THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO
Tay vợt 21 tuổi Lý Hoàng Nam, người đang làm rạng danh quần vợt Việt Nam ở đấu trường quốc tế là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tay vợt trẻ theo đuổi đam mê quần vợt. Năm 2012 khi mới 15 tuổi, Hoàng Nam đã làm nên cuộc lật đổ lịch sử khi đoạt ngôi vô địch QG, chấm dứt “đế chế” 10 năm thống trị quần vợt Việt Nam (VN) của đàn anh Đỗ Minh Quân. Khi đó Hoàng Nam cũng qua mặt Minh Quân trở thành tay vợt trẻ nhất Việt Nam vô địch quốc gia. Chưa đầy 1 năm sau, Hoàng Nam làm cú ngoạn mục khi vô địch đơn nam quần vợt ở Đại hội thể thao trẻ châu Á. Đó cũng là thành tích mà từ trước đến nay chưa tay vợt nào của VN có được. Tuy nhiên, đỉnh cao của Hoàng Nam chính là đoạt danh hiệu vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015 đồng thời cán đích hạng 11 trên bảng xếp hạng quần vợt trẻ thế giới. Đó cũng là cột mốc lịch sử với quần vợt VN trong làng quần vợt trẻ thế giới. Rất nhiều tay vợt trẻ VN thổ lộ hành trình mà Lý Hoàng Nam đang đi là con đường mà họ mơ ước. Các HLV quần vợt tại VN cho rằng thành công bước đầu của Hoàng Nam đang kích thích phong trào quần vợt nước nhà. Không chỉ tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương mà ở các địa phương khác, trẻ em đi tập quần vợt ngày càng đông và khi được hỏi vì sao, các em cùng bố mẹ đều thổ lộ: “muốn được như Lý Hoàng Nam”
Trong làng thể thao Việt, cờ vua là môn hiếm hoi áp dụng triệt để quy định rất “thoáng” của quốc tế cho phép các kỳ thủ chuyển nhượng dễ dàng, để vừa phát huy được tài năng, vừa có thêm thu nhập. Nhờ thế, một loạt tên tuổi của cờ vua Thừa Thiên - Huế như: Bảo Trâm, Như Ý, Kim Phụng thay vì chấp nhận mức thu nhập bèo bọt 2 - 3 triệu đồng/tháng, đã có thể tìm đến bến đỗ mới như: Bắc Giang, Hà Nội, Bình Dương để có mức thu nhập cao hơn cả chục lần. Kể từ khi khởi nghiệp, nhà vô địch thế giới Lê Quang Liêm đã kiếm được cả chục tỷ đồng, cao điểm có năm 2 - 3 tỷ đồng. Nguyễn Lê Cẩm Hiền, một kỳ thủ mới chỉ 10 tuổi đã có sổ tiết kiệm nửa tỷ đồng. Tuy đây không phải là mặt bằng chung, song các kỳ thủ Việt ở cỡ tuyển thủ quốc gia cũng có thể sống ổn nhờ chính vào việc đánh cờ lĩnh thưởng. Một điển hình khác chính là gương mặt đang được kỳ vọng Nguyễn Anh Khôi. Mới 15 tuổi, mỗi tháng Khôi đã bỏ túi không dưới 15 triệu đồng tiền chế độ đầu tư của ngành Thể thao TP HCM. Ngoài ra, Khôi còn kiếm thêm được những khoản đáng kể nhờ tài cờ hiếm có. Đơn cử năm 2017, năm mà Khôi đã đoạt tới hai HCV giải trẻ thế giới, em lĩnh thưởng không dưới 500 triệu đồng. Như nhận định của Tổng thư ký Liên đoàn Cờ Việt Nam Nguyễn Anh Thư, dù số kỳ thủ được như Quang Liêm hay Cẩm Hiền rất hiếm, nhưng ngày càng có nhiều kỳ thủ sống ổn, sống tốt từ chính việc kiếm tiền trên bàn cờ. Một giải quốc gia cũng có mức thưởng vài chục triệu đồng cho nhà vô địch, hay một giải quốc tế như HD Bank Cup do Việt Nam đăng cai, có tổng thưởng lên tới 45 nghìn USD. Tầm cỡ từ tuyển thủ quốc gia hay kiện tướng quốc gia đã có thể có thu nhập 20 - 30 triệu đồng, thậm chí 50 triệu đồng/tháng.’
