ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG TDTT SÁNG 26. 7. 2017

 THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO

VOV Ánh Viên xuất sắc giành HCV 100m hỗn hợp, phá kỷ lục AIMAG

"Kình ngư" Nguyễn Thị Ánh Viên đã có lần thứ hai đăng quang tại AIMAG 5, cô giành thêm tấm HCV 100m hỗn hợp với thành tích 1 phút 00 giây 68. Trước đó, Ánh Viên đã giành HCV và phá kỷ lục AIMAG ở nội dung 200m hỗn hợp nữ. "Kình ngư" người Cần Thơ cho rằng AIMAG là đấu trường tốt để cô tập luyện và cọ xát với các đấu thủ châu Á, trong khi mục tiêu chính vẫn là giành HCV ở Asiad diễn ra năm 2018. Tối 25/9, Ánh Viên bước vào thi chung kết nội dung 100m hỗn hợp nữ. Cô gái vàng của thể thao Việt Nam một lần nữa thể hiện đẳng cấp vượt trội so với các đối thủ. Cô liên tục dẫn trước các "kình ngư" khác và cán đích với thành tích 1 phút 00 giây 68. Hai VĐV xếp sau Ánh Viên đều là người Trung Quốc: Zhang Chenyao (1 phút 00 giây 91) và Qian Xinan (1 phút 01 giây 77). Thành tích của Ánh Viên đã phá vỡ kỷ lục của AIMAG. Đây là lần thứ hai cô làm được điều này tại AIMAG 5. Ánh Viên cũng đồng thời trở thành VĐV duy nhất của Việt Nam giành được "cú đúp" vàng tại AIMAG lần này.

Thanh niên AIMAG 2017: Dance Sport giành HCV thứ 10 cho Việt Nam

Tối 25/9, cặp đôi Nguyễn Trung Kiên và Phạm Hồng Anh đã thi đấu xuất sắc ở nội dung Dance Sport với vũ điệu salsa đã thắng tuyệt đối với 32,250 điểm và giành HCV thứ 10 cho Việt Nam. Cả hai đã bỏ xa cặp về nhì của Hồng Kông - Trung Quốc, chỉ 31,166 điểm. Trong cuộc thi chung kết, Nguyễn Trung Kiên và Phạm Hồng Anh với gương mặt đầy biểu cảm, kỹ thuật hoàn chỉnh, bài biểu diễn đầy cảm xúc và tiết tấu mang tính nghệ thuật cao... cả hai đã hoàn toàn chinh phục ban giám khảo cũng như người hâm mộ.  Ở vòng bán kết trước đó, cặp đôi của Việt Nam chỉ xếp thứ nhì với 30,934 điểm. Trung Kiên năm nay 25 tuổi, còn Hồng Anh thì 19 tuổi. Trao đổi với chúng tôi trước chung kết, HLV Nguyễn Phương Lan đã đánh giá cao khả năng đoạt HCV của 2 hai học trò.

PL TPHCM Lê Ngọc Tú, hiện tượng nội binh lấn át ngoại binh

Saigon Heat tiếp tục giữ mạch chiến thắng bằng trận thứ tư trước Hanoi Buffaloes. Đặc biệt và đáng chú ý nhất trong chiến thắng giàu kịch tính của Saigon Heat là cái tên Lê Ngọc Tú đã lấn át tất cả tay ném ngoại binh cao trên 2 m và cả những VĐV Việt kiều giàu kinh nghiệm. Nếu “thần đèn” Darius Lewis hai trận đầu đều “ẵm” giải MVP (Most Valuable Player, VĐV xuất sắc nhất trận) thì trước Hanoi Buffaloes Lê Ngọc Tú đã vượt lên tất cả với 30 điểm ghi được, trên cả ngoại binh Darius Lewis (20 điểm) và tay ném Việt kiều Vincent (20 điểm). Với thành tích trên, Lê Ngọc Tú đã trở nên tay ném nội ghi nhiều điểm nhất trong một trận đấu thuộc giải VBA.

