THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO
Nhập cuộc khá tốt, Nam dễ dàng dẫn 3-0 trong ván đầu. Thế nhưng càng chơi càng hay, tay vợt người Thái Lan đã có một chiến thắng xứng đáng 6-4, 6-3 sau cú lội ngược dòng ngoạn mục. Theo dõi trực tuyến qua trang fanpage Báo Người Lao Động, HLV Trần Đức Quỳnh, người thầy đầu tiên của Hoàng Nam, tỏ ra lo lắng: "Dù có nhiều tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật và thể lực nhưng Nam vẫn gặp trở ngại về mặt tâm lý. Điều này được đối thủ khai thác triệt để để đảo ngược tình thế!". Ngay sau trận đấu, thừa nhận đối thủ chơi rất hay nhưng Lý Hoàng Nam cũng tỏ ra bức xúc về trọng tài: "Trọng tài mắc một số lỗi nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trận đấu. Tôi không hiểu sao một số quả tôi đánh trong sân trọng tài lại bắt ngoài còn đối thủ đánh ngoài thì trọng tài cho rằng trong sân".Hẳn đến lúc Đông Nam Á nghiên cứu sử dụng công nghệ "mắt diều hâu" cho vòng bán kết và chung kết các nội dung quần vợt để tránh tranh cãi không đáng có và ảnh hưởng đến hình ảnh của đại hội thể thao khu vực. Hai thất bại trong ngày 24-8 khiến Nam chỉ nhận được 2 HCĐ, đành hẹn vào những mùa SEA Games sau.
Hình ảnh nữ VĐV điền kinh Phạm Thị Huệ bỏ giày, chạy bằng đôi chân trần không lạ. Nhưng cứ nhìn cách cô gái này dũng mãnh lao về đích, điều đó thật sự truyền cảm hứng cho người xem. Chạy không giày, và lại cự ly đường trường, thật sự hơi bất lợi. Bàn chân VĐV lúc đó dễ bị phồng, theo đó ảnh hưởng tới màn trình diễn. Nhưng trường hợp của Phạm Thị Huệ lại khác. Nữ VĐV này chạy không cần giày vẫn ổn. Dù không thể đổi màu huy chương khi vẫn về nhì tại SEA Games 29, tuy nhiên hình ảnh "Á quân không giày" Phạm Thị Huệ chắc chắn sẽ còn in mãi trong tâm trí người hâm mộ. Đó là nữ VĐV không cần giày vẫn đủ sức đua huy chương với các đối thủ. Cũng trong chiều 24/8, điền kinh mang về "cơn mưa" huy chương vàng cho đoàn thể thao Việt Nam. Sau Nguyễn Thị Huyền, lần lượt Nguyễn Thị Oanh (chạy 1500 m nữ), Dương Văn Thái (chạy 1500 m nam), Bùi Văn Đông (nhảy xa), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao) thể hiện phong độ chói sáng để mang về những tấm HCV.
Khi Lê Tú Chinh, Nguyễn Thị Thật, Dương Văn Thái hay Mai Nguyễn Hưng tỏa sáng và đứng trên bục cao nhất, phía sau họ luôn có những hy sinh âm thầm… tuyển thủ xe đạp nữ Nguyễn Thị Thật luôn dành những lời trân trọng cho các đồng đội của mình. Thật tâm sự nếu như chức vô địch nội dung đua vòng tròn mình nhận được sự hỗ trợ đắc lực của Nguyễn Thị Thi thì hai ngày sau, lần đăng quang thứ hai của Thật ở nội dung xuất phát đồng hàng nữ không thể thiếu công lao khó nhọc của Phan Thị Liễu. Với VĐV chạy cự ly ngắn Lê Tú Chinh, cô gái 20 tuổi của điền kinh TP.HCM lần đầu dự SEA Games đoạt liền 2 HCV. “Thành công của Chinh không thể quên công khó nhọc của quân xanh Nguyễn Hoàng Duy, người luôn hy sinh việc học tập, những thành tích cá nhân chỉ để tập luyện cùng Chinh những thời điểm quan trọng”. Trên đường chạy 800 m nam, nữ cũng vậy. Hết Khuất Phương Anh rồi đến Võ Vũ Linh thực hiện chiến thuật làm “chim mồi” cho Dương Văn Thái, Vũ Thị Ly lần lượt tỏa sáng đã gây xúc động mạnh đến rất nhiều người hâm mộ môn thể thao “nữ hoàng”.
