ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG TDTT SÁNG 29. 11. 2017

  THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO

Thanhnien Kỳ thủ 15 tuổi Anh Khôi vô địch giải cờ vua đấu thủ mạnh toàn quốc

Sau 9 ván đấu, Anh Khôi đạt thành tích bất bại với 5 ván thắng, 4 ván hòa. Ấn tượng nhất là đánh bại hạt giống số 1 Nguyễn Đức Hòa ở  ván thứ 7 cũng là ván đấu mang tính chất quan trọng trong cuộc đua đến danh hiệu vô địch. Đồng đội của Anh Khôi là Phạm Chương hạng nhì và Nguyễn Hoàng Nam (Quân đội) hạng ba. Như vậy sau lần đầu đăng quang ở giải hạng nhất quốc gia 2016, Nguyễn Anh Khôi cũng có được tấm HCV đầu tiên ở giải đấu thủ mạnh toàn quốc. Trước đó hồi tháng 7, kỳ thủ này cũng thi đấu thăng hoa giúp TP.HCM đoạt ngôi vô địch đồng đội toàn quốc. Ở nội dung cờ tiêu chuẩn nữ, kỳ thủ xinh đẹp Võ Thị Kim Phụng (Bắc Giang) đoạt HCV với 7 điểm sau 9 ván đấu. 2 kỳ thủ xếp nhì và ba đều của đơn vị TP.HCM là Bạch Ngọc Thùy Dương, Nguyễn Thị Thanh An. 

Lao động Quẳng đi gánh lo “cơm áo gạo tiền”

Có thể nói, điều mừng nhất là nhiều đội bóng chuyền đang thi đấu tại giải vô địch toàn quốc đã yên tâm nuôi quân, đào tạo sau khi có nguồn lực tài trợ mạnh mẽ. Mô hình hoạt động của các đội bóng chuyền Việt Nam hiện vẫn đang theo 2 cách, gồm các đội do doanh nghiệp quản lý hoàn hoàn và các đội thuộc lực lượng vũ trang, hoặc địa phương quản lý và tìm được thêm tài trợ. Với nhóm đội được doanh nghiệp quản lý, nhìn chung đời sống VĐV, HLV là khá so với mặt bằng chung. Lương và thu nhập của VĐV tại những đội bóng này thường cao, không thấp hơn 15 triệu đồng/tháng. Đơn cử có thể kể ra vài cái tên như: Nữ VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công Thương, Hóa chất Đức Giang Hà Nội. Tại làng bóng chuyền Việt Nam, đội nam Tràng An Ninh Bình là mô hình được đông đảo đội bóng ngưỡng mộ khi VĐV và HLV được ổn định đời sống từ lương đến thưởng. Đội bóng trên hoàn toàn do Sở VH-TT tỉnh Ninh Bình quản lý chứ không phải doanh nghiệp. Đội bóng này được ngưỡng mộ cũng có nguyên do bởi tỉnh Ninh Bình đầu tư, phát triển không nhiều môn thể thao thành tích cao nên bóng chuyền được chọn làm mũi nhọn và vì thế nhận sự ưu tiên trên hết nhằm đạt kết quả thi đấu cao nhất.

Zing Người yêu bowling thủ đô có thêm giải đấu để nâng cao trình độ

gay sau giải vô địch quốc gia, người hâm mộ môn bowling sẽ có cơ hội dõi theo giải Hà Nội Hero World Open diễn ra vào 2 ngày 1/12 và 2/12 tại Hà Nội. Sắp tới, những vận động viên cũng như người người có niềm đam mê với bộ môn bowling sẽ có cơ hội cọ xát và tranh tài tại giải Bowling Heroworld Open 2017, tại trung tâm bowling Heroworld The Garden Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đây đã là lần thứ 3 Heroworld phối hợp với Trung tâm HL & TDTDTT Hà nội tổ chức giải. Đặc biệt, giải sẽ không chỉ dành cho các vận động viên chuyên nghiệp mà các vận động viên nghiệp dư cũng có cơ hội thi đấu nâng cao trình độ.

