ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG TDTT CHIỀU 04. 8. 2017

 

THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO

Thanh niên - TP.HCM hoàn tất dự thảo đề án đăng cai SEA Games 31 - UBND TP.HCM đang khẩn trương xem xét lại lần cuối dự thảo đề án đăng cai SEA Games 31 năm 2021 để trong vài ngày tới có thể gửi Bộ VH-TT-DL thẩm định trước khi trình lên Chính phủ phê duyệt. Ngày 2.8 vừa qua, dự thảo đề án đã được Sở VH-TT TP.HCM hoàn tất, trong đó có nhiều điểm thay đổi so với kế hoạch ban đầu. Môn bắn súng tại SEA Games 31 thay vì tổ chức tại trường bắn của Trường Đại học TDTT TP.HCM (dự kiến xây mới hoàn toàn nhưng vì quá tốn kém nên phương án này bị hủy) sẽ tiến hành tại trường bắn ở Củ Chi. Các VĐV phải di chuyển xa hơn (dự tính khoảng 15, 20 phút đi ô tô) nhưng sẽ được thi đấu ở trường bắn đạt chuẩn thế giới vì đây là trường bắn do quân đội đầu tư với cơ sở vật chất rất hiện đại. TP chỉ cần đầu tư thêm khoảng 20 tỉ đồng để lắp đặt các trang thiết bị phù hợp với việc thi đấu thể thao. Xây dựng trường bắn ở đây sẽ không chỉ tiết kiệm được chi phí cho ngân sách TP mà hậu SEA Games, trường bắn sẽ tiếp tục phục vụ ngành quân đội, tránh lãng phí. Môn đua thuyền sẽ không tổ chức ở hồ Đá (Bình Dương) mà chuyển sang hồ nhân tạo Trị An (Đồng Nai).

Giao thông - Gian truân khởi nghiệp kình ngư 15 tuổi phá kỷ lục SEA Games

Ngay lần đầu dự giải vô địch thế giới, kình ngư 15 tuổi Nguyễn Hữu Kim Sơn đã gây sốc khi bơi vượt kỷ lục SEA Games ở nội dung siêu khó 1.500m tự do nam. Từ chỗ suýt phải chia tay đường bơi xanh vì bị trù úm, đến nỗi phải viết đơn kêu cứu, cậu bé người TP.HCM đang tập luyện thi đấu cho An Giang trở thành tài năng trẻ đặc biệt nhất của bơi Việt Nam. Cách đây tròn hai năm, làng bơi Việt Nam đã xôn xao trước lá đơn kêu cứu của gia đình Kim Sơn cho nghiệp đấu mới vừa chớm nở của cậu con trai 13 tuổi. Khi đó, dù nổi lên như một hiện tượng với chiến tích giành 7 HCV kèm 4 kỷ lục tại giải bơi trẻ toàn quốc năm 2015 song Sơn đang tập luyện tại “lò” số 1 Trung tâm Thể thao dưới nước (TTDN) Yết Kiêu TP.HCM bất ngờ nhận quyết định trả về tuyến dưới, hồ bơi Hồ Đồng, quận 3, nơi vốn chỉ đảm bảo điều kiện phục vụ phong trào và tuyển chọn ban đầu. Lý do không hề do Sơn mà lại xuất phát từ việc Trung tâm TTDN Yết Kiêu cho rằng, mẹ Sơn đã vi phạm nội quy khi đưa con đến tập. Thông số 15 phút 29 giây 90 của Nguyễn Hữu Kim Sơn trên đường bơi 1.500m tự do tại Giải Vô địch thế giới 2017 đã vượt kỷ lục SEA Games 15 phút 31 giây 03 của Lâm Quang Nhật lập cách đây 2 năm và kỷ lục quốc gia 15 phút 30 giây 11 của Nguyễn Huy Hoàng tạo lập hồi tháng 10 năm ngoái. Theo đánh giá của giới chuyên môn, cả Sơn, Nhật và Hoàng đều dư sức giành HCV SEA Games 29. Ngoài cự ly 1.500m, Sơn còn có thể tranh huy chương ở các nội dung 400m tự do và 800m tự do.

