THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO
ANTD - Các kình ngư 'thâu tóm' Cúp Chiến thắng 2019
Huy Hoàng và Ánh Viên chia nhau hai danh hiệu Nam VĐV của năm và Nữ VĐV của năm, trong khi một kình ngư khác là Trần Hưng Nguyên được bầu chọn VĐV trẻ của năm tại Gala trao thưởng Cúp Chiến thắng 2019, diễn ra tại trường quay ngoài trời Đài truyền hình Việt Nam, tối 15-1. Ở hạng mục của nữ, với 6 HCV - nhiều nhất trong số hơn 11.000 VĐV dự SEA Games 30, VĐV bơi Nguyễn Thị Ánh Viên đã vượt qua hai đồng nghiệp là Nguyễn Thị Oanh (điền kinh, VĐV điền kinh Đông Nam Á duy nhất giành 3 HCV cá nhân tại SEA Games 30) và Nguyễn Thị Huyền (cử tạ, HCV SEA Games, HCV châu Á, HCV thế giới) để lần thứ hai liên tiếp giành danh hiệu Nữ VĐV của năm. Trong khi đó tại hạng mục của nam, đồng đội của Ánh Viên ở đội tuyển bơi là Nguyễn Huy Hoàng được tôn vinh, nhờ thành tích giành 2 HCV, phá 2 kỷ lục SEA Games 30 và đạt chuẩn A dự Olympic Tokyo 2020. "Với danh hiệu cao quý này, tôi sẽ tiếp tục tập luyện giành nhiều thành tích hơn nữa cho thể thao Việt Nam. Đồng thời tôi sẽ cùng đội tuyển bơi lội Việt Nam truyền cảm hứng tới động đồng về tình yêu, nhiệt huyết thể thao", Nam VĐV của năm Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ. Với việc giành 2 HCV ngay trong lần đầu tham dự SEA Games, tay bơi 17 tuổi Trần Hưng Nguyên giành danh hiệu VĐV trẻ của năm một cách thuyết phục, đồng thời khẳng định sự áp đảo của các VĐV bơi lội tại các hạng mục Cúp Chiến thắng 2019.
Baothanhhoa - HLV Trần Văn Sỹ và VĐV Quách Thị Lan giành giải thưởng Cúp Chiến thắng 2019
Trong đêm gala trao Giải thưởng “Cúp Chiến thắng” 2019 tối nay 15-1, HLV Trần Văn Sỹ (môn điền kinh) và VĐV Quách Thị Lan của Thanh Hóa đã giành giải thưởng ở các hạng mục HLV của năm và đồng đội của năm. Giải thưởng “Cúp Chiến thắng” - được xem là Oscar của thể thao Việt Nam là giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh những tài năng có đóng góp đặc biệt xuất sắc và làm rạng rỡ cho thể thao Việt Nam. Giải thưởng này gồm các hạng mục quan trọng như: VĐV nam của năm, VĐV nữ của năm, VĐV trẻ của năm, VĐV khuyết tật của năm, HLV của năm, HLV nước ngoài của năm, đội tuyển của năm, đồng đội của năm và hình ảnh thể thao của năm. Tỉnh Thanh Hóa có 1 HLV và 3 VĐV nằm trong danh sách đề cử của giải thưởng này gồm: HLV Trần Văn Sỹ (điền kinh) và 3 VĐV Quách Thị Lan, Quách Công Lịch và Lương Văn Thao (điền kinh) ở hạng mục đồng đội của năm.
