THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO
Hiếm có VĐV nào giành HCV Olympic mà thi đấu tại SEA Games lại kém như trường hợp xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Ở nội dung 50 m súng ngắn bắn chậm, Hoàng Xuân Vinh đã thảm bại, buộc anh phải nỗ lực hơn rất nhiều tại sở trường 10 m súng ngắn hơi diễn từ lúc 8 giờ ngày 26-8. Trong khi đó ở môn bơi, sau hiện tường Nguyễn Hữu Kim Sơn, bơi lội Việt Nam tiếp tục kỳ vọng Lâm Quang Nhật sẽ thể hiện tốt ở 1.500 mét tự do nam. Riêng kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đang hướng đến việc phá kỷ lục của chính mình khi tham dự ở 3 nội dung 100 m bướm, 200 m tự do và 50 m tự do. Ánh Viên đã có được 7 tấm HCV, giúp bơi lội Việt Nam có được 8 HCV sau 4 ngày thi đấu căng thẳng. Trong trường hợp Lâm Quang Nhật hay Nguyễn Huy Hoàng giành được HCV trong ngày thi đấu 26-8, cơ hội để đoàn bơi lội Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu đề ra sẽ là rất lớn.
Cái khó là trong khi Tú Chinh tập luyện ở TP Hồ Chí Minh thì 3 VĐV khác lại tập ở Hà Nội nên việc ráp đội hình gần như không thể. Ban huấn luyện đề xuất cho các VĐV vào TP Hồ Chí Minh tập luyện thì có lãnh đạo không đồng ý cho đi. Với quan điểm tại SEA Games 28, lực lượng mỏng nhưng Việt Nam vẫn giành HCB và áp sát thành tích Thái Lan thì hà cớ gì năm nay với lực lượng mạnh hơn lại không thể mơ giấc mơ vàng, nên HLV Vũ Ngọc Lợi kiên quyết bảo vệ kế hoạch của mình. Rất may là đến sát ngày ráp đội hình theo dự kiến thì đội được trung tâm huấn luyện ở Hà Nội cho vé máy bay, trung tâm ở TP Hồ Chí Minh đồng ý cho ăn ở không mất tiền để đội có được 4 tuần tập luyện cùng nhau cực kỳ quý giá. Với đội tiếp sức 4x100m nữ, việc không nhận được huy chương khi tham dự giải Thái Lan mở rộng hồi tháng 6 do BTC kết luận đội Việt Nam phạm quy khi thi đấu, dù đã đánh bại đội nữ Thái Lan lại mở ra hy vọng cho SEA Games 2017. Nó cho thấy nếu rèn tốt các động tác kỹ thuật, đội tiếp sức Việt Nam hoàn toàn có thể đánh bại người Thái. Và đúng như tính toán, những giọt mồ hôi trên sân tập của Tú Chinh, Mộng Tuyền, Yến Hoa, Đỗ Thị Quyên đã được đền đáp xứng đáng chiều 25/8 tại Bukit Jalil, với tấm HCV cùng kỷ lục SEA Games mới 43 giây 88.
Mới chỉ 15 tuổi nhưng Nguyễn Hữu Kim Sơn đã gây bất ngờ lớn ở SEA Games 29 khi giành chiến thắng ở nội dung bơi 400m hỗn hợp dành cho nam. Ở vòng loại diễn ra vào buổi sáng nay, Kim Sơn xếp thứ 2. Đợt bơi chung kết 400m hỗn hợp cá nhân diễn ra rất kịch tính. Kim Sơn không được đánh giá cao và anh cũng khởi đầu khá chậm chạp khi không có mặt trong tốp 3 trong 250m đầu. Nhưng ở 50m tiếp theo (bơi ếch), Kim Sơn bất ngờ vượt lên lọt vào tốp 3, rồi sau đó tăng tốc ở 100m cuối (bơi tự do) để qua mặt hai VĐV Indonesia và Singapore và đoạt HCV với thành tích 4 phút 22 giây 12. Không những vậy, Kim Sơn còn phá kỷ lục SEA Games của VĐV người Thái Lan là Ratapong Sirisanont lập được cách đây 15 năm (4 phút 23 giây 20). Đây chắc chắn là thành tích nằm ngoài sự mong đợi của đội tuyển bơi lội và đoàn Thể thao Việt Nam trên đất Malaysia. Ấn tượng hơn nữa, với tấm HCV giành được, Nguyễn Hữu Kim Sơn đã trở thành kình ngư trẻ nhất của bơi Việt Nam giành HCV SEA Games khi mới 15 tuổi. Đây mới là kỳ SEA Games đầu tiên của Kim Sơn.