Khám phá  Cập nhật đoàn Việt Nam ở AIMAG 26/9: Quang Liêm, Trường Sơn “song tấu” quyết gặt vàng

Ngày thi đấu hôm nay của đoàn thể thao Việt Nam tại AIMAG 2017 chỉ bao gồm môn cờ vua. Nội dung cờ nhanh đồng đội, Việt Nam vẫn đang cạnh tranh đủ 4 bộ huy chương đồng đội nam, nữ và U23 (nam, nữ). Trong ngày 25/09, cặp đôi Lê Quang Liêm và Nguyễn Ngọc Trường Sơn đã đánh thuyết phục. Chúng ta vượt qua Uzberkistan và Bangladesh cùng tỷ số 2-0, hòa Kazakhstan và Trung Quốc 1-1 để giành quyền vào vòng 5. Tại vòng đấu này, Trường Sơn và Quang Liêm sẽ chạm trán 2 đối thủ của đoàn Turkmenistan. Nếu tiếp tục giành chiến thắng, bộ đôi kỳ thủ của chúng ta sẽ tiến vào bán kết và tràn đầy cơ hội giành thêm huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam. Nội dung đồng đội nữ cũng mang đến nhiều hy vọng. Thậm chí Phạm Lê Thảo Nguyên và Nguyễn Thị Thành An còn chơi thuyết phục hơn cặp Trường Sơn, Quang Liêm ngày hôm qua. Hai cô gái vàng của cờ vua Việt Nam giành đến 3 trận thắng.

 

 

 

BÓNG ĐÁ VÀ CÁC TIN LIÊN QUAN

TTVH Ai lo cho Đại hội VFF?

Thật khéo khi những người có trách nhiệm đang hướng dư luận vào câu chuyện chọn HLV trưởng. Nếu bây giờ ngã ngũ, ai dám chắc sau tháng 3 sang năm, khi Đại hội VFF kết thúc, bầu ra ban bệ mới, lại không có sự thay đổi? Không ông lãnh đạo VFF mới nào lại cảm thấy an toàn khi ghế HLV trưởng ĐTQG lại do nhiệm kỳ trước chọn. Dư luận đã quá chìm đắm trong câu chuyện này, mà không xác định được cốt lõi cần cải tổ cho nền bóng đá nằm ở đâu. Không thấy được bộ máy VFF lâu nay dường như tê liệt vì thiếu người làm, lại được đánh giá mất đoàn kết, trong khi câu chuyện chuẩn bị cho đại hội chỉ còn 6 tháng, chuyện nhân sự cứ bắn ra thông tin vỉa hè, như Công Vinh được mời làm TTK, như ông A, doanh nghiệp B, sẽ làm chủ tịch VFF...

Lao động Bóng đá Việt Nam được tôn vinh với hàng loạt giải thưởng 2016: Thế cũng là bi kịch!

