Điểm tin hoạt động TDTT sáng 14.04.2020

BÓNG ĐÁ VÀ CÁC TIN LIÊN QUAN

Viettimes - SLNA & hành trình đi tìm lại chính mình

Vì sao các đối thủ muốn đá vào lưới SLNA cũng khó, còn đội bóng xứ Nghệ cũng đang gặp khá nhiều khó khăn khi tiếp cận khung thành các đội bóng V.League? Hãy cùng VietTimes phân tích chuyên môn đội bóng xứ Nghệ. Lối đá không có nhạc trưởng, tập trung số đông phòng ngự, dùng nhiều đường chuyền dài ra biên đã xuyên suốt 2 đời HLV SLNA gần đây. Ý đồ cải thiện lối chơi của HLV Đức Thắng không thành, không hiểu khi lên ngồi ghế Giám đốc kỹ thuật CLB SLNA ông có tiếp tục theo đuổi hay không? Nhưng nhìn chung 5 mùa V.League của 2 ông thầy Quang Trường và Đức Thắng, mảng miếng của đội chủ sân Vinh đều không rõ ràng, dễ bị hóa giải. Thỉnh thoảng, các cầu thủ SLNA mới có một trận đấu tổ chức được những đường bóng tấn công có trên 5 đường chuyền. Tại V.League hiện nay, các đối thủ muốn tấn công, ghi bàn vào lưới đội chủ sân Vinh là điều không hề dễ. Nhưng SLNA cũng không áp đặt được đối thủ, dù chỉ là đội thuộc nhóm đèn đỏ của BXH V.League. Điều đó lý giải vì sao số bàn thắng của đội bóng xứ Nghệ không cao.

VOV - Giải hạng Nhất tăng số đội tham dự: Lượng tăng, chất có tăng?

Ngược dòng thời gian, kể từ khi giải bóng đá hạng Nhất QG được "khai sinh" để trở thành giải đấu số 2 của bóng đá Việt Nam từ mùa giải 2000-01, số đội tham dự giải thường có những biến động. Từ con số 12 ban đầu, đã có những thời điểm giải đấu tăng lên 14 đội trước khi có thời điểm chỉ còn 7 đội (năm 2017) và sau đó quay lại với quy mô 12 đội (mùa 2019 và 2020). Ở lần đầu tiên giải đấu có 14 đội vào năm 2006, giải hạng Nhất vẫn được phép sử dụng cầu thủ ngoại và chất lượng của giải đấu vẫn được đánh giá là không chênh lệch quá nhiều so với giải đấu ở đỉnh cao nhất của bóng đá Việt Nam. Con số 14 ở giải hạng Nhất tiếp tục được duy trì cho đến mùa giải 2012 và đã có những thời điểm giải đấu số 2 của bóng đá Việt Nam quy tụ những tuyển thủ quốc gia như Dương Hồng Sơn, Lê Phước Tứ hay những ngoại binh và cầu thủ ngoại nhập tịch như Huỳnh Kesley hay Antonio Carlos. Đó có thể coi là thời điểm "thịnh" nhất của giải đấu vốn không được quan tâm bằng V-League. "Bẵng đi một thời gian", giải hạng Nhất dần trở nên "hẻo" trong mắt cả khán giả cũng như chính những đội bóng tham dự. Việc các đội bóng hạng Nhì giành quyền lên hạng Nhất nhưng "xin" ở lại hạng Nhì đã trở thành chuyện phổ biến và điều đó khiến số lượng đội bóng dự giải hạng Nhất xuống "đáy" vào năm 2017 với chỉ 7 đội tham dự.