Thông tấn xã - Huy chương vàng cho tinh thần đồng đội của tuyển điền kinh Việt Nam -
Năm 2011, tại SEA Games 26 tổ chức ở Indonesia, Dương Văn Thái là mũi “nghi binh” để giúp Nguyễn Đình Cương giành huy chương vàng nội dung 800m.Và sau sáu năm, đến lượt anh đứng trên bục cao nhất nhờ sự giúp đỡ của người đàn em Võ Vũ Linh cũng tại nội dung này. Ở đường chạy 800m, những đối thủ lớn của Dương Văn Thái là vận động viên Vicent Royson của nước chủ nhà Malaysia, Yothin Yaprajan của Thái Lan, cùng Mervin Guarte và Marco Vilog của Philippines. Chia sẻ sau khi giành chiến thắng, Dương Văn Thái cho biết: “Chiến thuật của ban huấn luyện và đội đề ra là Võ Vũ Linh sẽ tách tốp trong 500m đầu tiên, còn tôi sẽ là người bứt tốc trong 300m cuối cùng. Và có thể nói chúng tôi đã phối hợp rất tốt để hoàn thành xuất sắc chiến thuật này. Chỉ tiếc là tôi chưa thể phá được kỷ lục SEA Games.” Nói thêm về chiến thắng của người đồng đội, Võ Vũ Linh chia sẻ: “Chiến thuật của ban huấn luyện đề ra là tôi sẽ tấn công giúp anh Thái giành huy chương vàng và phá kỷ lục.Tôi rất vui vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là lần đầu tiên tôi lên đội tuyển và tham gia thi đấu ở SEA Games, nên tôi cảm thấy rất tự hào vì đã giúp anh Thái giành huy chương vàng.”
Ánh Viên đăng ký thi 3 nội dung nhưng mục tiêu chỉ giành 1-2 HCV, trong khi Tú Chinh cùng tuyển điền kinh đặt mục tiêu ở 4x100 m nữ. Ở môn bơi, Ánh Viên sẽ đặt mục tiêu giành 1-2 HCV khi đăng ký tham dự 3 nội dung bơi là 400 m hỗn hợp nữ, 50 m ngửa nữ và 200 m ếch nữ. Trong đó, cô gái vàng của thể thao Việt Nam sẽ đặt mục tiêu bảo vệ HCV ở nội dung 200 m ếch nữ cũng như 400 m hỗn hợp nữ. Trong khi đó, các nội dung thi của môn điền kinh cũng không còn nhiều. Mọi sự chú ý dồn vào chung kết 4x100 m nữ diễn ra lúc 14 giờ 30 khi nữ hoàng tốc độ mới Lê Tú Chinh cùng các đồng đội như Đỗ Thị Quyên, Lê Thị Mộng Tuyền, Nguyễn Thị Oanh và Trần Thị Yến Hòa tranh tài. Trong ngày 25-8, một số môn khác như bắn súng, Penkak Silat, Pentanque, Futsal, bóng chuyền, bóng rổ, Billiards & Snooker và golf cũng sẽ tranh tài.
BÓNG ĐÁ VÀ CÁC TIN LIÊN QUAN
Thất bại 0-3 trước người Thái thực sự là một tỉ số khó tin, trước khi bóng trên sân Selayang lăn. Nhưng, chỉ cần 1/3 thời gian của trận đấu trôi qua thất bại của thầy trò HữuThắng bỗng rất... bình thường vì những sai lầm, và cả cách tiếp cận trận đấu. HLV Hữu Thắng có sai lầm hay không trong trận đấu mà chỉ cần một kết quả hoà là đủ để U22 Việt Nam lấy vé vào bán kết? Có, là chắc chắn với một quyết định khá mạo hiểm nơi hàng tiền vệ. Tuấn Anh rất tài hoa, nhưng rõ ràng tiền vệ của HAGL không phải là mẫu cầu thủ có thể tranh chấp theo kiểu 5-5 với các tiền vệ to cao, và rất khoẻ của người Thái. Nhưng, rốt cuộc HLV Hữu Thắng vẫn sử dụng như một trong 2 người đánh chặn từ xa của U22 ViệtNam. Không thể cầm được tuyến giữa, U22 Việt Nam dần mất thế trận vào tay người Thái, chỉ sau khoảng 20 phút bóng lăn. Và hậu quả của điều này chính là sức ép dồn liên tục về phía khung thành của Phí Minh Long để mở ra hàng loạt sai lầm nối tiếp. U22 Việt Nam thất bại một cách cay đắng, và đầy tiếc nuối. Nhưng tự trung lại, và nhìn tổng thể tất cả thì đó lại là một thất bại hợp lý khi chính đội bóng áo đỏ đã tự thua, trước khi đối thủ hay hơn và chiến thắng bởi điều này...