Ở thời điểm LĐBĐ Việt Nam nhận “trát” yêu cầu “báo cáo khẩn” từ Tổng cục TDTT và làn sóng đòi “chấn hưng” bóng đá, BĐVN lại đón tin vui khi AFF ghi nhận với hàng loạt giải thưởng danh giá cho những thành công của năm 2016… Tối ngày 23.9, ở Gala công bố và trao các giải thưởng năm 2016 của AFF, BĐVN đã được ghi nhận và vinh danh với 5 giải thưởng quan trọng, trong đó đặc biệt nhất là giải thưởng LĐBĐ xuất sắc nhất năm. Đặc biệt bởi trước đó, trong 2 năm liên tiếp 2015 và 2016, VFF đều được đề cử vào giải thưởng LĐBĐ thành viên của năm và giải thưởng do Chủ tịch AFC công nhận về LĐBĐ có bóng đá phong trào phát triển. Ngoài danh hiệu này, năm 2016 thành công của BĐVN còn nhận sự tưởng thưởng với 4 danh hiệu khác, gồm: HLV bóng đá nữ xuất sắc nhất - HLV Mai Đức Chung, Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất - Đoàn Văn Hậu (cầu thủ đa năng của CLB Hà Nội có bước thăng tiến vượt bậc khi từ đội U.19 lên và đá chính ở U.20, U.22 rồi ĐTQG trong năm 2017 này), Nữ trợ lý trọng tài xuất sắc nhất - Trương Thị Lệ Trinh và có một cầu thủ lọt vào danh sách Đội hình xuất sắc nhất AFF 2016 “AFF Best XI- Tiền vệ Nguyễn Trọng Hoàng. hành công đó được AFF ghi nhận, tôn vinh. Tuy nhiên, giống như là bi kịch khi VFF nhận sự tôn vinh lại đúng ở thời điểm BĐVN bị xem là khủng hoảng nhất, sau thất bại tại SEA Games 29. U.22 Việt Nam không qua được vòng bảng SEA Games 29 theo cách bi kịch nhất. Thất bại quá đau đớn theo cách khó tin này không chỉ khiến nhiều kế hoạch, dự định bị ảnh hưởng, lần lượt HLV Hữu Thắng từ chức, PCT VFF Đoàn Nguyên Đức rút lui mà còn kéo theo hệ quả quá nặng nề. Nó tạo ra những vết đứt gãy trong lòng BĐVN và thành lý do để người ta quay sang bắt lỗi, chỉ trích và quy trách nhiệm. Nguy hiểm hơn, nó tạo ra một cuộc “nội chiến” khi trước thềm Đại hội VFF khóa VIII có cả một kế hoạch yêu cầu “chấn hưng bóng đá”.

Tiền phong Bí mật 'bẩn' trên thị trường chuyển nhượng V.League

Giai đoạn bùng nổ của thị trường chuyển nhượng Việt Nam phải kể tới thời điểm những năm 2007-2012, khi các ông bầu đua nhau đổ tiền vào bóng đá. V.League nóng hừng hực trước mỗi mùa giải, với liên tục những bản hợp đồng “bom tấn” được công bố. Năm 2008, Công Vinh chia tay Sông Lam Nghệ An để chuyển sang thi đấu cho T&T Hà Nội (tiền thân CLB Hà Nội hiện nay) của ông bầu Đỗ Quang Hiển. Số tiền bầu Hiển phải chi cho thương vụ này lên tới 7 tỷ đồng. Lý do chính như giới trong cuộc biết, với độ sành sỏi trong nghề, Công Vinh thường trực tiếp đàm phán với các ông chủ để tự định giá bản thân. Cho đến sau này khi từ Sông Lam Nghệ An chuyển tới B.Bình Dương, chân sút số 1 của bóng đá Việt Nam cũng “chơi” theo đúng cách trên. Một thương vụ điển hình cho chuyện “cắt phế” ở V-League là trường hợp trung vệ Đình Luật (Quân Khu 4 cũ) khi đầu quân cho Hải Phòng năm 2011, theo bản hợp đồng cho mượn giữa đôi bên. Thời điểm trên, số tiền Hải Phòng phải chi cho Đình Luật được thông báo là 3 tỉ đồng. Tuy nhiên về sau, những người thân cận với trung vệ này cho biết, anh từng chia sẻ số tiền được nhận chỉ là….500 triệu đồng, tức bằng 1/6. Tới khi đó, người ta mới nhớ lại khi chuyển tới Hải Phòng, Đình Luật đang bị chấn thương, chỉ đá được vài trận. Sau cơn sốt ảo, V-League hiện đã dần trở lại với giá trị thực. Các bản hợp đồng được kiểm soát chặt hơn. Sau nhiều kinh nghiệm đau thương, các ông bầu cũng trở nên sành sỏi, khó bị “chặt chém” như trước. Tuy nhiên, “phế” vẫn là quy luật bất thành văn trong mỗi bản hợp đồng chuyển nhượng.

Bongda.com.vn Điểm mặt 5 HLV ngoại có thể ngồi ghế nóng ĐT Việt Nam?