Giống chó được sử dụng tại trường đua chó lớn nhất Việt Nam là Greyhound - loại chó săn có nguồn gốc từ Ireland, giá một con lên tới gần 2.000 USD. Hiện có khoảng 800 con chó loại này được nuôi dưỡng, huấn luyện đặc biệt ở Vũng Tàu. Môn đua chó giải trí này được du nhập về Việt Nam và chính thức cấp phép từ năm 2001 tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Trường đua chó ở Vũng Tàu không quá lớn nên từ khán đài, bạn có thể quan sát được từng sải chân của các chú chó. Đua chó Greyhound được tổ chức vào tối thứ Sáu và tối thứ Bảy hàng tuần (từ 19h15 đến 22h15) và tăng cường ngày đua vào tất cả các ngày lễ, Tết tại sân vận động Lam Sơn, thành phố biển Vũng Tàu. Mỗi kỳ đua được tổ chức 10 trận thi đấu trên cự ly 450m. Để tăng sự phấn khích cho khán giả khi xem đua chó, đơn vị chủ quản sân đua chó được phép tổ chức dự thưởng dựa trên kết quả các trận thi đấu được vận hành bởi hệ thống bán vé dự thưởng và tính điểm hoàn toàn tự động được điều khiển bằng hệ thống máy móc tiên tiến nhập từ nước ngoài.
TDDC của thể thao Việt Nam đang dần phát triển mạnh mẽ không ngừng. Từ tấm HCV đầu tiên của Nguyễn Thị Nga ở SEA Games 19. Tiếp đó SEA Games 23, TDDC cũng đã có được bốn HCV. Sau đó từ năm 2005, TDDC đã có bước chuyển mình khó tin. Tại SEA Games 26, TDDC đã giành 11 trên tổng số 14 HCV, đánh dấu một trong những cột mốc phát triển của bộ môn TDDC nói riêng cũng như của thể thao Việt Nam nói chung. Bước ngoặt lớn nhất mà cho đến nay TDDC đem về cho thể thao nước nhà đó chính là HCV cúp TDDC thế giới 2017 từ thầy trò HLV Trương Minh Sang và Lê Thanh Tùng. “Tôi rất xúc động khi học trò của mình là Lê Thanh Tùng đem về cho đất nước tấm HCV quý giá này. Bởi lúc trước khi chuẩn bị vào chung kết, em ấy có tâm sự với tôi rằng: “Thầy ơi, con run quá! Con sợ mình không làm được…” Lúc đó tôi hiểu rằng Tùng đang bị tâm lý đè nặng trên vai rất nhiều. Do môi trường thi đấu chuyên nghiệp đòi hỏi sự tập trung cao độ. Một phần em ấy còn quá trẻ nên lo lắng trước khi thi đấu là điều không thể tránh khỏi. Nhìn thấy em ấy vượt qua được chính mình để vươn tới đỉnh cao, người làm thầy như tôi hạnh phúc lắm. Tuy nhiên tôi vẫn luôn dặn dò các học trò của mình không nên ngủ quên trong chiến thắng quá sớm. Bởi mục tiêu tới đây còn khó khăn hơn nhiều. Khi mà ASIAD 2018 đã cận kề và tiếp đó là Olympic Tokyo 2020. ” – HLV Trương Minh Sang tâm sự.
Mồ côi mẹ từ nhỏ, nhiều lần suýt bỏ điền kinh vì khổ cực, nhưng Lê Tú Chinh đã vượt qua tất cả, mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam ở các giải điền kinh quốc tế trong thời gian qua. Mỗi cột mốc thành tích với tôi đều đáng nhớ và mang ý nghĩa riêng. Đầu tiên phải kể đến tấm huy chương vàng giải trẻ châu Á tại TP.HCM vào tháng 6.2016. Tôi cùng huấn luyện viên Thanh Hương chuẩn bị rất tốt cho giải nhưng ở cự ly 100 m, tôi thi đấu không đúng phong độ, để huy chương vàng vuột khỏi tầm tay. Tuy nhiên, sau đó ở cự ly 200 m, tôi đã bùng nổ với tấm huy chương vàng. Đó là thành tích quốc tế đáng kể đầu tiên của tôi, nó cũng là động lực lớn để tôi say mê tập luyện. Nhờ đó tôi đột phá với 4 tấm huy chương vàng 100 m, 200 m, 4x100 m, 4x200 m tại giải vô địch quốc gia tháng 11.2016. Tôi đặt mục tiêu đoạt huy chương ở Asiad 2018 diễn ra tại Indonesia, xa hơn là suất chính thức tham dự Olympic 2020 tại Nhật Bản. Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đang xây dựng kế hoạch để tôi cùng huấn luyện viên Thanh Hương sang Mỹ tập huấn dài hạn nhằm nâng cao thành tích.
