THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO
Ngày 12/1, tay vợt 13 tuổi Võ Quốc Uy đã có màn trình diễn ấn tượng tại giải quần vợt U.14 châu Á (nhóm 2) - Cúp Hưng Thịnh diễn ra tại CLB quần vợt Phú Thọ (TP HCM) khi giành quyền vào chơi cả 2 trận chung kết đơn và đôi. Trong trận bán kết, Quốc Uy đã đánh bại tay vợt Rakib Hossain (Bangladesh) với tỷ số 2-0 (6/2, 6/1). Đây là chiến thắng đầy thuyết phục của Quốc Uy vốn được chọn là hạt giống số 1 đơn nam. Đối thủ của Quốc Uy ở chung kết diễn ra ngày mai (13/1) là tay vợt Taym Alazmeh (Syria). Trận chung kết hứa hẹn hấp dẫn khi 2 tay vợt này được đánh giá cân tài, cân sức. Không những xuất sắc vào chung kết đơn nam, Quốc Uy đứng cùng Dương Thiên Quang còn giành quyền vào chung kết đôi nam sau chiến thắng 2-0 (6/0, 6/1) trước Sami Zeb Khan/Kumar (Pakistan).
Tại SEA Games 29, cung thủ điển trai 21 tuổi Đức Anh từng gây sốc khi đoạt tấm HCV lịch sử ở nội dung cung một dây cá nhân nam. Sau khi lập đại công, người hùng được ví như Robin Hood của bắn cung Việt Nam thay vì trở thành một ngôi sao bỗng dưng mất hút, để âm thầm nhắm tới đích giành huy chương Asian Games 2018 và xa hơn là một suất Olympic. Đức Anh có thể cho rằng mình may mắn, song với các nhà quản lý và huấn luyện của bắn cung Việt Nam, đây là một thành quả hoàn toàn xứng đáng, thuyết phục, chứng tỏ một bước đột phá ngoạn mục của cậu học trò siêng năng. àng đáng nể hơn khi Đức Anh lập kỳ tích trong điều kiện vô cùng thua thiệt khi ngoài chiếc cung “xịn” trăm triệu đồng, anh chỉ được tập luyện với số tên bằng 1/4 mặt bằng chung quốc tế, mỗi năm vài đợt xuất ngoại tập huấn thi đấu và có mức thu nhập chỉ xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng. “Em hiện vẫn là VĐV theo diện hợp đồng nên chỉ có tiền công tập luyện. Gia đình em bố mẹ đều làm nông nghiệp, cuộc sống khá chật vật nhưng em cũng không đỡ đần được nhiều. Chỉ là cái nghiệp nó vận vào thân, thêm bố mẹ động viên nên em quyết tâm theo đuổi”,
BÓNG ĐÁ VÀ CÁC TIN LIÊN QUAN
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cuộc đối thoại "Phát triển bóng đá Việt Nam" sẽ diễn ra vào chiều 13-1 tại Hà Nội. Rất nhiều câu hỏi của giới chuyên môn, các cựu cầu thủ, quan chức thể thao, đại diện các địa phương, người hâm mộ... đã được chuyển tới Văn phòng Chính phủ và Tổng cục TDTT. Những thắc mắc, chất vấn của người hâm mộ về các vấn đề quan trọng của bóng đá đã được lập thành danh sách câu hỏi đặt lên bàn đối thoại. Cơ quan có trách nhiệm trả lời gồm: Bộ VH-TT&DL, Bộ GD&ĐT, Tổng cục TDTT, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vấn đề nào thuộc trách nhiệm trả lời của Bộ, ông sẽ mời Bộ, của Liên đoàn sẽ mời Liên đoàn và nếu yêu cầu Chính phủ thì ông sẽ mời đại diện Chính phủ. "Cứ bên hỏi, bên trả lời, từ đó sẽ ra vấn đề", Phó Thủ tướng nói.
