Điểm tin hoạt động TDTT sáng 02.04.2020

BÓNG ĐÁ VÀ CÁC TIN LIÊN QUAN

DSVN - Sports442 chỉ ra 5 tài năng trẻ sẽ nắm tương lai của bóng đá Việt Nam

Mới đây tờ Sports442 phiên bản tiếng Anh đã xuất bản bài viết với tựa đề "5 tài năng trẻ sẽ nắm vận mệnh bóng đá Việt Nam". Tờ báo này viết lời dẫn: "Sau thành công của bóng đá Việt Nam 2 năm qua, HLV Park hang Seo và VFF đã triển khai mục tiêu hướng đến World Cup 2026. Lứa cầu thủ kế cận lớp đàn anh Quang Hải, Công Phượng, Tuấn Anh,... sẽ là những người được đầu tư trọng điểm. "Tờ báo này đã chỉ ra những tài năng trẻ thuộc lứa U18 và U19 của Việt Nam mà Liên đoàn bóng đá Việt Nam đầu tư trọng điểm để hướng tới World Cup trong tương lai, trong đó có những nhân tài của HAGL, SLNA, PVF và Viettel những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ nổi tiếng Việt Nam. Người đầu tiên được Sports442 nhắc tới cầu thủ trẻ của khóa 4 HAGL JMG Nguyễn  Thanh Khôi  (sinh năm 2001). "Nhắc tới Nguyễn Thanh Khôi, người ta có thể mường tượng ra một thủ lĩnh đích giống như Xuân Trường hay Tuấn Anh làm được trong màu áo HAGL. Dù chỉ cao 1m66 nhưng cầu thủ này thực sự là điểm tựa vững chắc cho các đồng đội xung quanh. Thanh Khôi sở hữu lối chơi xông xáo, quyết liệt. Tuy thi đấu không ngại va chạm nhưng Thanh Khôi lại chơi bóng khá mềm mại với khả năng thoát pressing cực tốt. Ngoài ra Thanh Khôi còn sở hữu nhãn quan chiến thuật hiện đại cùng những đường chuyền mang tính sát thương cao", tác giả bài viết miêu tả.

PLO - Bầu Đức quá đáng hay VPF sợ hủy giải?

VPF mời đại diện các CLB họp trực tuyến hoàn toàn không sai. Nó cũng giống như Premier League những nhà tổ chức họp với các đội khi giải buộc phải hoãn. Chỉ có điều nhà tổ chức Premier League mời các đội để tìm giải pháp tốt nhất và cũng là để tính đến quyền lợi của các đội trong đó bóng không lăn hết mùa thì các CLB sẽ không nhận được tiền bản quyền truyền hình lên đến hàng trăm triệu bảng cho mỗi đội. Phép tính sơ bộ ở Premier League mùa này có thể mất tới 1,2 tỉ bảng tiền bản quyền truyền hình nếu chín vòng đấu còn lại không được thi đấu. 1,2 tỉ đấy không vào túi nhà tổ chức mà gắn với quyền lợi các đội. Đưa vấn đề của Premier League ra để thấy cuộc họp với các đội dựa trên quyền lợi của từng đội và những nhà tổ chức muốn tìm ra giải pháp tốt nhất và ít thiệt hại nhất cho các CLB. Và tất nhiên chuyện đá hay không hoặc đá tập trung đều phải dựa vào cơ quan y tế quốc gia và tình hình dịch bệnh ở địa phương. Trở lại với vấn đề của VPF thì cuộc họp trực tuyến vừa qua chỉ có 13/14 đội nhưng kết quả đưa ra là gì?

PLO - ‘Cái cần là giải pháp tổng thể cho cả nền bóng đá’

Đó là ý kiến của chuyên gia Đoàn Minh Xương. Ông nói: “Bóng đá Việt Nam đâu chỉ có V-League mà còn cả một hệ thống nên cái cần nhất là giải pháp tổng thể cho nền bóng đá Việt Nam vào thời điểm này”. Ông Xương nói rằng ông không quan tâm tới việc tổ chức V-League như thế nào mà quan tâm nhiều hơn tới giải pháp tổng thể cho cả nền bóng đá gồm cả hạng Nhất, các giải trẻ, các đội tuyển. “Đại dịch gây tổn hại kinh tế rất lớn và nếu tình trạng này kéo dài thì thiệt thòi nhất vẫn là các CLB. Thế nên phải đặt lợi ích các CLB lên hàng đầu như ở Premier League họ họp trực tuyến với các CLB là vì quyền lợi của các CLB là chính” - ông Xương nói.

Dongnai - Không có Văn Hậu trong số 5 cầu thủ Heerenveen sẽ chia tay

Ngày 30-3, CLB Heerenveen, nơi hậu vệ đội tuyển Việt Nam Đoàn Văn Hậu đầu quân tại Hà Lan, đã xác nhận 5 cầu thủ sẽ chia tay đội bóng khi mùa giải 2019-2020 kết thúc. Đáng chú ý, trong số này không có tên Đoàn Văn Hậu. Theo đó, 5 cầu thủ ở đội 1 sắp hết hạn hợp đồng sẽ không được gia hạn gồm: Daniel Hoegh, Ricardo Van Rhijn và 3 thủ môn: Warner Hahn, Filip Bednarek và Trevor Doornbusch. Điều đáng lưu ý là đến lúc này bản danh sách trên không có tên Văn Hậu. Văn Hậu thi đấu cho CLB Heerenveen theo hợp đồng cho mượn từ CLB Hà Nội, anh chưa phải cầu thủ chính thức của đội. Hiện không rõ tương lai của Văn Hậu có được đảm bảo hay không. Trước mắt, việc không nằm trong danh sách bị thanh lý có thể xem là một tín hiệu tích cực. Mùa này, Văn Hậu chỉ mới thi đấu khoảng 4 phút cho đội 1 của Heerenveen. Thời gian còn lại, hậu vệ Việt Nam chủ yếu ra sân cùng đội trẻ Heerenveen.

