Thành phố Hồ Chí Minh tiên phong tái cấu trúc thể thao

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ VHTTDL diễn ra vào sáng ngày 17/7, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Phó Giám đốc Nguyễn Nam Nhân đã chia sẻ quan điểm phát triển TDTT của TP.HCM trong tình hình mới.

Với việc hợp nhất Sở Văn hóa – Thể thao của TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, ngành thể thao TP.HCM đang đứng trước một "bước ngoặt phát triển mới" và "sứ mệnh" trở thành trung tâm thể thao đặc biệt của một siêu đô thị. Đây là thông điệp chính được ông Nguyễn Nam Nhân nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình.

Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Nam Nhân phát biểu tại Hội nghị

Trước yêu cầu đó, ngành thể thao TP.HCM cần xây dựng cách tiếp cận hoàn toàn mới, linh hoạt, đa chiều, nhằm tận dụng sức mạnh tổng hợp vùng, từ đó nâng tầm thể thao thành một bộ phận quan trọng của đời sống đô thị sáng tạo. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Nguyễn Nam Nhân chỉ ra rằng cần có 5 điểm mấu chốt:

Thứ nhất là hình thành "Vùng Tam giác thể thao" với TP.HCM (khu vực 1): Trung tâm huấn luyện, nghiên cứu và ứng dụng khoa học thể thao; Bình Dương (khu vực 2): Phát hiện, đào tạo năng khiếu và phát triển công nghiệp thiết bị thể thao và Bà Rịa – Vũng Tàu (khu vực 3): Lý tưởng cho phát triển kinh tế thể thao, đặc biệt là các sự kiện quốc gia, quốc tế và thể thao biển sẽ tạo nên sự kết hợp lý tưởng. Sự kết hợp này nhằm tạo ra một nền tảng vững chắc cho huấn luyện đỉnh cao, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng và tổ chức sự kiện thể thao quy mô.

Thứ hai là xây dựng Mô hình "Mạng lưới thiết chế thể thao mới" sẽ là giải pháp tối ưu hóa hoạt động của 3.700 thiết chế văn hóa – thể thao cấp cơ sở sau hợp nhất. Mô hình này còn giúp giải quyết những hạn chế như: phân tán quản lý, thiếu tính kết nối và yếu về xã hội hóa khiến nhiều thiết chế hoạt động dưới tiềm năng.

Với các đặc điểm được gợi ý như: Đa chủ thể quản lý, Khai thác và chia sẻ lợi nhuận, Các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng được giao vận hành, chia sẻ lợi ích, Chuyển đổi số toàn diện, Hợp tác công tư (PPP) mở rộng, Mô hình "Mạng lưới thiết chế thể thao mới" được kỳ vọng sẽ biến các thiết chế cơ sở thành động lực phát triển, vừa phục vụ cộng đồng, vừa kích hoạt thị trường dịch vụ thể thao địa phương và hình thành "hệ sinh thái" kinh tế thể thao bền vững.

Thứ ba là thúc đẩy kinh tế thể thao trở thành một trụ cột mới của phát triển đô thị: TP.HCM định hướng phát triển thể thao vượt ra ngoài tư duy "chỉ để đạt huy chương", coi đây là một ngành kinh tế đặc thù. Thành phố đặt mục tiêu trở thành thị trường vàng cho dịch vụ đào tạo, sản xuất thiết bị, du lịch thể thao và công nghệ thể thao. Để hiện thực hóa điều này, cần có khung pháp lý linh hoạt, chiến lược quy hoạch quỹ đất và cơ chế tài chính – thuế ưu đãi cho doanh nghiệp thể thao.