Sài gòn gii phóng - Bóng chuyền Việt Nam chuẩn bị SEA Games 29: Cuộc chiến khó khăn -

Màn trình diễn của bóng chuyền nam Indonesia bắt buộc các đối thủ của họ ở SEA Games 29 diễn ra vào trung tuần tháng 8 sẽ trở nên thận trọng. Hai năm trước, Indonesia chơi lép vế hoàn toàn trước Thái Lan và Việt Nam, nhưng giờ đây mọi chuyện có vẻ đã diễn biến theo chiều khác hẳn. Indonesia đã chính thức trở thành thách thức khó khăn cho cả Thái Lan và Việt Nam trong cuộc đua giành HCV môn bóng chuyền nam. Chưa đầy 1 tháng trước, đội tuyển nữ Indonesia gây sốc khi đánh bại đội tuyển Việt Nam sau hơn 1 thập niên, tại đấu trường VTV Cup 2017. Giới chuyên môn Việt Nam bắt đầu lo cho vị trí của bóng chuyền nữ tại kỳ SEA Games thứ 29, sau khi chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của Indonesia, cả về chuyên môn lẫn tinh thần thi đấu. Thậm chí, đội bóng này còn chưa đưa đến lực lượng mạnh nhất, vẫn còn cất đi vài mũi tấn công đáng gờm nhằm chuẩn bị cho màn lật đổ tại Malaysia 2017. Rõ ràng, một cuộc chạy đua căng thẳng đang diễn ra ở môn bóng chuyền trước thềm SEA Games 29, mà ở đó 2 đội tuyển nam và nữ Indonesia vừa tạo nên một sức ép lớn cho các đối thủ cạnh tranh Thái Lan và Việt Nam. Chắc chắn, cuộc chiến sắp đến sẽ rất khốc liệt và hứa hẹn kịch tính.

BÓNG ĐÁ VÀ CÁC TIN LIÊN QUAN

Thanh niên - U.22 Việt Nam tại Hàn Quốc: Chuyên nghiệp từ chuyện ăn uống

Việc HLV Nguyễn Hữu Thắng tịch thu toàn bộ mì gói mà các cầu thủ U.22 Việt Nam (VN) mang sang Hàn Quốc là lời nhắc nhở những thói quen thiếu chuyên nghiệp của cầu thủ. Ngày 2.8, BHL U.22 VN đã tiến hành thu gom toàn bộ mì gói đội bóng mang theo, yêu cầu tất cả ăn uống theo thực đơn đã được các bác sĩ thống nhất với nhà ăn. Một bộ phận cầu thủ khá bất ngờ về việc này. Tuy nhiên, với những ai từng cùng U.20 VN dự World Cup trong điều kiện khắt khe của FIFA thì đó là điều bình thường. Mì gói từ lâu được xem là biểu tượng “truyền thống” mỗi khi các đội tuyển thể thao VN xuất ngoại. Tuy nhiên, trong mắt giới khoa học thể thao thì đây là món ăn có hại vì nhiều chất bảo quản không tốt. Đó là lý do BHL U.20 VN yêu cầu đội bóng không đem theo mì gói, bù lại bằng thực đơn giàu dinh dưỡng và rất hợp khẩu vị trong thời gian tập huấn và thi đấu tại Hàn Quốc. Hay xa hơn vào năm 2014, U.19 VN có hẳn một bộ phận dinh dưỡng tư vấn để bảo đảm an toàn và chất lượng từng bữa ăn. Không chỉ sợ cầu thủ ăn khuya sẽ tăng cân, hay ăn không đủ ở bữa chính mà đó còn là ý thức về ăn uống có kiểm soát, tránh nguy cơ doping từ những thức ăn lạ. Bài học doping của lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn hay nữ hoàng thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương vẫn còn rất đắt.

Lao động - Cầu thủ U20 nào chắc suất đá chính ở SEA Games?

HLV Hữu Thắng cũng đã định hình được bộ khung của U22 Việt Nam sau những trận đấu đã qua ở vòng loại U23 Châu Á 2018. Vậy đã có những cầu thủ U20 nào khẳng định được giá trị và chắc suất đá chính? Đây là một minh chứng cho thấy, HLV Hữu Thắng đã trao cơ hội để các cầu thủ trẻ cạnh tranh suất đá chính một cách lành mạnh với đàn anh như lời ông tuyên bố. Về mặt chuyên môn, đây cũng là những nhân tố mà U22 Việt Nam đang cần. Có thể, sau chuyến tập huấn tại Hàn Quốc, có những cầu thủ sẽ được trao cơ hội và những cầu thủ sẽ chia tay đội tuyển.