Viettimes - Suy ngẫm về “mô hình hình ống”

Hiện nay sân cỏ Việt Nam có 13 đội hạng nhì, 12 đội hạng nhất thì việc xây dựng “mô hình hình ống” 3 giải vô địch quốc gia có 14 đội không phải là quá khó. Nhưng làm thế nào để duy trì được số lượng trên là cả một vấn đề quan trọng mà VFF phải tính. Đế có được “mô hình hình ống” các CLB bóng đá Việt Nam tại mùa giải 2021, chúng ta cần có thêm 3 CLB, với khoảng gần 100 cầu thủ và những HLV có đủ bằng cấp. Với nguồn kinh phí duy trì đội hạng nhì khoảng 18- 20 tỷ đồng/năm, hạng nhất khoảng 23-25 tỷ đồng thì việc các ông chủ có một đội bóng để cuối tuần đến sân thỏa cái đam mê trong 1 năm là điều không khó. Nhưng làm sao để ổn định số đội,  không thành lập, giải thể ngẫu hứng thì VFF phải tính và ràng buộc bằng các quy định chặt chẽ. Không chỉ hạng nhì, hạng nhất mà ngay tại V.League, các cổ động viên đều có thể đọc ra ý định của các ông bầu. Nếu thấy chụp ảnh, quảng bá CLB ầm ĩ nhưng không thấy tu bổ sân bãi và chú trọng đào tạo trẻ thì cũng chỉ được trống canh là tìm cớ mất hút. Bản thân lâu nay số phận 1 số đội hạng Nhất cũng đang “lay lắt” khi đối diện với vấn đề kinh phí nuôi quân. Có thể, tiêu chí ở các đội hạng nhì, hạng nhất khác với V.League nhưng rõ ràng những bài học trong quá khứ vẫn còn nóng nổi. Phải có rào cản kỹ thuật để nhận biết được các ông bầu tâm huyết với bóng đá và gạt đi những ông chủ cơ hội, tính toán ăn xổi.

PLO - Thầy Park nhận tin vui khi học trò hồi phục tích cực

Thời gian hoãn các giải vì COVID-19, dù đội tuyển không tập trung nhưng HLV Park Hang-seo vẫn theo dõi các học trò. Ông lưu ý đặc biệt đến những cầu thủ chấn thương và đang tập luyện để hồi phục. Tin vui đến với thầy Park khi ông nhận được dấu hiệu tích cực từ các cầu thủ đang cố gắng chạy đua với thời gian để mau chóng trở lại. Điển hình như trường hợp của hậu vệ Thanh Thịnh bị chấn thương từ đầu năm trong đợt Việt Nam tham dự vòng chung kết U-23 châu Á. Sau thời gian dài tập và hồi phục tích cực tại Trung tâm Đào tạo trẻ PVF với những giáo án riêng của bác sĩ đội tuyển, Thanh Thịnh đã có thể trở lại một cách mạnh mẽ như hồi tham dự SEA Games 30. Bên cạnh đó, những cái tên mà ông Park rất chờ đợi như trung vệ Duy Mạnh, trung vệ Đình Trọng cũng đang chạy đua với thời gian và được tập luyện riêng với các bác sĩ đội tuyển và cho kết quả tích cực.

PLO - Quy hoạch giải đấu dễ biến V-League thành đá chơi cho vui

Hồi cuối tháng 3, Công ty VPF lấy phiếu thăm dò lẫn tổ chức họp trực tuyến xin ý kiến các CLB về việc V-League trở lại nhưng đã thất bại vì dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu lắng xuống và nhiều đội không tán thành phương án chơi cách ly tập trung không có khán giả. Tuy nhiên, trong cuộc họp đã nảy sinh một số ý kiến khi giải tiếp diễn có thể chỉ đá một lượt thay vì hai lượt như cũ hoặc V-League không có đội xuống hạng giúp các đội tiết kiệm chi phí thuê ngoại binh…Cái lợi cho giảm thiểu về kinh phí có thể sẽ nảy sinh cái hại lớn hơn là những giải đấu không xuống hạng sẽ triệt tiêu động lực của các đội và các cầu thủ. Cần biết VPF mới chỉ tạo ra hai cuộc thảo luận góp ý kiến cho các đội V-League bởi lo ngại thiệt hại nhiều thứ, chủ yếu là nguồn thu từ tài trợ, quảng cáo và phí dự giải hao hụt đi. Riêng với các đội hạng Nhất hay giải Cúp Quốc gia thuộc quyền tổ chức của mình, chưa thấy VPF đả động. Dù không thể quyết điều gì, VPF vẫn chuyển những quan điểm đã tham khảo từ các đội V-League lên xin ý kiến VFF.

