng hơn sau 10 năm gần như giậm chân tại chỗ, V-League đứng trước yêu cầu một cuộc cách mạng để phát triển. Nếu không do dịch COVID-19, V-League sẽ diễn ra bình thường với mùa giải mới có thể bắt đầu sau Tết Nguyên đán, khoảng tháng 2 và kết thúc khoảng cuối tháng 8. Lịch thi đấu có thể thay đổi tuỳ thuộc kế hoạch ĐTQG hoặc khi các CLB Việt Nam phải thi đấu ở đấu trường châu Á. Như năm 2019, BTC VPF đã liên tục phải đổi lịch để “chiều” đội tuyển Việt Nam và CLB Hà Nội. Theo thể thức hiện tại, 14 đội bóng sẽ thi đấu 2 lượt đi và về, mỗi lượt 13 vòng đấu. Thể thức này khiến cho hết lượt đi, bước sang lượt về, nhiều đội bóng đã đủ điểm trụ hạng nhưng cũng không có khả năng vươn vào nhóm tranh đoạt huy chương. Tiêu cực bắt đầu xuất hiện từ đây khi những đội bóng này này có thể nhường điểm những đội đang có nhu cầu. Hoặc một khả năng khác là các đội bóng có quan hệ với nhau bắt tay để dồn điểm cho một đội. Lịch sử bóng đá Việt Nam không còn lạ gì câu vè gắn liền với CLB Sông Lam Nghệ An: “Hoan hô đội bóng tỉnh ta/Đi làm kinh tế ở xa mới về”. Trên thực tế, tình trạng móc ngoặc điểm số được phản ánh trong giới bóng đá còn liên quan nhiều đội bóng khác, không riêng Sông Lam Nghệ An. V-League thậm chí có cả những “liên minh” hỗ trợ nhau để duy trì khả năng trụ hạng cũng như tranh đua chức vô địch.

PLO - Nửa triệu USD FIFA hỗ trợ VFF và các thành viên

Theo đó, gói hỗ trợ này không phân biệt nền bóng đá lớn hay nhỏ, thiệt hại ít hay nhiều, mà cứ là thành viên của “gia đình FIFA” thì được hỗ trợ 500.000 USD. Đó là số tiền trích từ quỹ “Forward 2.0 Program” của FIFA được thiết lập năm 2016, đến nay đã gây được 1,746 tỉ USD. Đợt giải ngân hỗ trợ này nằm trong giai đoạn 2019-2022. Số tiền 500.000 USD này nhằm giúp các LĐBĐ quốc gia thành viên giải quyết khó khăn tài chính vì dịch bệnh COVID-19 toàn cầu. Ưu tiên hàng đầu của gói hỗ trợ này là góp vào quỹ để tổ chức các giải bóng đá nam, nữ và giải trẻ quốc gia trực thuộc LĐBĐ quốc gia năm 2019, 2020 và tương lai gần, tức năm 2021, 2022, nếu tình hình dịch bệnh còn tiếp tục gây khó khăn. Đây được xem là gói hỗ trợ thứ nhất từ FIFA, mang tính đồng hạng không phân biệt liên đoàn lớn hay nhỏ, thiệt thại nhiều hay ít. So ra thì gói hỗ trợ này có thành viên được xem là nhiều và ngược lại, cũng có thành viên là chẳng đáng bao nhiêu. Như ở Anh, dịch COVID-19 này đã khiến LĐBĐ Anh mất đi 150 triệu USD. Rõ ràng là số tiền này so với 500.000 USD hỗ trợ của FIFA thì chẳng thấm vào đâu.