Thể thao văn hóa - U22 Việt Nam tự tin vượt qua 'nghịch cảnh'

Đối thủ lớn nhất và cũng đáng ngại nhất với U22 Việt Nam tại chiến dịch đổi màu huy chương SEA Games 29, đương nhiên là Thái Lan. Cần thẳng thắn với nhau như thế, thay vì những động tác lên gân. Trước đó, dù có thắng có bại, nhưng Malaysia, Indonesia, Myanmar…, có thể nói là đồng hạng cân. SEA Games 2013 tại Myanmar, bị xem là một tai nạn của bóng đá Việt Nam, khi lần hiếm hoi, chúng ta không thể vào chơi bán kết. Nguồn cơn bắt đầu từ thất bại tại AFF Suzuki Cup 2012, thậm chí trước đó nữa, thời HLV Calisto, rồi Falko Goetz còn cầm cương. Bóng đá có thời, sở hữu một đôi lứa cầu thủ tốt còn gọi là được vụ. Giai đoạn 2011- 2016, bóng đá Việt Nam rơi vào khoảng lặng, bởi lứa kế cận “thế hệ vàng 2008”, nói thẳng, thua thiệt cả về tài năng lẫn hào quang. Thời thế đang thay đổi, với Công Phượng và đồng đội. Vượt qua vòng bảng (bảng B), cơ hội chơi trận đấu cuối cùng tranh chấp HCV là rất sáng sủa với thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng. Nếu vì lý do nào đó, chúng ta không thể giành vàng SEA Games với lứa cầu thủ này, thì e là 2 năm sau, thế hệ U20 vừa trở về từ FIFA World Cup 2017, cũng rơi rụng, khó bảo toàn mục tiêu.

Sài gòn gii phóng -Không có đối thủ dễ -

Việc đánh giá Việt Nam rơi vào bảng tử thần tại SEA Games 29 chủ yếu đến từ các cái tên Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, cái khó của bảng này còn nằm ở số lượng 6 đội. Số trận phải đá càng nhiều, rủi ro càng lớn. Đã thế, dường như đội bóng của HLV Hữu Thắng đã “lộ bài” từ lâu. Từ đầu năm đến nay, các đội bóng dưới tay ông Thắng chỉ đá có một kiểu. Trong 5 đối thủ sắp đến tại Malaysia thì có lẽ chỉ Thái Lan mới tính đến chuyện chơi đôi công, 4 đội còn lại gần như sẽ đá phòng thủ - phản công khi gặp U22 Việt Nam. Còn nhớ, ngay cấp độ đội tuyển thì năm trước Indonesia cũng đã chơi như vậy và thành công thì chẳng có lý do gì U22 của họ lại không lặp lại đấu pháp đó. Tất nhiên, đã muốn vô địch thì phải thắng mọi trận đấu. Nhưng có tự tin  đến mấy cũng cần phải tính toán cẩn trọng bởi hành trình để thắng chiếc HCV SEA Games thậm chí còn khó khăn hơn cả… vô địch World Cup. Tổng cộng sẽ phải đá 7 trận, tối thiểu phải thắng 5 trận nhưng chỉ đá trong vòng 15 ngày, tức là trung bình cứ hơn 2 ngày lại phải ra sân. Nói cách khác, có mạnh đến mấy cũng cần những phương án B, C để giảm áp lực cho cầu thủ. Chưa kể, hành trình của U22 Việt Nam là từ dễ đến khó, bung sức quá sớm thì sẽ “đuối” ở đoạn cuối mà hầu như không có thời gian nghỉ ngơi.  Thế nên, việc gặp những đội yếu nhất bảng ngay từ đầu chưa hẳn đã hay. Chỉ cần một cú hụt chân bị cầm hòa trước Đông Timor hay Campuchia thì cũng đồng nghĩa phải đá 100% sức cho các trận còn lại.

Trung tâm Thông tin TDTT

Ảnh trong bài
  • ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG TDTT CHIỀU 04. 8. 2017