THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO
VOV - Năm Olympic 2022: Gợi ý táo bạo cho phương án hoãn Olympic Tokyo 2020?
Tượng đài Olympic, Carl Lewis đưa ra ý tưởng về năm Olympic 2022 với cả Thế vận hội mùa Hè và Thế vận hội mùa Đông. Việc hoãn Olympic Tokyo 2020 đang là chủ đề nóng bỏng của thế giới thể thao. Hôm qua (23/3), Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết rằng có thể bị hoãn Olympic Tokyo 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng thời điểm, Canada và Australia là hai đoàn thể thao đầu tiên trên thế giới tuyên bố sẽ không tham dự Olympic Tokyo 2020 vì những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 thời gian gần đây. Trong khi đó, hàng loạt VĐV cùng các liên đoàn thể thao trên khắp thế giới đã lên tiếng chỉ trích Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vì quan điểm cứng nhắc, ứng biến chậm chạp và không đặt ưu tiên sức khỏe lên hàng đầu. Hoãn Olympic Tokyo 2020 sang năm 2021 đang là ý kiến chủ đạo từ làn sóng phản đối IOC. Hai sự kiện bóng đá lớn nhất Hè này là VCK EURO và Copa America đều đã rời lịch sang năm 2021. Theo thông báo từ IOC, quyết định chính thức về việc có hoãn Olympic Tokyo 2020 hay không sẽ được đưa ra trong 4 tuần nữa.
BÓNG ĐÁ VÀ CÁC TIN LIÊN QUAN
DDK - V-League 2020: Không có chuyện hủy
Đã có ý kiến đề nghị hủy V-League mùa này nhưng lãnh đạo Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã lên tiếng tuyên bố không có chuyện này xảy ra và VPF đang có nhiều phương án để giải đấu tiếp tục diễn ra. Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống, trong đó có bóng đá. V-League 2020 mới chỉ khởi tranh được 2 vòng đấu song Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng như VPF phải cho hoãn giải đấu bởi những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Câu chuyện V-League bao giờ có thể tiếp tục vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ và nó càng nóng hơn khi có ý kiến cho rằng cần tạm dừng V-League mùa giải năm nay. “Không phải đến lúc này khi giải đấu đá được 2 vòng rồi tạm nghỉ. Cá nhân tôi, ngay từ đầu ở vào thời điểm V-League chưa khai mạc đã từng đề xuất ý kiến lên VFF, VPF cùng những nhà điều hành, tổ chức là chúng ta nên hủy giải đấu cao nhất trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Nói thật, nếu tình huống xấu nhất xảy ra đó là hoãn vô thời hạn hoặc hủy bỏ V-League 2020, tôi hoàn toàn nhất trí, ủng hộ với quyết định đó. Cho đến hôm nay, tôi vẫn bảo lưu quan điểm đó của mình khi đã từng nói từ lúc ban đầu”- Chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp tuyên bố. Đề xuất huỷ LS V-League 2020 của Chủ tịch CLB Quảng Nam khiến nhiều người sửng sốt, bởi có quá nhiều hệ luỵ đối với bóng đá Việt Nam.
Baogiaothong - Chuyên gia giải mã lý do ''Messi Việt Nam'' khô hạn bàn thắng
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải đã chỉ ra lý do khiến Công Phượng trải qua chuỗi 3 trận tịt ngòi liên tiếp gần đây trong màu áo CLB TP.HCM. Sau chuỗi ngày chơi bóng không thành công ở nước ngoài, Công Phượng đã trở về khoác áo CLB TP.HCM từ đầu tháng 1/2020. Tại đây, tiền đạo người Nghệ An đã phần nào thể hiện được năng lực khi ghi 3 bàn trong 4 trận đấu đầu tiên cho đội chủ sân Thống Nhất. Tuy nhiên, ở 3 trận đấu gần nhất đối đầu với Quảng Nam, Lào Toyota và Thanh Hóa, cầu thủ sinh năm 1995 lại bất ngờ tịt ngòi khiến CLB TP.HCM gặp khá nhiều khó khăn. Lý giải cho phong độ ghi bàn đi xuống của Công Phượng, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải cho biết: ''Phong độ của Phượng thời gian gần đây không tốt. Khoảng thời gian khi mới về, cậu ấy đã gắng sức đá những trận đầu tiên nên thể lực bị bào mòn đáng kể. Cùng với đó, sự tích lũy và tập luyện phục hồi chưa thực sự khoa học dẫn tới Công Phượng không thể phát huy được hết khả năng của bản thân. Đó là điều tất yếu". Sau đó, cựu cầu thủ Thể Công cho rằng, việc Công Phượng tịt ngòi có một phần lỗi của CLB TP.HCM trong cách sử dụng tiền đạo sinh năm 1995: ''Trường hợp của Công Phượng chúng ta cần phải chờ đợi thêm. Cậu ấy là một cầu thủ tài năng, tuy nhiên thi đấu tốt hay không còn phụ thuộc vào thể lực, phục hồi y tế, tính toán phong độ từ huấn luyện viên. Tôi nghĩ về điều này CLB TP.HCM làm chưa thật sự tốt.