PL TPHCM HLV Hữu Thắng từ chức và sự chia tay của một thế hệ
Ngay trong phòng họp báo sau trận thua U-22 Thái Lan 0-3, HLV Hữu Thắng cho biết: “Trước hết, tôi xin thay mặt toàn đội U-22 Việt Nam gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất đến người hâm mộ bóng đá nước nhà. Tất cả đều rất kỳ vọng vào chúng tôi ở kỳ SEA Games này, từ tinh thần cho đến những đóng góp khác. Ngay sau đây tôi xin chính thức từ chức HLV trưởng đội tuyển”. Đau nhất có lẽ là bầu Đức, suốt 10 năm trời đằng đẵng chăm sóc và nuôi dưỡng một lứa cầu thủ chỉ chờ đến ngày đăng quang SEA Games đã không thành hiện thực. Chắc chắn sau HLV Hữu Thắng, bầu Đức cũng sẽ nói lời từ chức khỏi chiếc ghế phó chủ tịch VFF. Những người hâm mộ bóng đá Việt Nam cuối cùng thất thểu rời khỏi sân Selayang trong một chiều buồn Malaysia không còn nước mắt…
Ngay sau khi tuyển nữ Việt Nam đăng quang ngôi vô địch một cách xứng đáng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, thay mặt Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thưởng 100 triệu đồng, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thưởng 3 tỷ đồng, đoàn TTVN thưởng nóng cho HCV 10 triệu đồng. Ông Đào Hồng Tuyển – Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu thưởng 600 triệu đồng, ông Phạm Thanh Hùng - Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh thưởng 10.000 USD. Ngoài ra, nhà tài trợ của Đoàn TTVN là Công ty Pha Lê cũng sẽ trao thưởng cho đội tuyển 50 triệu đồng và tặng riêng cầu thủ xuất sắc nhất đội 30 triệu đồng. Công ty Samsung tặng mỗi cầu thủ 01 chiếc smart ti-vi 43 inch. Trước sự động viên kịp thời này, HLV trưởng Mai Đức Chung gửi lời cảm ơn người hâm mộ, truyền thông báo chí đã luôn đồng hành và cổ vũ động viên ĐT nữ, cảm ơn lãnh đạo ngành TDTT, lãnh đạo VFF đã đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho đội tuyển thi đấu đạt được thành tích cao nhất.
TTVH Xin cảm ơn, các cô gái vàng!
8 năm sau khoảnh khắc đăng quang tại Vientiane (Lào) năm 2009 khi thắng Thái Lan 3-0 ở loạt sút luân lưu, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã thắng Malaysia 6-0 để san bằng kỷ lục 5 lần vô địch môn bóng đá nữ SEA Games với người Thái. Một kỷ lục kỳ vĩ mà các đồng nghiệp nam nên cảm thấy... xấu hổ. Không cần đến những lời tung hô, chúc tụng hào nhoáng, cũng chẳng bận tâm việc ít nhận được sự quan tâm của người hâm mộ và báo chí vì suy nghĩ xưa nay vẫn như vậy, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cứ từng bước một hoàn thành nhiệm vụ của mình. Philippines hay Malaysia là những đối thủ yếu nhưng cách đội tuyển Việt Nam vượt qua Myanmar hay tạo ra thế cục cân bằng ở cuộc đối đầu với đối thủ cạnh tranh trực tiếp Thái Lan chứng tỏ họ xứng đáng được lên ngôi vô địch, là chủ nhân của tấm HCV môn bóng đá nữ SEA Games 29.
Dân Việt Xin nói thẳng: U22 Việt Nam thua vì V-League chất lượng quá thấp!