VTC - 'Không đào tạo cầu thủ tốt, thành công của bóng đá Việt Nam chỉ là may rủi'

Bóng đá phải xây dựng nền tảng để tạo dựng và duy trì thành công, thay vì chỉ trông chờ vào HLV Park Hang Seo cùng các tuyển thủ. Chia sẻ với VTC News, chuyên gia Đoàn Minh Xương khẳng định để có được những nhân tài đủ sức trụ lại ở những nền bóng đá phát triển, các CLB Việt Nam phải nâng cấp quá trình đào tạo, tuyển chọn. Từ Văn Hậu hiện tại hay Công Phượng, Xuân Trường trước đây, ta thấy để thi đấu tốt ở những nền bóng đá phát triển, nỗ lực tự thân từ cầu thủ hay một số CLB là chưa đủ. Cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu, ai cũng có cái được và mất. Cái được là đến những nền bóng đá phát triển, tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp và mở mang nhiều, đặc biệt là nhận thức về bóng đá. Chuyện đi hay ở, Văn Hậu phải tự trả lời. Thời gian qua em đã cải thiện được ngoại ngữ chưa, thích ứng được chuyên môn không. Chỉ em mới có thể trả lời. Muốn ở lại thi đấu, em phải thể hiện bằng quyết tâm và hành động, không ai làm thay được hết. Người hâm mộ cũng nên nhận xét nhẹ nhàng và nghĩ thoáng với những ai đã và đang thi đấu ở nước ngoài, bởi để có thể thành công ở những nền bóng đá phát triển là rất khó khăn, đặc biệt với điều kiện đào tạo trong nước hiện tại. Không biết 10, 20 năm nữa chúng ta có cầu thủ nào thành công ở Hà Lan hay không.

Zing - Tuyển thủ Việt Nam ức chế vì lâu không được thi đấu

Tiền vệ tuyển Việt Nam Phạm Đức Huy cho biết đây là quãng nghỉ dài nhất mà anh từng trải qua từ khi bắt đầu theo nghiệp bóng đá. Tối 13/4, trong cuộc giao lưu do CLB Hà Nội tổ chức với người hâm mộ, Đức Huy đã có nhiều chia sẻ về tình hình tập luyện thời gian này. Với Đức Huy, tình hình dịch bệnh khiến CLB Hà Nội phải nghỉ thi đấu nhưng đồng thời giúp anh có thêm thời gian cho gia đình: “Điều tôi và gia đình cảm thấy hài lòng nhất ở chỗ đây là khoảng thời gian dài nhất từ ngày đi đá bóng tới giờ, mọi người được ở cạnh nhau nhiều như thế. Gia đình mà, chỉ cần ở bên nhau là thấy hạnh phúc rồi”. Trận đấu gần nhất của Đức Huy và CLB Hà Nội đã diễn ra cách đây một tháng khi họ gặp Quảng Ninh tại vòng 2 V.League. Sau đấy, giải đấu bị hoãn, Đức Huy và đồng đội tập luyện thêm ít ngày trước khi cả đội tạm nghỉ trong thời gian cách ly xã hội. Tiền vệ tuyển Việt Nam đã về Hải Dương cùng với gia đình. Đức Huy thừa nhận anh và nhiều đồng đội đang trải qua những ngày buồn: “Chắc ai cũng vậy, mình cũng có một chút ức chế khi lâu không được thi đấu. Mà lịch đấu giờ lại bị động. Nhưng sức khoẻ của cộng đồng là trên hết. Mình nghĩ cứ kiểm soát được dịch đã, rồi giải đấu lại tiếp tục. Mọi người lại được xem bóng đá. Các bạn nhớ ra sân cổ vũ CLB Hà Nội đều đều là được”.

Trung tâm Thông tin TDTT