BÓNG ĐÁ VÀ CÁC TIN LIÊN QUAN

Nhân dân Đội tuyển U23 quốc gia chính thức tập trung vào ngày 1-12

Vào ngày 1-12 tới, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ chính thức hội quân để chuẩn bị cho giải bóng đá M-150 diễn ra tại Thái-lan với nhiều đối thủ mạnh tầm cỡ châu lục tham dự. Dù chỉ là giải giao hữu quốc tế nhưng M-150 có ý nghĩa quan trọng với đội tuyển trước thời điểm khởi tranh vòng chung kết U23 châu Á 2018. Danh sách tập trung dù đã khá nhiều cầu thủ nhưng HLV Park cho biết sẽ tiếp tục trao đổi với Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede và các thành viên trong ban tuyển chọn VFF để gọi bổ sung thêm một số gương mặt thi đấu nổi bật và có phong độ cao tại Giải U21 Báo Thanh Niên 2017 tới đây.

TTVH Chuyên gia tin Văn Quyết có thể chơi tốt tại Thai League

Chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải tỏ ta không hề ngạc nhiên trước thông tin, CLB Buriram United, nhà đương kim vô địch Thai League 1 đang rất muốn chiêu mộ tiền vệ Nguyễn Văn Quyết. Theo ông Hải, Văn Quyết hoàn toàn có đủ trình độ và năng lực để có thể chơi bóng ở Thái Lan. “Trên thực tế, trình độ bóng đá Thái Lan hơn hẳn Việt Nam 1 bậc và giải vô địch quốc gia của họ có chất lượng cao. Tôi nghĩ chỉ một số cầu thủ của Việt Nam như Văn Quyết có thể thi đấu tốt tại Thai-League mà thôi. Thế nên chúng ta chưa thể vội vàng đánh giá từ sự quan tâm của CLB Thái Lan tới Văn Quyết mà cho rằng trình độ của các cầu thủ Việt đã được nâng tầm.

Lao động Cải cách bóng đá Việt: Toàn hệ thống phải vận động...

Khi bóng đá Việt Nam có cả đầy rẫy những vấn đề tiêu cực ở V.Legue, nhiều ý kiến đưa ra rằng những người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và cần cải tổ bộ máy lãnh đạo. Thế nhưng, câu chuyện có phải chỉ nằm ở khâu tổ chức? Để đưa một nền bóng đá đến sân chơi số 1 thế giới, không chỉ là câu chuyện của riêng PVF. Điều đó phải được xây dựng bằng sự đồng bộ từ Liên đoàn, các câu lạc bộ và giải đấu V.League. Hay nói đúng hơn, giấc mơ World Cup cần phải được chung tay của toàn xã hội chứ không chỉ một cá nhân đơn lẻ, dẫu biết rằng đường hướng của đơn vị đó là ưu việt và là điều hướng đến sự tốt đẹp cho bóng đá Việt Nam.

Tiền phong VFF thay đổi đại diện vốn góp ở VPF

Đại hội đồng cổ đông VPF nhiệm kỳ 2017-2020 theo kế hoạch sẽ được tổ chức tại Hà Nội ngày 3/12. Tin của Tiền Phong cho biết tại đại hội, VFF dự kiến sẽ thay đổi người đại diện phần vốn góp ở VPF. Cụ thể, 3 đại diện của VFF sẽ gồm Uỷ viên Thường trực Trần Anh Tú, TTK Lê Hoài Anh và bà Đinh Thu Trang-Kế toán trưởng. Trước đây, đại diện phần vốn góp của VFF ở VPF là các ông Trần Quốc Tuấn-Phó chủ tịch thường trực phụ trách chuyên môn, bà Đinh Thu Trang và ông Phạm Ngọc Viễn. VPF được thành lập năm 2011 và tới năm 2012 chính thức được VFF giao quyền tổ chức, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, gồm V-League-được xem là “miếng bánh” lớn nhất. Mỗi năm, VPF chỉ phải chuyển lại VFF 10 tỷ đồng phục vụ đào tạo trẻ và hoạt động của các ĐTQG. Tại VPF, VFF nắm số cổ phần chi phối 34,5%.