BÓNG ĐÁ VÀ CÁC TIN LIÊN QUAN
Zing - U23 Việt Nam vs Triều Tiên: Khe cửa hẹp cho giấc mơ Olympic
Trước khi chờ đợi sự sòng phẳng từ Jordan hay UAE, U23 Việt Nam phải tự quyết định số phận của mình bằng cách đánh bại Triều Tiên ở lượt trận cuối bảng D U23 châu Á tối 16/1. “Họ hỏi tôi có muốn trở thành HLV trưởng một đội tuyển tại châu Á. Tôi hỏi đội nào thế? Họ bảo tôi chờ. Lần đầu nói chuyện, họ không hề nói về việc họ là người nước nào, họ tới từ đâu. Sau vài cuộc trao đổi, họ mới nói điều đó với tôi”, BBC dẫn lời Andersen nhớ lại. Những cuộc đàm phán mất tới cả tháng trời vì Liên đoàn Bóng đá Triều Tiên kiên quyết giữ lối làm việc kỳ lạ của họ. Cuối cùng, đôi bên gặp nhau tại Munich và Andersen ký hợp đồng 8 tháng. Một trong những điều khoản đặc biệt của hợp đồng là ông phải làm việc toàn thời gian ở CHDCND Triều Tiên. Andersen đồng ý. Và kể từ năm 2011, ông trở thành HLV nước ngoài đầu tiên ở một đội tuyển Triều Tiên. Khác với Triều Tiên, thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn còn hy vọng dù là mong manh. U23 Việt Nam phải hoàn thành 2 điều kiện, một là thắng đối thủ, hai là hy vọng trận UAE - Jordan có tỷ số thắng bại, hoặc chỉ hòa 0-0. Nhìn lại thời kỳ HLV Park ở Việt Nam, các đội tuyển của ông thường xuyên gặp khó khăn ở vòng bảng các giải châu lục. Tại Trung Quốc hai năm trước, U23 Việt Nam khổ chiến với Syria, giành 1 điểm quý giá trước khi vào tứ kết. Asian Cup một năm trước, đội tuyển cũng mất quyền tự quyết, thắng Yemen 2-0 đồng thời nín thở chờ kết quả có lợi từ những bảng khác.
Zing - Vì sao U23 Việt Nam không ghi bàn trong 2 trận ở giải châu Á?
Tình thế khó khăn hiện tại của U23 Việt Nam chắc chắn có trách nhiệm không nhỏ tới từ các cầu thủ ở hàng công, những người chưa thể ghi bàn sau 120 phút tại giải châu Á.
Hai năm trước, trong kỳ tích Thường Châu, U23 Việt Nam chỉ dùng một tiền đạo cắm nhưng vẫn ghi bàn liên tục và tiến thẳng tới chung kết. Hai năm sau, trên đất Thái Lan, ông Park sử dụng cặp tiền đạo Hà Đức Chinh và Nguyễn Tiến Linh nhưng đội vẫn chưa có bàn thắng. Điều gì phía sau sự kém hiệu quả của hàng công U23 Việt Nam? Trong 16 đội dự vòng chung kết U23 châu Á, U23 Việt Nam và UAE là hai cái tên hiếm hoi chưa để thủng lưới đồng thời là hai hàng thủ mạnh nhất giải. Với hàng thủ ấy, U23 Việt Nam lẽ ra phải sớm giành vé. Vậy mà đội bóng của ông Park mới có 2 điểm, không còn quyền tự quyết và đang đứng trước nguy cơ bị loại. Vị trí hiện tại của U23 Việt Nam chắc chắn có trách nhiệm lớn của hàng công, những người chưa thể ghi bàn suốt 180 phút. Hai năm trước ở Trung Quốc, U23 Việt Nam ghi 2 bàn sau 2 trận đầu, càng đá càng hay, có thêm 6 bàn trong 3 trận knock-out. Thời điểm ấy, đội thi đấu với sơ đồ 3-4-3, Hà Đức Chinh và Nguyễn Công Phượng thay nhau đá cắm.
ANTD - Sao không nghĩ chính UAE và Jordan đang lo bị Việt Nam loại?
Hầu hết đều nhìn vào lượt trận cuối bảng D với những kịch bản tiêu cực dành cho U23 Việt Nam, trong khi thực tế U23 UAE và U23 Jordan cũng đang phải đối mặt nỗi lo bị loại. Với điều lệ AFC áp dụng tại VCK U23 châu Á 2020, Việt Nam (2 điểm) hiện bất lợi nhất trong số 3 đội bất bại trước lượt trận cuối bảng D. Bởi trên lý thuyết, UAE và Jordan (cùng 4 điểm) nhiều hơn Việt Nam số cơ hội đi tiếp, thậm chí cả hai sẽ cùng giành vé nếu hòa có tỉ số, bất chấp kết quả trận đấu cùng giờ giữa U23 Việt Nam và Triều Tiên (20h15 hôm nay, 16-1). Song lý thuyết cũng chỉ ra rằng, UAE và Jordan hoàn toàn có thể bị loại nếu để thua đối phương, đồng thời Việt Nam thắng Triều Tiên. Trong trường hợp UAE và Jordan hòa không bàn thắng, Việt Nam có thể sẽ loại một trong số họ nếu thắng Triều Tiên cách biệt 2 bàn, hoặc thắng với tỉ số 3-2, 4-3...Thử đặt mình vào vị trí của UAE hoặc Jordan, chắc chắn tự thân mỗi đội bóng đều lo ngại khả năng xấu nhất là bị loại, dù đó là điều họ không muốn. Nhìn sang bảng B có cục diện tương tự bảng D vừa kết thúc đêm 15-1, Qatar "sắm vai" Việt Nam (cùng 2 điểm sau 2 trận) khi gặp đội đã bị loại ở lượt trận cuối, trong khi hai đội cùng 4 điểm là Ả Rập Xê Út và Syria đối đầu.