Dansinh - Công Vinh được AFC bình chọn là một trong năm huyền thoại bóng đá Đông Nam Á
Báo Công lý cho biết, trang fanpage chính thức của AFC đã lựa chọn ra nhóm các cầu thủ nổi tiếng vào những đội 5 người khác nhau. Trong nhóm huyền thoại của bóng đá Đông Nam Á, AFC đã chọn ra 5 cái tên bao gồm: Lê Công Vinh (Việt Nam), Kiatisuk (Thái Lan), Bambang (Indonesia), Soh Chin Aun (Malaysia) và thủ thành Neil Etheridge (Philippines). Dù đã giải nghệ cách đây 4 năm nhưng đến lúc này, cựu cầu thủ sinh năm 1985 vẫn là tiền đạo xuất sắc nhất lịch sử của bóng đá Việt Nam. Anh 3 lần giành danh hiệu quả bóng vàng Việt Nam vào các năm 2004, 2006 và 2007. Anh ghi bàn thắng quyết định vào lưới Thái Lan ở chung kết lượt về AFF Cup 2008, đem về chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên cho Việt Nam. Ngoài ra, Công Vinh còn là cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng ở châu Âu khi góp mặt trong đội hình của CLB Leixoes SC tại giải VĐQG Bồ Đào Nha vào năm 2009. Với những gì đã đóng góp và thể hiện trong quá khứ, việc bộ 3 Lê Công Vinh, Kiatisuk và Bambang được vinh danh không phải là điều gì quá bất ngờ. Tuy nhiên, bản danh sách này đã mang tới nhiều tranh cãi. Nếu như Công Vinh, Kiatisuk, Bambang Pamungkas được lựa chọn là điều hiển nhiên bởi họ có đóng góp lớn cho bóng đá Đông Nam Á thì hai cái tên còn lại mang tới nhiều hoài nghi.
Zing - Vì sao nhiều CLB V.League đưa về những ‘ông già’?
Đỗ Merlo ở Nam Định, Lê Tấn Tài ở Hà Tĩnh hay Damir Memovic ở HAGL là những lão tướng đang làm thay đổi diện mạo đội bóng của họ tại V.League 2020. Hai vòng V.League đã qua ghi nhận sự trở lại thú vị của hàng loạt lão tướng, nhiều người tưởng như đã hết thời ở các CLB V.League. Đó lần lượt là Đỗ Merlo (35 tuổi, Nam Định), Lê Tấn Tài (36 tuổi, Hà Tĩnh), Hoàng Vũ Samson (32 tuổi, Thanh Hóa) hay Damir Memovic (31 tuổi, HAGL)... Điểm chung của tất cả hợp đồng ấy là những đội bóng chọn các lão tướng đều thuộc tầm trung, thậm chí nằm trong nhóm trụ hạng. Sở hữu lực lượng hạn chế, nhiều tài năng trẻ, không có tham vọng lớn, họ tìm tới các lão tướng như một giải pháp hợp lý, vừa túi tiền. Những Merlo, Tấn Tài hay Hoàng Vũ Samson đều là các cầu thủ tài năng, đẳng cấp được thừa nhận. Họ không có phí chuyển nhượng, không yêu cầu lương thưởng cao nhưng lại thừa năng lực thích nghi và có thể chơi tốt ngay khi gia nhập.