Dongnai - Không phải lần đầu tiên Giải VĐQG "trục trặc"

Năm 1980, bóng đá Việt Nam mới có giải đấu thống nhất đất nước đầu tiên, khi ấy mang tên Giải A1 toàn quốc với sự tham gia của 17 đội của 3 miền, chia 3 bảng, đội đầu bảng vào vòng chung kết (Tổng cục Đường sắt vô địch; Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp xuống hạng A2). Sau 2 mùa giải 1986-1987 không có đội xuống hạng, Giải A1 toàn quốc năm 1988 đã không được tổ chức theo yêu cầu của các đội để củng cố lực lượng (chỉ tổ chức các giải khu vực và giao hữu). Từ năm 1990, giải đấu cao nhất chuyển sang phiên bản mới với tên gọi Giải bóng đá các đội mạnh toàn quốc với 18 đội, cũng chia 3 bảng đá vòng loại (Thể Công vô địch). Rồi đến năm 1997 là Giải hạng Nhất quốc gia. Ngay ở Giải hạng Nhất quốc gia lần II-1998 đã xảy ra tiêu cực. Ban tổ chức đã kỷ luật (cảnh cáo hoặc trừ điểm) các đội bóng có biểu hiện dàn xếp tỷ số ở 5 trận đấu liên quan đến Bình Dương, Nam Định, Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng, Khánh Hòa, CLB Quân đội và Hải Quan. Trước việc bất lực trong phòng, chống các đội thi đấu tiêu cực, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam buộc hủy bỏ Giải vô địch quốc gia năm 1999, thay vào đó là giải tập huấn mùa xuân. Phải đến mùa giải 1999-2000, cuộc chơi mới thực sự là Giải VĐQG với thể thức thi đấu vòng tròn 2 lượt sân nhà sân khách (SLNA vô địch) và 1 năm sau đó bóng đá Việt Nam chính thức có Giải VĐQG chuyên nghiệp. Và bây giờ, với V.League 2020 (mùa giải chuyên nghiệp thứ 19 và có tên V.League thứ 16) là lần thứ 3 giải đấu cao nhất bị “trục trặc”. Đã 3 lần giải phải hoãn, lùi thời gian và nay là chờ… vô thời hạn.

Dongnai - Trong rủi cũng có may

Như câu chuyện “Tái ông mất ngựa”, bên cạnh tâm trạng “khóc thầm” vì thiệt hại của nhiều CLB, cầu thủ vì V.League “đóng băng”, thì cũng có người “cười nụ”… may quá! Đó là HLV các đội đang bị sứt mẻ lực lượng và các “thương binh”. Vô tình khoảng thời gian nghỉ bất đắc dĩ này lại là cơ hội để cầu thủ bị chấn thương có thời gian hồi phục, chữa trị. Đó là trường hợp của Thành Chung, Văn Kiên, Đình Trọng và Rimario của CLB Hà Nội. Hay “cặp bài trùng” mới Phi Sơn - Công Phượng của TP.HCM. Mừng nhất có lẽ là HLV Vũ Hồng Việt của Quảng Nam khi 2 vòng đấu đầu tiên ông mất gần chục cầu thủ vì chấn thương nên không có gì ngạc nhiên khi chỉ có được 1 điểm (thua TP.HCM 1-3, hòa Hải Phòng 1-1). Đội bóng xứ Quảng hiện có nhiều cầu thủ bị chấn thương trải đều ở cả 3 tuyến: hậu vệ Văn Hà, Duy Khánh, Hữu Phước; tiền vệ Huy Hùng, Quang Huy, Văn Thạnh; tiền đạo Hà Minh Tuấn, Quốc Chí. Giải càng kéo dài thời gian trở lại, CLB Quảng Nam càng có thể lấp đầy đội hình. Đội SHB.Đà Nẵng của HLV Lê Huỳnh Đức cũng có cơ hội chờ tiền đạo Hà Đức Chinh (giờ đây trở thành trò cưng) trị dứt hẳn viêm gan siêu vi B. Khi giải tiếp tục với vòng 3, SLNA cũng sẽ có sự trở lại của 2 trụ cột hàng thủ: trung vệ đội trưởng Hoàng Văn Khánh và thủ môn Nguyễn Văn Hoàng (cả 2 cùng chấn thương trong trận thắng B.Bình Dương 1-0 ở vòng 2, phải nghỉ tập luyện không dưới 2 tuần, đúng lúc V.League tạm dừng). Việc giải hoãn cũng tạo điều kiện cho các ngoại binh lần đầu tiên gia nhập V.League có thêm thời gian hòa nhập cuộc sống ở Việt Nam cũng như lối chơi, sự gắn kết với các đồng đội. Với Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, 2 trận trắng tay đầu tiên cho thấy đội bóng tân binh này còn rất non ở đấu trường đỉnh cao. Chính vì vậy, sau vòng 2 khi Ban tổ chức quyết định tạm hoãn giải, đội vẫn không cho “xả trại”, vẫn tập trung, tập luyện suốt thời gian qua. Nay, HLV Phạm Minh Đức càng có thêm thời gian để sửa chữa, khắc phục những khiếm khuyết. Ngoài ra, sân Hà Tĩnh cũng có điều kiện để hoàn thiện dàn đèn để không phải mượn Thanh Hóa làm sân nhà như phương án của VPF nếu V.League phải thi đấu tập trung.