Thứ tư là thực hiện nguyên tắc “hợp lực – hiệu quả – phát triển” trong tái cấu trúc tổ chức và nhân sự: Trong bối cảnh hợp nhất địa giới hành chính TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân sự thể thao đang được TP.HCM triển khai với phương châm "hợp lực – hiệu quả – phát triển". Thay vì vội vã, TP.HCM lựa chọn một lộ trình bài bản, đảm bảo sự kế thừa, ổn định và tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. Quá trình tái cấu trúc được chia làm hai giai đoạn rõ ràng:

Trong giai đoạn đầu, thành phố ưu tiên duy trì hệ thống tổ chức hiện có. Mục tiêu là hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn theo kế hoạch năm 2025, tránh xáo trộn đột ngột có thể ảnh hưởng đến chế độ, quyền lợi và tâm lý của đội ngũ huấn luyện viên (HLV) và vận động viên (VĐV). Các lực lượng sẽ tiếp tục sinh hoạt theo lịch thi đấu đã xây dựng từ ba địa phương trước đây. Song song đó, Thành phố sẽ tiến hành đánh giá nội bộ, khảo sát thực trạng và chuẩn hóa tiêu chuẩn chung phù hợp với tình hình mới.

Dựa trên kết quả rà soát và đánh giá toàn diện từ giai đoạn 1, TP.HCM sẽ tiến hành giai đoạn 2, sắp xếp lại hệ thống cơ sở đào tạo thể thao và tuyển chọn lại. Việc tổ chức lại các tuyến đào tạo sẽ theo hướng tinh gọn – hiệu quả – hiệu suất.

Dự kiến, Thành phố sẽ sàng lọc và giảm từ 20-25% tổng lực lượng HLV và VĐV, từ 4.368 người xuống còn khoảng 3.560 người, theo chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ Sở nhiệm kỳ 2025-2030. Trọng tâm đầu tư sẽ được dồn vào các môn thể thao trọng điểm có tiềm năng đạt thành tích cao và có tính lan tỏa xã hội rộng lớn..

Điểm mấu chốt Thứ năm đó là đưa thể thao trở thành "chỉ số văn minh" của đô thị hiện đại. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, TP.HCM đã vạch ra những định hướng cụ thể.

Xây dựng đề án tổng thể phát triển: Thành phố sẽ bổ sung, điều chỉnh và xây dựng một đề án tổng thể phát triển thể thao mở rộng giai đoạn 2025-2035, đảm bảo đồng bộ với Chiến lược phát triển thể thao quốc gia đến năm 2030. Điều này sẽ tạo một khung pháp lý vững chắc và định hướng rõ ràng cho sự phát triển dài hạn.

Phát triển liên kết vùng đô thị: Ngành thể thao Thành phố sẽ tăng cường bổ sung, điều chỉnh pháp lý, chức năng và nhiệm vụ để liên kết phát triển theo kinh tế vùng đô thị ở ba khu vực TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu với cơ chế linh hoạt. Sự hợp tác này nhằm tối ưu hóa nguồn lực và khai thác tiềm năng của cả ba địa phương.

Xây dựng hệ thống chỉ tiêu KPI: Để đo lường hiệu quả và đảm bảo tính minh bạch, TP.HCM sẽ xây dựng hệ thống chỉ tiêu KPI (Key Performance Indicators) về hiệu quả hoạt động của các thiết chế cơ sở, mức độ cải thiện sức khỏe cộng đồng và tăng trưởng của ngành dịch vụ thể thao.

Thúc đẩy giáo dục thể chất – thể thao học đường: Nền tảng cho sự phát triển bền vững lâu dài của thể thao chính là giáo dục thể chất và thể thao học đường. Thành phố sẽ đặc biệt chú trọng thúc đẩy lĩnh vực này, nhằm ươm mầm tài năng và nâng cao thể chất cho thế hệ trẻ.

“Việc nâng tầm thể thao TP.HCM không chỉ là nhiệm vụ chuyên ngành mà còn là sứ mệnh phát triển con người, cộng đồng và xã hội hiện đại, phù hợp với kỳ vọng của Đảng và Nhà nước về một siêu đô thị. TP.HCM đang đứng trước một cơ hội lịch sử để "tái kiến thiết" thể thao Thành phố một cách toàn diện, đổi mới và đầy khát vọng”, ông Nguyễn Nam Nhân nhấn mạnh.

A.T (ghi), ảnh Tr.H

Ảnh trong bài
  • Thành phố Hồ Chí Minh tiên phong tái cấu trúc thể thao