Luôn có tên trong danh sách tuyên dương “10 công dân trẻ tiêu biểu TPHCM”, các VĐV tài năng của ngành TDTT TPHCM được ví như những “người truyền lửa”, kế thừa đàn anh, đàn chị khơi dậy tinh thần tập luyện và thi đấu không biết mệt mỏi vì sự hưng thịnh của thể thao thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung. Lê Tú Chinh và Lê Thanh Tùng là 2 trong số những tấm gương điển hình như thế… Không phải “con nhà nòi”, lại tìm đến với thể thao thật tình cờ, nhưng giờ đây cả Lê Tú Chinh lẫn Lê Thanh Tùng đều đã tỏa sáng trong màu áo đội tuyển quốc gia, trở thành chỗ dựa và chiếm trọn niềm tin nơi giới làm nghề trong mỗi chuyến xuất ngoại của điền kinh và thể dục dụng cụ. Họ đang tô vẽ cho bức tranh thể thao TPHCM ngày càng tươi tắn và đẹp đẽ hơn…
Năm 2016, cái tên Lê Văn Công với thành tích giành HCV ở Paralympic Rio đã mang lại niềm tự hào cho biết bao người dân Việt Nam. Không dừng lại ở đó, vào những ngày cuối năm 2017 vừa qua, Lê Văn Công lại tiếp tục làm nức lòng người hâm mộ nước nhà khi anh lập nên kỳ tích với chiếc huy chương vàng và phá kỷ lục thế giới hạng 49kg tại Giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới 2017 diễn ra ở Mexico. Năm qua cũng đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đời khi anh đã có căn nhà mới khang trang sau bao năm cố gắng. Đô cử Lê Văn Công chia sẻ, căn nhà mới mà hai vợ chồng anh vừa mua là thành quả của bao nhiêu năm hai vợ chồng tích góp, cả từ tiền thưởng khi thi đấu lẫn số tiền từ việc làm nghề điện tử của anh. Căn nhà mới được trang hoàng đơn giản, những chiếc cup, huy chương, danh hiệu… anh không trưng bày hết mà chỉ để trong một tủ nhỏ. Ít ai biết ngoài khả năng nâng tạ cả thể giới nể thì Lê Văn Công còn là một anh thợ lành nghề với khả năng sửa chữa lắp ráp các thiết bị âm thanh. Công việc này giúp anh có được khoản thu nhập ổn định mà theo anh chia sẻ là "nhiều khi đơn hàng không đáp ứng hết". Xuân Mậu Tuất đang tới gần, chị Chu Thị Tám – vợ anh Công vẫn khiêm tốn cho biết, gia đình dù có nhiều niềm vui nhưng cũng chỉ mua sắm, ăn Tết như mọi năm. Nhưng chắc chắn, Tết này là cái Tết vui nhất khi đô cử Lê Văn Công đã lập cú đúp cả về thành tích thể thao và ngôi nhà của cuộc đời: “Có thể nói năm nay đón Tết rất đặc biệt bởi vừa chuyển tới căn nhà mới và có nhiều thành công mới trong năm qua. Gia đình cũng đã bắt đầu chuẩn bị để đón Tết và sẽ có cái Tết đầm ấm nhất trong mấy năm qua”.
Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 44 - Vì hòa bình và Giải Bóng bàn các Câu lạc bộ Hà Nội mở rộng, tranh Cúp Báo Hànộimới lần thứ V năm 2017 đã diễn ra thành công. Đọng lại ở các giải thể thao gắn với thương hiệu Báo Hànộimới này là niềm vui, tự hào và đậm sức lan tỏa. Còn Giải Bóng bàn các CLB Hà Nội mở rộng, tranh Cúp Báo Hànộimới lần thứ V năm 2017 lại mang đến những niềm vui khôn tả cho người đam mê bóng bàn. Nếu không có Giải Bóng bàn các CLB Hà Nội mở rộng, tranh Cúp Báo Hànộimới, thì năm 2017, Hà Nội không có giải đấu nào diễn ra ngắn ngày, thu hút nhiều đối tượng đến vậy. Có rất nhiều lời hẹn tham dự Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày ra đời giải đấu cũng như Giải Bóng bàn các CLB Hà Nội mở rộng, tranh Cúp Báo Hànộimới lần thứ VI năm 2018. Đáp lại lời hẹn ấy đang là những việc làm thiết thực của nhà tổ chức như mở rộng đối tượng tham dự là người nước ngoài; đồng thời, nâng Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình thành một sản phẩm du lịch thực thụ tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Hay như xem xét đưa thêm nội dung chuyên nghiệp nữ vào Giải Bóng bàn các CLB Hà Nội mở rộng, tranh Cúp Báo Hànộimới lần thứ VI năm 2018. Đó là kỳ vọng và động lực để người làm báo Hànộimới tiếp tục làm mới mình, giúp những giải đấu mang thương hiệu Hànộimới ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.
Theo võ sư Hồ Tường, Cẩu quyền còn gọi là Địa thuật khuyển pháp, là quyền pháp có gốc từ Thiếu lâm Bắc phái, có cả quyền, cước và được truyền bá ở nhiều nơi. Rất ít người biết đến thế võ Cẩu quyền vì chỉ một vài võ sư được học. Năm 1935, cha của võ sư Hồ Tường là võ sư Hồ Văn Lành được võ sư Huỳnh Bá Phước truyền dạy Cẩu quyền và võ sư Hồ Tường được cha truyền dạy Cẩu quyền khi ông còn là thiếu niên. Chia sẻ về nguyên nhân thế võ Cẩu quyền ít được truyền dạy và phổ biến rộng rãi, võ sư Hồ Tường cho biết: Cẩu quyền hiện nay không có nhiều môn phái võ thuật cổ truyền lưu giữ vì các thế võ này ít có sự chuyển động cố định và có nhiều đòn sát thủ gây nguy hiểm cho đối phương. Các võ sư không muốn các học trò của mình dùng đòn thế nguy hiểm đối với đối phương, làm mất đi khẳng khái, phóng khoáng của võ thuật. Đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền thế võ Cẩu quyền, võ sư Hồ Tường đang ra sức truyền dạy cho võ sinh. Các võ sinh Nguyễn Trung Nam, Nguyễn Văn Trong, Nguyễn Hoàng Anh Khoa, Nguyễn Hoàng Thanh Ái, Nguyễn Văn Thắng… đã học các thế Cẩu quyền hơn một năm nay và gần như biểu diễn được các thế trong Cẩu quyền, có thể tiếp tục tập luyện và truyền dạy cho các lớp đàn em sau này.
BÓNG ĐÁ VÀ CÁC TIN LIÊN QUAN
Không chỉ tỏa sáng ở đấu trường châu Á, những Quang Hải, Công Phượng, Duy Mạnh còn chiếm suất đá chính tại câu lạc bộ và là những ngôi sao sáng của V-League. Chiến tích của U23 Việt Nam tại giải châu Á 2018 là thành tích tốt nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Thông qua giải đấu, rất nhiều cầu thủ U23 Việt Nam đã trưởng thành và tiến bộ vượt bậc. Nhưng không phải ai trong số họ cũng nghiễm nhiên có suất đá chính tại câu lạc bộ. “Thủ thành quốc dân” Bùi Tiến Dũng là trường hợp đáng lo nhất ở U23 Việt Nam. Tại V-League mùa trước, Tiến Dũng chỉ là sự lựa chọn thứ hai trong khung thành Thanh Hóa sau thủ thành Thanh Thắng. Mới đây, FLC Thanh Hóa đã mua thêm cựu thủ môn U23 Việt Nam Bửu Ngọc. Cuộc cạnh tranh trong khung gỗ Thanh Hóa sẽ càng khốc liệt hơn. hần còn lại của đội hình tuyển U23 đều đang có suất đá chính hoặc đã nằm trong kế hoạch chiến lược của các đội bóng V-League. Tại hàng thủ, Lê Văn Đại là tuyển thủ U23 chơi ít nhất tại V-League vẫn có 11 trận ra sân mùa 2017. Thành Chung (13 trận) hay Đoàn Văn Hậu (11 trận) đều nằm trong chiến lược của Hà Nội còn Bùi Tiến Dũng, Phạm Xuân Mạnh, Đỗ Duy Mạnh, Vũ Văn Thanh và Trần Đình Trọng đều đang đá chính. Số 4 Bùi Tiến Dũng thậm chí còn là đội trưởng, thủ lĩnh của Viettel ở giải Hạng Nhất. Mùa tới, đội bóng của Tiến Dũng đặt mục tiêu thăng hạng V-League.