Vietnamplus - VCK U23 châu Á 2020: 6 đội bóng đã giành vé vào tứ kết
6 đội bóng đã giành vé vào tứ kết, gồm có U23 Australia, U23 Thái Lan (bảng A), U23 Saudi Arabia, U23 Syria (bảng B), U23 Hàn Quốc và U23 Uzbekistan (C). Vòng tứ kết giải U23 châu Á 2020 đã chính thức xác định được 6 đội bóng góp mặt, 2 cái tên còn lại sẽ chờ đợi ở bảng D, bảng đấu có sự tham gia của U23 Việt Nam. Ở loạt trận chiều tối 15/1, ba đội bóng đã vượt qua vòng đấu bảng là U23 Saudi Arabia, U23 Syria (bảng B) và đương kim vô địch U23 Uzbekistan (C). Tại bảng B, U23 Saudi Arabia đã giành được ngôi nhất bảng sau khi có chiến thắng 1-0 trước U23 Syria nhờ pha lập công của Feras Al-Birakan. Trong khi đó, dù để thua ở trận này, U23 Syria vẫn có vé vào vòng 8 đội khi bởi ở trận cùng giờ U23 Qatar chỉ còn biết tự trách mình khi chỉ có trận hòa 1-1 trước U23 Nhật Bản. Ở bảng C, dù để thua U23 Hàn Quốc 1-2, U23 Uzbekistan vẫn lách que khe cửa hẹp để theo chân đối thủ để vào tứ kết. Như vậy, 6 đội bóng đã giành vé vào tứ kết, gồm có U23 Australia, U23 Thái Lan (bảng A), U23 Saudi Arabia, U23 Syria (bảng B), U23 Hàn Quốc và U23 Uzbekistan (C). Vòng chung kết cũng đã xác định được hai cặp tứ kết: U23 Australia - U23 Syria, U23 Saudi Arabia - U23 Thái Lan. Trong khi đó, hai đội U23 Hàn Quốc và U23 Uzbekistan sẽ phải chờ đợi đối thủ của mình đến từ bảng D - bảng đấu có sự góp mặt của U23 Việt Nam.
Zing - ‘HLV Park phải mạo hiểm xếp Đình Trọng đá chính’
Đình Trọng vẫn còn những pha xử lý nặng nề vì chưa hồi phục 100% sau chấn thương, song HLV Park Hang-seo nhiều khả năng xếp anh đá chính cho trận quyết định với U23 Triều Tiên. Đối đầu U23 Triều Tiên tối 16/1, thầy trò HLV Park Hang-seo chỉ có mục tiêu giành chiến thắng và chờ đợi kết quả ở cặp đấu còn lại để hy vọng đi tiếp. U23 Việt Nam sẽ chơi tấn công, nhưng một trong những vị trí được CĐV chờ đợi trở lại đội hình chính là trung vệ Trần Đình Trọng. Hai trận trước, Đình Trọng vào sân từ ghế dự bị và thể hiện được nhiều điều. Bình luận cùng Zing.vn, chuyên gia Vũ Mạnh Hải mở đầu: “HLV Park phải mạo hiểm để Đình Trọng ra sân ngay từ đầu”. Sự góp mặt của trung vệ CLB Hà Nội không chỉ ổn định hàng thủ, mà anh là phương án triển khai bóng lý tưởng từ tuyến dưới. Ngoài ra, U23 Việt Nam sẽ trở lại sơ đồ 3-5-2 với cặp tiền đạo Hà Đức Chinh và Nguyễn Tiến Linh. HLV Park liên tục thử nghiệm để tìm ra bộ khung hàng thủ, nhưng kết quả không như ý muốn. Huỳnh Tấn Sinh đang bị tâm lý, Bùi Hoàng Việt Anh chưa đủ kinh nghiệm lẫn kỹ năng để sẵn sàng đá chính, tương tự là Đỗ Thanh Thịnh. Không có Đình Trọng, hàng thủ Việt Nam vừa lỏng lẻo, vừa không thể triển khai bóng lên trên.
Trung tâm Thông tin TDTT