TTVH Vẫn cần một 'Hội nghị Diên Hồng bóng đá Việt Nam'

Bóng đá Việt Nam vẫn cần một “Hội nghị Diên hồng” đúng nghĩa. Ở đó, Bộ VH,TT&DL, Tổng Cục TDTT, VFF phải chủ trì điều hành hội nghị. Chỉ có thế mới mong tập trung được nhiều trí tuệ giúp cho bóng đá nước nhà tìm được đường sáng. Đến thời điểm này, có thể thấy VPF và VFF đã đi những nước cờ chưa chuẩn. Ví như việc hạn chế các suất đăng ký ngoại binh, cũng như "Tây" nhập tịch/CLB ở V-League và giải hạng Nhất, bắt đầu được khởi xướng và tiến hành từ mùa giải 2012, đã mang lại rất nhiều hệ luỵ. Sự nở rộ của các Học viện - Trung tâm đào tạo trẻ (đào tạo gà nòi) và hệ thống bóng đá Học đường, phong trào nở rộ trong một đôi năm qua, là tốt. Nhưng một khi môi trường và chất lượng V-League không được cải thiện, chúng ta khó đưa nền bóng đá cất cánh. Bởi, các ĐTQG, nhất là ĐTQG mới là thước đo trình độ nền bóng đá phát triển ở mức độ nào. Vậy nên, rất cần tổ chức một “Hội nghị Diên Hồng bóng đá” đúng nghĩa. Mặt khác, trước thềm Đại hội VFF khóa mới, công tác chuẩn bị nhân sự cần được đặt làm kế hoạch trọng tâm từ nay đến cuối năm.

PL TPHCM Giám đốc kỹ thuật của VFF làm gì?

Hơn một năm VFF ký hợp đồng trả lương cho Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede nhưng vai trò và chất xám của chuyên gia người Đức này chưa phát huy hoặc chưa được tận dụng đầy đủ. Sau nhiều năm vắng bóng GĐKT, năm ngoái VFF mới ký hợp đồng với ông Jurgen Gede trong hai năm. Tuy nhiên, làng bóng hầu như không biết đến sự hiện diện của ông Gede ở các đội tuyển quốc gia, trừ mỗi đội U-19 Việt Nam. Thậm chí ở SEA Games 29, ông GĐKT này cũng không có suất ở đội nam lẫn đội nữ và thay vào đó là đi làm “trinh sát” các trận của U-22 Việt Nam. Không nhiều người biết năng lực GĐKT Gede ra sao, hay chỉ thuộc riêng cho lứa U-19 của HLV Hoàng Anh Tuấn, hoặc VFF chưa tận dụng đầy đủ chất xám của chuyên gia người Đức! Cho nên bóng đá Việt Nam luôn mang tiếng có đội ngũ GĐKT, HLV ngoại rất bài bản, khoa học như những đại quốc bóng đá thế giới nhưng rốt cuộc chẳng có ăn nhập gì với nhau.

Lao động Bầu chọn danh hiệu Quả bóng vàng 2017: Đừng xem Văn Quyết là “tội phạm”!

Một năm mà bóng đá Việt Nam không mấy thành công ở cấp độ U.22 và ĐTQG, thành tích ở cấp CLB sẽ là yếu tố quyết định và BTC “chọn mặt gửi bóng Vàng”. Thế nên, 3 cái tên nổi lên là Anh Đức - với danh hiệu Vua phá lưới mùa giải 2017, Văn Quyết của Hà Nội và Thanh Trung của nhà vô địch Quảng Nam. Pha giật cùi chỏ vào mặt người đồng đội ở ĐTQG là Xuân Tú khiến Văn Quyết bị quy thành vấn đề đạo đức, trong thời điểm anh đeo băng Đội Trưởng ĐTQG. Tuy vậy, đó chỉ với một tình huống bóng đá do thiếu kiềm chế ở một trận đấu cụ thể. Để “kết tội” với cái nhìn vô đạo đức hay phi thể thao thì thật sự có công bằng? Cần có cái nhìn khách quan hơn về trường hợp này, ít nhất là nhìn vào những đóng góp của Quyết cho ĐTQG, cũng như cấp độ CLB. Việc anh được HLV tin tưởng giao tấm băng đội trưởng đủ hiểu uy tín cũng như sự tín nhiệm của tập thể giành cho cầu thủ này như thế nào. Văn Quyết trong thời khắc thiếu kiềm chế đã có hành vi không đẹp và sẽ nhận án phạt nguội từ VFF, nhưng đó chỉ là hành vi bộc phát ở một thời điểm và không thể nhìn vào đó rồi phủ nhận cả quá trình.

Trung tâm Thông tin TDTT

Ảnh trong bài
  • ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG TDTT SÁNG 29. 11. 2017