Khoảnh khắc hơn 20.000 khán giả vỡ òa cảm xúc khi Nam Định giành chức vô địch Giải hạng Nhất 2017 là kết quả xứng đáng sau một quá trình nỗ lực của thầy trò HLV Văn Sỹ. Trải qua nhiều quãng nghỉ, Giải hạng Nhất mùa giải năm 2017 tạo một áp lực không nhỏ lên quỹ lương của CLB Nam Định. Mặt khác cũng khiến cho đội bóng phải tự đặt ra bài toán kinh tế hợp lý để làm sao có thể duy trì tính ổn định cho các cầu thủ. Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, vấn đề nan giai mà bóng đá Nam Định đang gặp phải đó chính là tâm lý đã 7 năm rồi vẫn chưa trở lại sân chơi bóng đá lớn nhất. Nhưng chính nhờ lòng kiên trì, bền bỉ cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ mà CLB Nam Định đã vô địch giải hạng Nhất 2017 để góp mặt trở lại sân chơi V-League. Theo HLV Văn Sỹ, trong thời gian tới, CLB Nam Định sẽ có những bài huấn luyện cao hơn nữa để giúp các cầu thủ nâng cao thể lực và chuyên môn. Từ đó có thể cống hiến hết mình cho người hâm mộ những trận đấu tốt nhất.
Những ngày đầu năm 2018, bóng đá Việt Nam đón nhận một sự kiện rất vui, đó là khi đội tuyển U23 của chúng ta đã giành ngôi Á quân giải U23 châu Á 2018. Với Việt Nam, thành tích ấy là trăm năm có một, là lịch sử chưa từng có, là địa chấn, là niềm hâm hoan của cả dân tộc. Tất cả sự tiến bộ của các cầu thủ Việt Nam, bắt đầu từ công tác đào tạo trẻ. Năm 2007, NHM bóng đá Việt Nam ngỡ ngàng khi CLB Hoàng Anh Gia Lai công bố chương trình hợp tác đào tạo trẻ với Arsenal, một trong những đội bóng nổi tiếng nhất thế giới về lĩnh vực này. Lứa cầu thủ năm ấy, với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… đang trở thành những trụ cột của U23 Việt Nam và cả ĐTQG Việt Nam. Sau HAGL, đã có nhiều lò đào tạo trẻ khác được sản sinh ra như Viettel, PVF, Nutifood... Đó sẽ là những cái nôi mới cho các cầu thủ trẻ của Việt Nam sau này, nhưng những thành quả thì chúng ta đã có thể gặt hái ngay từ bây giờ.
heo chia sẻ mới đây từ phía CLB HAGL, đội bóng đang khai thác rất tốt hình ảnh các cầu thủ ở đội 1 như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh,… Nói cụ thể về chuyện này, ông Nguyễn Tấn Anh, trưởng đoàn bóng đá HAGL cho hay: “Nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp mời cầu thủ HAGL làm đại diện hình ảnh. Chúng tôi rất vui vì điều đó nhưng cũng tư vấn cho các em để lựa chọn nơi hợp tác phù hợp với định hướng hoạt động của CLB. Không những vậy, các cầu thủ HAGL cũng phải trích một phần trong số tiền bản quyền hình ảnh cho CLB nhằm sử dụng vào mục đích tái đầu tư. Trưởng đoàn Tấn Anh cho biết thêm: “Cầu thủ phải san sẻ quyền lợi với đội bóng. Và chúng tôi sẽ dùng khoản này để đầu tư cho bóng đá trẻ. Cầu thủ sẽ nhận từ 50-70% tùy vào trường hợp cụ thể”. Hiện tại, nhiều cầu thủ HAGL đang quảng cáo cho sản phẩm sữa VPMilk, nhà tài trợ chính của đội bóng phố Núi tại V-League. Ngoài ra một số cầu thủ nổi tiếng như Công Phượng còn tham gia quảng cáo riêng. Số tiền này sẽ giúp các cầu thủ có thêm động lực phấn đấu để duy trì phong độ và sức mạnh để tiếp tục cống hiến cho bóng đá Việt.