Ban tổ chức SEA Games vừa lên tiếng cảnh báo về việc nghi ngờ có một âm mưu nào đó muốn phá hoại nhằm vào chủ nhà Malaysia. Cảnh báo trên được đề cập mạnh mẽ hơn khi ngày 24-8 có 16 VĐV của chủ nhà Malaysia bị ngộ độc thực phẩm. Sau sự cố quốc kỳ Indonesia bị trình bày ngược, phía chủ nhà Malaysia đã hết lòng xin lỗi qua cấp ngoại giao lẫn lãnh đạo đoàn Indonesia tham dự SEA Games. Tổng thống Widodo của Indonesia cũng chấp nhận lời xin lỗi cùng nỗ lực khắc phục từ phía chủ nhà cho thu hồi các vật phẩm in lỗi quốc kỳ Indonesia. Nhưng lập tức ngay hôm sau thì có đến 30 trang web liên quan đến SEA Games 29 của chủ nhà bị các hacker Indonesia đồng loạt tấn công. Nền thể thao hai nước tiếp tục căng thẳng khi đội cầu mây nữ của Indonesia lên án việc bị trọng tài ép, bênh vực cho đội nữ Malaysia và phản ứng bằng cách không tham gia thi đấu. Trước thông tin bóng gió cho rằng có sự trả đũa từ phía ngoài, ông Tunku Imran Tuanku, Trưởng ban tổ chức SEA Games của Malaysia, cho rằng chưa thể nhìn vấn đề theo cách này mà còn phải thận trọng và điều tra nghiêm túc. Ông Tuanku cũng chính thức yêu cầu các đoàn cảnh giác, thận trọng mọi thứ khi ra ngoài và hạn chế đi riêng lẻ.
Chiếc HCV tiếp sức 4 x 100 m nữ đã mở trang sử mới cho điền kinh Việt Nam. Bộ tứ Lê Tú Chinh, Lê Thị Mộng Tuyền, Đỗ Thị Quyên, Trần Thị Yến Hoa đã xuất sắc xô đổ kỷ lục 44”00 tồn tại qua năm kỳ SEA Games liên tiếp, thiết lập kỷ lục mới 43”88, tiệm cận thông số giành huy chương tại đấu trường Asiad. Lâu nay các cự ly tiếp sức luôn là địa hạt thống trị của các VĐV Thái Lan. Bằng chứng là sau khi các cô gái Việt đánh bại đội nữ Thái Lan thì cùng nội dung này của nam, các chân chạy Thái Lan tiếp tục bảo vệ thành công chiếc HCV và tạo nên cột mốc kỷ lục SEA Games mới. Sau ba tuần ăn tập miệt mài từng động tác và khắc phục từng tí, bộ tứ Tú Chinh, Mộng Tuyền, Yến Hoa, Đỗ Quyên xuất sắc thực hiện được điều “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương và các đồng đội không thực hiện được trước đây. Vượt ngưỡng chỉ tiêu từ môn điền kinh, đoàn thể thao Việt Nam trụ vững ngôi vị á quân, xếp sau chủ nhà Malaysia.
BÓNG ĐÁ VÀ CÁC TIN LIÊN QUAN
Chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải (cựu danh thủ Thể Công, nguyên tổng biên tập báo Bóng Đá) cho rằng nguyên nhân lớn nhất khiến U-22 VN chia tay SEA Games 29 ngay từ vòng bảng vì các cầu thủ kém bản lĩnh. “Nguyên nhân rõ nhất là cầu thủ chúng ta yếu kém về bản lĩnh. Chúng ta chơi ba trận đầu tiên và thắng quá dễ trước các đội yếu như U-22 Đông Timor, Campuchia, Philippines nên không thể lượng định được những khó khăn khi chơi với hai đội mạnh là Indonesia và Thái Lan. Từ đó kéo theo sự bất ổn về mặt tâm lý nên cách chơi không còn thanh thoát, hiệu quả” - ông Vũ Mạnh Hải nói. Ông Hải đánh giá thêm: “Nguyên nhân thất bại 0-3 trước U-22 Thái Lan còn nằm ở chỗ chúng ta không có phương án, lối chơi và sử dụng con người một cách thiết thực nhất. Tại sao lại sử dụng đội hình đã mất quá nhiều sức trước Indonesia trong trận quyết định với Thái Lan. Đó là cách bố trí đội hình không khoa học, đánh giá không đúng năng lực của cầu thủ vào thời điểm đó”.Tín hiệu đáng mừng cho bóng đá VN là ngày càng có nhiều tài năng xuất hiện từ các lò đào tạo trẻ trên bình diện cả nước. Song đó là thành quả của các lò, các trung tâm trong khi vai trò lẫn dấu ấn của VFF hết sức nhạt nhòa.