Theo tiết lộ của VFF, hiện nay LĐBĐ Việt Nam đã nhận được rất nhiều hồ sơ ứng tuyển của rất nhiều HLV ngoại, trong đó có 5 gương mặt rất đáng chú ý và quen thuộc với người hâm mộ bóng đá Việt Nam đó là: Kiatisak, Alfred Riedl, Winfried Schafer, Takashi Sekizuka và Jurgen Gede. Tuy nhiên, việc Kiatisak mới đây đã lên tiếng không muốn dẫn dắt đội tuyển nào để chống lại Thái Lan đã gián tiếp bộc lộ ý định của cựu cầu thủ HAGL này. Nhưng biết đâu với sự can thiệp của bầu Đức thì việc gì cũng có thể diễn ra.

Lao động Công Vinh làm Tổng thư ký VFF là "trò đùa" có ý đồ

Trước thông tin VFF có ý định mời quyền Chủ tịch của CLB TP.HCM Lê Công Vinh làm Tổng thư ký (TTK), cựu tiền đạo của ĐTQG đã lên tiếng về vấn đề này. Trước thông tin VFF có ý định mời quyền Chủ tịch của CLB TP.HCM Lê Công Vinh làm Tổng thư ký (TTK), cựu tiền đạo của ĐTQG đã lên tiếng về vấn đề này. Công Vinh cho biết: “Hiện tại, tôi vẫn đang là quyền Chủ tịch CLB TP.HCM. Như đã nói, tôi về đây nhằm góp sức mình để cho CLB TP.HCM phát triển vững mạnh và thành công trong tương lai, có một chân đế vững chắc. Hiện tại, tôi vẫn là người của TP.HCM và tôi muốn làm tốt công việc tại đây”. Khi được hỏi về việc nếu được tín nhiệm lựa chọn cho chức danh TTK VFF nhiệm kỳ VIII, Công Vinh đã từ chối. Anh nói: “Tôi chắc chắn vẫn sẽ ở lại TP.HCM. Tôi muốn ở lại đây để phát triển bóng đá một cách bền vững. Còn chuyện đó tôi vẫn chưa nghĩ đến”. Lê Công Vinh cũng cho biết thời gian qua vẫn theo dõi những hoạt động của VFF. Tuy nhiên, anh không có ý kiến bình luận gì về những thông tin mà dư luận đang đưa xung quanh những “lùm xùm” của tổ chức này.   

NLĐ Không đề cử cho vui

HLV Mai Đức Chung chỉ làm tạm quyền ở tuyển Việt Nam cho đến hết trận đấu gặp Campuchia tại lượt về bảng C vòng loại Asian Cup 2019, diễn ra vào ngày 10-10 trên sân Mỹ Đình. Sau đó, nhiệm vụ của VFF là chốt lại danh sách những HLV ngoại ứng thí, chọn ra người đáp ứng đủ các tiêu chí có thể dẫn dắt tuyển quốc gia và U23. Tuy nhiên, ngay thời điểm này, những người có trách nhiệm ở VFF cũng rối vì 2 nhà cầm quân không thuộc danh sách chọn lựa lại bất ngờ được đề cử và được dư luận ủng hộ.      Tuy nhiên, đây là thời điểm cần phải tỉnh táo trong việc tuyển người. HLV Kiatisuk rất khó được lựa chọn cho tuyển quốc gia khi ông là người Thái Lan, đối thủ của tuyển Việt Nam ở các sân chơi khu vực. Tương tự, HLV Hoàng Anh Tuấn có lẽ cũng hiểu rằng nhiệm vụ của ông là xây dựng bệ phóng để lò đào tạo PVF tiếp tục sản sinh ra thêm nhiều tài năng trẻ cho bóng đá nước nhà, thay vì lựa chọn giải pháp ngồi vào chiếc ghế chỉ mang tính thời vụ, có thể hứng chịu bão dư luận bất cứ lúc nào chỉ sau một vài trận thua. 

Trung tâm Thông tin TDTT

Ảnh trong bài
  • ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG TDTT SÁNG 26.  7. 2017