Ngay bây giờ đây khi ngồi viết những dòng này, với thất bại 0-3 trước tuyển U22 Thái Lan và bị loại từ vòng bảng của SEA Games, thú thực, tôi thấy rất buồn. Có thể nói, trận thua 0-3 trước U22 Thái Lan và đặt dấu chấm hết cho những mục tiêu của U22 Việt Nam tại đấu trường này thực sự là trận thua bạc nhược. Thật không ngoa khi nói rằng chúng ta thua trong xấu hổ, đau đớn và cả tủi nhục. Nếu quan sát kỹ trận đấu giữa U22 Việt Nam - U22 Thái Lan, thời gian giữ bóng của U22 Việt Nam rất ít. Gần như các cầu thủ của ta không cầm được bóng và bị đối phương dẫn dắt hoàn toàn. Trận thua tủi nhục này trước U22 Thái Lan thêm cơ hội để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, căn nguyên của thất bại cay đắng này. Tôi xin được nói thẳng, căn nguyên trực tiếp và sâu xa của thất bại này chính là Giải bóng đá vô địch Quốc gia Việt Nam (V-League) chất lượng quá thấp với nhiều nhức nhối, giả tạo. Câu chuyện giải đấu V-League của ta có nhiều nét tương tự như võ thuật. Lâu nay, võ thuật Việt Nam cứ tự vỗ ngực rằng là “chiếc nôi sản sinh ra nhiều cao thủ” nhưng khi một ông Tây từ đâu tới thách đấu, có võ sư người thì trốn, người thì thua liểng xiểng sao có thể gọi là “tinh túy võ học” được. Võ học hay bóng đá là phải thực chiến. Tổ chức thi đấu kiểu biểu diễn, “làm màu” rồi tự vỗ tay khen nhau đâu giải quyết được vấn đề gì, có chăng chỉ thêm tốn kém tiền của mà thôi. Để từ những tồn tại, nhức nhối đó, chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, đừng có tự huyễn hoặc mình nữa để "phẫu thuật" nền bóng đá theo chiều hướng tốt lên. Dẫu đau cũng phải làm một lần. Và về lâu dài, chúng ta phải có giải pháp nâng cao chất lượng của giải V-League vì nếu cứ giữ chất lượng “tà tà” như hiện nay sẽ vô tình “giết chết” bóng đá Việt!
TTVH U22 Việt Nam không thắng nổi chính mình
Sự mất tập trung của thủ thành CLB Hà Nội chính là tác nhân dẫn đến sự sụp đổ toàn diện của U22 Việt Nam. Minh Long rơi vào trạng thái hoảng loạn đến mức lao thẳng người vào đồng đội Văn Thanh đang truy cản cầu thủ đội bạn và để Picha có bàn thắng thứ 2. Bàn thua thứ 3 của U22 Việt Nam cho thấy sự khủng hoảng toàn diện khi cầu thủ to khỏe như Văn Hậu vẫn dễ dàng bị Champhaodi tỳ đè và dứt điểm. Một kết quả đầy tủi hổ nhưng nó phản ánh xác đáng những gì thầy trò Hữu Thắng đã trải qua. Phung phí cơ hội, chuẩn bị từ tâm lý đến chiến thuật… những điều cần thiết U22 Việt Nam không thể sánh bằng 2 đội bóng đi tiếp như U22 Indonesia và đặc biệt là U22 Thái Lan vốn quá già dặn. Sẽ còn vô số phân tích, tranh cãi sau thất bại ê chề này của U22 Việt Nam như một thói quen lặp đi lặp lại có hệ thống mỗi khi chúng ta tham dự mỗi kỳ SEA Games hay AFF Cup. Nhưng một lời xin lỗi lúc này là khó được chấp nhận! HLV Hữu Thắng tuyên bố từ chức và nói lời xin lỗi. Đấy là điệp khúc quen thuộc của Bóng đá Việt Nam qua nhiều giải đấu. Như thế là không thỏa đáng, sẽ lặp lại những vết xe cũ nếu VFF không mổ xẻ và nhận trách nhiệm thấu đáo.
Thể thao văn hóa - Hooligan bắt đầu quậy ở SEA Games -
Bóng ma hooligan đang ám ảnh công tác tổ chức tại SEA Games 2017 khi liên tiếp những sự cố xảy ra cả trong và bên ngoài sân cỏ. Phía ban tổ chức SEA Games đã phải lên tiếng khi liên tiếp các sự cố xảy ra. Ủy ban Olympic Malaysia (MASOC) đã kêu gọi CĐV hãy cư xử đúng mực. "Bất cứ sự cố nào như vậy đều đi ngược lại với tinh thần đoàn kết của SEA Games 29, đặc biệt việc nhục mạ các đối thủ dù cho dưới bất cứ hình thức nào đều thực sự rất đáng lên án. CĐV được yêu cầu kiếm chế, không có hành động chống lại niềm tin tôn giáo, sắc tộc", thông báo của MASOC phát đi ngày 22/8 nói rõ. Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia, ông Khairy Jamaluddin, Trưởng ban tổ chức SEA Games, cũng chia sẻ vấn đề nhức nhối này với báo giới: “Đó không phải là những CĐV thực thụ. Chúng ta cần ủng hộ trận đấu một cách văn minh và lịch sự, chứ không phải như vậy”.
Trung tâm Thông tin TDTT