Viettimes - Dường như “vận đỏ” vẫn đang đồng hành cùng thầy Park
Đội tuyển Việt Nam đang “toang” hàng thủ khi thủ môn Văn Lâm bị đẩy lên ghế dự bị, các trung vệ Đình Trọng, Thành Chung, Duy Mạnh, tiền vệ Tuấn Anh, Xuân Trường, Xuân Mạnh rủ nhau chấn thương. Ngoài ra, Trọng Hoàng bị cấm thi đấu do nhận 2 thẻ vàng. Trong bóng đá, ngoài tài năng và bản lĩnh, kinh nghiệm thì các nhà cầm quân cũng cần chút may mắn. Hành trình có được tấm HCV SEA Games 30 mới đây là một ví dụ cụ thể nhất đối với thầy trò của ông Park Hang-Seo. Như ông Park đã không ít lần thừa nhận những may mắn trong 3 năm ông đặt chân xuống làm việc tải mảnh đất hình chữ S. Sau 5 trận đấu vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam đang đứng đầu bảng G nhưng hàng công chỉ có 5 bàn thắng, chỉ hơn mỗi đội chót bảng Indonesia (3 bàn). Đáng ngại nhất là phong độ của Quang Hải, cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á năm 2019 đã 4 tháng nay không ghi bàn. Bàn thắng gần nhất của Quang Hải diễn ra ở SEA Games 30 khi anh làm tung lưới U22 Brunei vào ngày 26/11/2019. Tại SEA Games 30, do chấn thương nên Hải bỏ lỡ nửa cuối hành trình lên ngôi vô địch cùng U23 Việt Nam. Tiếp đó, tại VCK châu Á 2020 và 2 vòng đầu V.League 2020 thì tiền vệ số 19 này vẫn đang tịt ngòi, trong màu áo Hà Nội FC thì Quang Hải chỉ vào sân từ ghế dự bị. Quang Hải đang cần thời gian để lấy lại cảm giác chơi bóng.
Vietnamnet - Bóng đá Việt Nam: Câu chuyện ấm lòng và nỗi buồn Covid-19
Bên cạnh việc V-League phải hoãn, tuyển Việt Nam đối mặt với rủi ro vì Covid-19 là những câu chuyện ấm lòng ngoài chuyên môn, chung tay cùng cả nước chống dịch... Những ngày qua, dù V-League tạm nghỉ hay tuyển Việt Nam “vỡ” kế hoạch nhưng phần lớn các học trò của HLV Park Hang Seo cũng không rảnh rang là mấy, thậm chí là tất bật hơn với chuyện ngoài chuyên môn. Chỉ ít ngày sau khi HAGL tạm kết thúc V-League mùa giải 2020 với trận hoà khó tin trên sân Hàng Đẫy, tiền đạo Nguyễn Văn Toàn ngay lập tức đứng ra kêu gọi ủng hộ quyên góp để ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid-19. Số tiền mà Văn Toàn quyên góp có thể không quá lớn, nhưng đây chắc chắn là bàn thắng đáng nhớ nhất mà tiền đạo người Hải Dương dành cho người hâm mộ, và cộng đồng, xã hội. Không đứng ngoài cuộc, trung vệ Bùi Tiến Dũng (Viettel) cũng âm thầm cùng gia đình quyên góp một chút vật lực để gửi tới các chiến sỹ nơi tuyến đầu của chiến phòng, chống dịch cúm Covid-19. Rồi những ngôi sao khác như Công Phượng, Quế Ngọc Hải... cũng thể hiện ý thức với cộng đồng khi dùng tài khoản cá nhân để kêu gọi fan hâm mộ cùng chung tay, cùng ý thức để đẩy lùi dịch cúm Covid-19. Cái cách Văn Toàn hay các tuyển thủ tuyển Việt Nam vừa làm, rõ ràng xoá tan đi ác cảm về thế hệ những cầu thủ trước đây vô cảm với cộng đồng. Cùng lúc, viết tiếp niềm tin cho người hâm mộ về một thế hệ vừa đá bóng giỏi, vừa ngoan như vài năm qua với sự nhen mầm từ lứa cầu thủ nhà bầu Đức.
Trung tâm Thông tin TDTT