Theo kế hoạch, hôm nay 13-1, Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT, LĐBĐ Việt Nam (VFF) và Công ty VPF, điều hành V-League, sẽ cùng tham gia trả lời những câu hỏi đến từ cộng đồng bóng đá trong cuộc đối thoại theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Sự kiện này được kỳ vọng là “Hội nghị Diên Hồng” thật sự của bóng đá Việt Nam sau vô số các cuộc hội thảo khác từng được tổ chức nhưng không đi được đến đâu. Tổng hợp từ các câu hỏi, bóng đá Việt Nam hiện đang có 3 nhóm vấn đề chính cần giải quyết. Thứ nhất, đó là sự vận hành của “xương sống nền bóng đá”, tức là V-League. Giải đấu này đang đi ngược thông lệ chung của thế giới khi mà số lượng CLB nhiều gấp đôi so với các giải thấp hơn, tạo nên một hình tháp ngược. Thứ hai, là gốc rễ của nền bóng đá: hệ thống đào tạo. Cuối cùng, đó là tầm nhìn chiến lược của Tổng cục TDTT và VFF, 2 cơ quan tham mưu cho Chính phủ các vấn đề về bóng đá. Tóm lại, điểm chung của 3 vấn đề trên đó là về mặt hình thức thì đúng bài bản nhưng quá trình thực hiện thì luôn theo kiểu “giật gấu vá vai” và nặng căn bệnh thành tích. Nó là hệ quả của việc có quá nhiều người nói nhưng ít người làm trong bộ máy quản trị nền bóng đá hiện tại.
Nếu nền bóng đá là một hình chóp thì đội tuyển quốc gia là đỉnh, giải vô địch quốc gia và bóng đá trẻ là đáy. Đáy có sâu và rộng, vững và mạnh thì đỉnh mới cao. Đấy là quy luật bất biến của mọi nền bóng đá trên thế giới. Chiếu quy luật ấy vào bóng đá Việt Nam, chúng ta sẽ lập tức nhìn thấy nghịch lý. .League là hạng đấu cao nhất trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam với sự tham gia của 14 CLB. Giải hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba lần lượt có 7, 16 và 7 đội góp mặt. Với những con số ấy, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam giống một hình tháp ngược hơn là hình nón. Giải hạng Nhất chỉ có 7 đội tham dự nên nguồn cung cho V.League bị giảm đi rõ rệt. Điều đó khiến kết cấu của V.League trở nên mong manh, dễ biến động. Từ năm 2013 tới nay, số lượng đội tham dự V.League đã thay đổi ít nhất 3 lần. Đó là chưa nhắc tới những trường hợp bất ngờ bỏ giải như An Giang, Ninh Bình hay Kiên Giang. Để duy trì con số 14 đội V.League, VPF đã làm mọi cách. Họ phớt lờ các quy chế chuyên nghiệp, tiến hành các cuộc kiểm tra qua loa. Họ chấp nhận những mặt sân lồi lõm, những khán đài hư hỏng. Với họ, nỗi sợ bỏ giải còn lớn hơn nỗi sợ chất lượng giải đi xuống.
Điều mà những ai hiểu về bóng đá Việt Nam, hiểu về truyền hình ở Việt Nam và việc V-League “cần” truyền hình thì món hàng V-League gần như là không thể bán. Ngược lại, có khi lại là mất rất nhiều tiền để được nhà đài chiếu cho mọi người xem. Thực chất nói làm bóng đá để phục vụ thì không sai nhưng phần mà các nền bóng đá chuyên nghiệp đều bán được mà ta thì có khi lại mất tiền rất nhiều cho cái mà lẽ ra phải bán được để lấy tiền tái đầu tư thì quá bất hợp lý.Lâu nay, xem những trận truyền hình trực tiếp thấy quanh đi quẩn lại chỉ là những quảng cáo trước, giữa và sau trận những doanh nghiệp quen thuộc như Tập đoàn HA Gia Lai, ĐT Long An, Sứ Thiên Thanh, Hino… chỉ là ở dạng… trao đổi nhau. Và nói như giới bóng đá thì làm theo cơ chế đó là nhà đài đã quá ưu ái rồi.Bóng đá Việt Nam cứ nói là làm chuyên nghiệp nhưng riêng cái khoản bản quyền truyền hình bán không được hoặc cho mà mất tiền thì không thể tồn tại hai chữ chuyên nghiệp đúng nghĩa.