Kết thúc vòng chung kết U23 châu Á, Phan Văn Đức và người đồng hương Phạm Xuân Mạnh dành tiền thưởng làm từ thiện. Riêng tiền vệ Phạm Xuân Mạnh, người được xem là có hoàn cảnh khó khăn nhất đội tuyển U23 Việt Nam đã mang chiếc áo đấu tại giải châu lục có chữ ký của tất các cầu thủ U23 Việt Nam tặng cho CLB Thiện nguyện Yên Thành, Nghệ An. Sau một thời gian kêu gọi bán đấu giá, chiếc áo này đã được chốt lại với mức giá 10.000 bảng Anh (tương đương 330 triệu đồng) bởi Hội đồng hương Nghệ An tại Birmingham (Anh). Toàn bộ số tiền này được sử dụng cho việc làm từ thiện. Trước khi số tiền được chuyển về vào đầu năm mới Mậu Tuất 2018, Quỹ từ thiện đã trích trước mua 130 phần quà cùng Xuân Mạnh trao tặng cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn huyện Yên Thành.
Trao đổi với báo chí ở quê nhà Hàn Quốc về đội tuyển U23 Việt Nam, HLV Park Hang Seo đã bày tỏ những lo ngại với các học trò: “Các cầu thủ đang nhận được nhiều tình yêu thương, thật sự là quá nhiều. Họ cũng phải tham gia rất nhiều sự kiện. Tôi sợ rằng điều đó sẽ khiến họ ngạo mạn”. Trong cuộc trao đổi của mình, vị chiến lược gia người Hàn Quốc bày tỏ sự cảm ơn tình yêu của người hâm mộ đã dành cho đội tuyển U23 Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, vị chiến lược gia 59 tuổi bày tỏ hy vọng các tuyển thủ giữ được sự tập trung sau kỳ nghỉ Tết kéo dài: “Tháng 3 tới, đội tuyển Việt Nam lại có trận đấu. Tôi không biết họ có thể trở lại sau Tết với tinh thần và thể lực bình thường không. Tôi cảm ơn tình yêu của người hâm mộ nhưng mong là các cầu thủ có thể nhanh chóng trở về với vị trí vốn có để tập trung luyện tập, thi đấu”.
Nhân dịp VCK Asian Cup nữ 2018 sẽ khởi tranh tại Jordan sau 2 tháng tới đây, trang chủ AFC đã tiến hành giới thiệu đại diện tiêu biểu của 8 đội bóng gồm Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, chủ nhà Jordan và ĐT nữ Việt Nam. Đội với đội tuyển Việt Nam, tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung là gương mặt được AFC lựa chọn để giới thiệu. Trang này mô tả: "Tuyết Dung là một tiền vệ cánh có tốc độ và kỹ thuật thiên phú. Cô luôn là nguồn sáng tạo cho đội tuyển nữ Việt Nam. Cầu thủ mặc áo số 7 đã ghi 4/27 bàn thắng của đội tuyển ở vòng loại.
Trong bảng xếp hạng FIFA được công bố vào ngày hôm qua 15/2, bóng đá Việt Nam giữ nguyên hạng 112 thế giới với 298 điểm, bảo toàn vị trí dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 16 châu Á. "Những chiến binh sao vàng" xếp trên Thái Lan với cách biệt 62 điểm. Philippines đứng thứ hai trong khu vực (hạng 123 thế giới), xếp sau họ lần lượt là Thái Lan (hạng 129), Myanmar (142), Indonesia (160), Campuchia (172), Singapore (173), Malaysia (175), Lào (183), Brunei (190) và Timor-Leste (191).
Trung tâm Thông tin TDTT