Hầu như ai cũng nhận thấy một điều là đội tuyển U.23 hiện nay đang có được một lứa cầu thủ tốt và đồng đều nhất so với trước đây. Nói tốt là có căn cứ bởi hầu hết các cầu thủ đều xuất thân từ các khóa đào tạo bài bản, được chăm chút đầu tư ngay từ khi còn ở lứa thiếu niên. Không ai phủ nhận hiệu quả mà lò đào tạo HAGL đã làm trong những năm trước đây để có được lứa cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… ngày nay. Chưa có thế hệ cầu thủ Việt Nam nào có được điều kiện và môi trường cũng như sự ủng hộ về mặt dư luận tốt như lứa cầu thủ này. Khi sự hợp tác tốt đẹp giữa VFF với bóng đá Nhật Bản đang ở giai đoạn mở rộng thì phi vụ “phế truất” HLV Miura xảy ra khiến mọi thứ kết thúc. Không ai có thể tưởng tượng vì một cá nhân mà kế hoạch cũng như chiến lược lâu dài của VFF buộc phải làm lại. Hữu Thắng là một cầu thủ giỏi của thế hệ vàng bóng đá Việt Nam, nhưng không có nghĩa anh làm được điều đó trong vai trò nhà cầm quân. Người hâm mộ và cả nền bóng đá bỏ công sức đầu tư để mong có được một kết quả xứng đáng. SEA Games là một giải đấu vừa tầm chứ chẳng quá cao siêu gì, nên thất bại là điều thật sự đáng trách. Giọt nước đã tràn ly, mọi thứ phải làm lại. Rồi sẽ có người sẽ hứa hẹn cho mùa SEA Games tới. Nhưng nếu chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật, vẫn còn những cá nhân vì mục đích riêng mà phá vỡ cả một chiến lược bóng đá thì khi đó khó có được thành tích tốt hơn hôm nay.
Trước khi SEA Games 29 diễn ra, bầu Đức từng tuyên bố thẳng thừng: “Nếu U.22 Việt Nam không vô địch SEA Games, tôi sẽ từ chức”. Giữ đúng lời hứa của mình, bầu Đức đã tuyên bố ông đã báo vời thường trực VFF về việc rút khỏi tổ chức xã hội này. Ông bầu máu bóng đá này nói: “Tôi rút lui vì đã làm hết sức hết cách cho bóng đá Việt Nam. Tôi bận ở nước ngoài nên không xem trận đấu, nhưng thua Thái Lan như vậy thì thật buồn. Tôi đã không tiếc tiền của để đào tạo nên lứa cầu thủ tài năng, nhưng chúng ta vẫn không đoạt được huy chương vàng SEA Games. Như đúng lời hứa, tôi rút lui để những người khác có thể làm tốt hơn”. Sau khi bầu Đức xin rút khỏi VFF, dư luận lại đặt ra câu hỏi, còn các quan chức bóng đá khác thì sao, họ có dám nhận trách nhiệm về mình mà từ chức như HLV Hữu Thắng hay như bầu Đức.
HLV Hữu Thắng đã nộp đơn xin từ chức cho VFF nên việc thuyền trưởng U22 Việt Nam rời khỏi ghế nóng khi trở về từ SEA Games 29 chắc chắn xảy ra. Việc rút lui của HLV Hữu Thắng đang khiến con thuyền bóng đá Việt Nam phải đứng trước những lựa chọn khó khăn. Với các cầu thủ U22 Việt Nam thì không vấn đề gì lớn, họ sẽ là nòng cốt của ĐTQG cho trận đấu với Campuchia tới đây ở vòng loại thứ 2 Asian Cup. Và cái khó nằm ở chỗ ai sẽ là thuyền trưởng cho trận đấu này của đội tuyển Việt Nam vào ngày 3/9. Tuy nhiên, rất có thể cái khó sẽ được giải quyết trong ít ngày tới đây khi vào lúc này có ít nhất 3 ứng viên sáng giá cho chiếc ghế nóng của bóng đá Việt Nam. Và hãy cùng VietNamNet điểm qua những điểm mạnh – yếu từ 3 ứng viên này. HLV Mai Đức Chung: Cựu danh thủ, cựu quan chức của Tổng cục TDTT vào lúc này đang là ứng viên rất sáng cho chiếc ghế thuyền trưởng của ĐTQG, thay cho đồng nghiệp đàn em Hữu Thắng. HLV Hoàng Anh Tuấn: Thuyền trưởng U20 Việt Nam cũng đang được đánh giá như ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế HLV trưởng của bóng đá Việt Nam. GĐKT Jurgen Gede: Được coi như một trong những người đóng góp rất lớn vào thành công của U19 và U20 Việt Nam tại VCK châu Á, giải U20 Thế giới vừa qua bên cạnh HLV Hoàng Anh Tuấn. Và cũng giống như 2 cái tên trên, GĐKT người Đức của BĐVN cũng đang là ứng viên đáng kể cho vị trí thuyền trưởng ĐTVN
Trung tâm Thông tin TDTT