"Về cơ bản, bóng đá Việt Nam cũng có những bước tiến đáng ghi nhận, rõ ràng nhất là công tác đào tạo trẻ. Bên cạnh futsal, bóng đá nữ và đội tuyển quốc gia, cả ba đội bóng trẻ (U16, U19, U23) đều lọt vào vòng chung kết châu Á - kỳ tích chưa từng có. Chúng ta không còn "xây nhà từ nóc" như ngày xưa, khi các đội bóng đã chú trọng hơn đến bóng đá trẻ. Với nền móng chắc chắn từ công tác đào tạo trẻ bây giờ, chỉ cần V-League ổn là đội tuyển quốc gia sẽ ổn. Còn nếu không, các đội tuyển của chúng ta sẽ tiếp tục bất ổn khi bước ra sân chơi quốc tế dù sở hữu không ít cầu thủ chất lượng. Tại sao đội tuyển đá mà khán giả xem cứ giật mình và lo lắng về những lỗi sơ đẳng mà cầu thủ có thể mắc phải như vậy? Không nói đâu xa, sự bất ổn của đội tuyển chính là ánh xạ từ V-League.
Mới đây, trang chủ của FIFA đã có bài viết nói về sự phát triển nhanh chóng của bóng đá Việt Nam. Cơ quan bóng đá lớn nhất thế giới rất ấn tượng với sự vươn lên mạnh mẽ của thầy trò HLV Park Hang Seo. FIFA viết: "Như thường lệ, cuối năm qua bóng đá thế giới diễn ra tương đối êm ả, với sự thay đổi rất nhỏ trên BXH FIFA. Tuy nhiên, đã có những sự thay đổi lớn ở khu vực Đông Nam Á, với sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của HLV Hàn Quốc Park Hang Seo, đội tuyển Việt Nam đã tăng tới 13 bậc, vươn lên vị trí thứ 112 và trở thành đội bóng châu Á có mức thăng tiến tốt nhất. Điều mà bóng đá Việt Nam đặc biệt gây ấn tượng với FIFA chính là sự chuyển giao thế hệ mạnh mẽ và thành công. Việt Nam đang có những cầu thủ trẻ tài năng, chắc chắn họ sẽ còn thăng tiến hơn nữa trên bảng thứ tự của FIFA".
Kênh truyền hình FOX Sports khu vực châu Á khi trực tiếp trận đấu đã tấm tắc khen màn trình diễn của U.23 Việt Nam, nhất là trong 30 phút đầu trận với bàn mở tỷ số của tiền vệ Quang Hải ghi phút 17 là “siêu phẩm”, “tuyệt vời hết chỗ nói”. Kênh FOX Sports cũng nhận định: “U.23 Việt Nam đã chọn chiến thuật 5-4-1 hết sức hợp lý để đối chọi lại U.23 Hàn Quốc vượt trội nhiều mặt. Cách đá phòng ngự phản công của U.23 Việt Nam sắc nét và nguy hiểm hơn hẳn so với cách chơi tương tự của 2 đội trong khu vực đã ra quân và đều thua là U.23 Thái Lan trước CHDCND Triều Tiên (0-1) và U.23 Malaysia trước Iraq (1-4)”. Tuy nhiên, điều đáng nói theo các kênh FOX Sports hay trang web chính thức của LĐBĐ châu Á (AFC) nhận định: “U.23 Việt Nam đã không dễ bị khuất phục, chơi dưới cơ nhưng đã tạo được không ít cơ hội phản công sắc lẹm và tận dụng rất tốt cơ hội có được để ghi bàn”.
Như các thông tin đã đưa, sau một mùa giải thi đấu không thành công ở CLB Hà Nội, tiền đạo Nguyễn Văn Quyết đã đưa ra đề nghị được chuyển đến một môi trường thi đấu mới nhằm khơi dậy nhiệt huyết thi đấu. Tuy nhiên theo một thông tin mới nhất trong ngày hôm nay 12/1, cầu thủ đang giữ băng thủ quân ĐT Việt Nam đã lựa chọn phương án ở lại CLB Hà Nội, thay vì chuyển sang Malaysia khoác áo CLB Kedah thi đấu. Quyết định này có sự thống nhất với CLB Hà Nội. Như vậy, Văn Quyết sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam đá V-League 2018.
Trung tâm Thông tin TDTT