Bộ môn tiềm năng, trọng điểm...
Năm 2024, Bắn súng Việt Nam, cùng với một số rất ít môn thể thao khác đã giành 02 vé chính thức tham dự Olympic Paris 2024. Tại Olympic 2024, Bắn súng Việt Nam tuy chưa có Huy chương nhưng đã 2 lần vào chung kết (VĐV Trịnh Thu Vinh) nội dung súng ngắn nữ thể hiện sự phát triển và hứa hẹn cho tương lai tốt đẹp của Bắn súng Việt Nam tại các kỳ Đại hội thể thao Châu Lục và Thế giới những năm tới.
Hiện nay, đội tuyển Bắn súng Việt Nam có một số VĐV nam đang nổi lên như: Phạm Quang Huy (vô địch ASIAD 19), Lại Công Minh, Phan Công Minh. Về nữ, bên cạnh Trịnh Thu Vinh có Mộng Tuyền ( tay súng nữ thứ hai giành suất chính thức dự Olympic) và Phí Thanh Thảo..., nhưng những VĐV này đã, đang tiếp tục cần rèn luyện cùng với sự đầu tư xứng tầm để vươn lên giành thành tích cao tại đấu trường ở các kỳ Olympic, ASIAD tới.
VĐV Phạm Quang Huy - người góp phần tạo dấu mốc lịch sử cho Bắn súng Việt Nam
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, tại Việt Nam Bắn súng không phải là môn thể thao đại chúng để nhiều người có thể tiếp cận và việc tuyển chọn lực lượng VĐV trẻ tài năng hay thu hút giới trẻ tham gia tập luyện môn Bắn súng vẫn còn gặp khó khăn. Điều này, đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình tuyển chọn, sàng lọc VĐV chất lượng kế cận cho thế hệ xạ thủ vàng của Bắn súng Việt Nam trong hành trình phát triển của môn thể thao này.
Thực tế cho thấy, Bắn súng hiện nay là môn thể thao có tiềm năng và ngay lứa VĐV trẻ hiện tại, họ có những điều kiện để hướng tới thành tích cao trong tương lai. Các địa phương cũng đã dành sự quan tâm, đầu tư khá lớn cho môn Bắn súng và coi đây là môn thể thao được lựa chọn đầu tư trọng điểm. Điều này là một thuận lợi rất tốt để Bắn súng có thể nâng cao, cải thiện thành tích chuyên môn trong thời gian tới.
... cần nhận được sự đầu tư nhiều hơn
Đội tuyển quốc gia hiện tại có điều kiện tập luyện tốt hơn rất nhiều so với trước. Cụ thể, tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu môn Bắn súng đã được đầu tư (hệ thống điện tử), lượng đạn phục vụ cho số lượng VĐV tập luyện từ 50 – 60 người đã được cải thiện rất nhiều... Tuy nhiên, vẫn chưa thể đáp ứng đủ trước nhu cầu tập luyện của VĐV. Điều này cũng cần sớm được tháo gỡ và có phương án phù hợp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nếu muốn nâng cao trình độ cho các các xạ thủ ở đấu trường ASIAD, Olympic và thế giới, rất cần có thêm nguồn kinh phí dành cho việc thi đấu ở các giải đấu quốc tế thuộc hệ thống của Liên đoàn Bắn súng thế giới và các chuyến tập huấn học hỏi, nâng cao trình độ tại các quốc gia có bộ môn Bắn súng phát triển.
Bên cạnh việc đầu tư kinh phí, trang thiết bị phục vụ việc tập luyện thi đấu cho đội tuyển quốc gia thì cũng cần phải đầu tư cho đội tuyển trẻ quốc gia vì đây là nguồn lực kế cận rất quan trọng. Và để làm tốt những việc này, cần huy động thật tốt nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp cùng chung tay phát triển môn Bắn súng.
Nổi bật thời gian qua nhiều địa phương đã quan tâm, khuyến khích phát triển các cơ sở tư nhân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực TDTT. Điển hình là TP. Hồ Chí Minh, hiện nay mô hình xã hội hóa phát triển môn Bắn súng thể thao đã và đang thực hiện rất tốt từ thành phố đến các quận, huyện, xã, phường. TP. Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu xây dựng Liên đoàn Bắn súng thành phố. Nhờ đó, tổ chức này đã đầu tư, phát triển mô hình các câu lạc bộ Bắn súng thể thao cấp cơ sở; vận động, thu hút nhiều tầng lớp tham gia, đặc biệt là thế hệ trẻ, bao gồm cả học sinh, sinh viên yêu thích Bắn súng thể thao. Đây cũng là cái nôi để có thêm điều kiện tuyển chọn nguồn VĐV tài năng trẻ, kế cận cho Bắn súng quốc gia cũng như của TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, tạo nguồn thu, chủ động về kinh phí cho các hoạt động của Liên đoàn TP. Hồ Chí Minh và tái đầu tư cơ sở vật chất nhằm xây dựng, phát triển bển vững môn Bắn súng thể thao của thành phố.
Bắn súng Việt Nam cần thêm nhiều sự đầu tư và những giải pháp phát triển phù hợp
Ngoài ra, ngành TDTT, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cần tiếp tục có nguồn kinh phí phù hợp nhằm phục vụ cho việc lựa chọn, tìm hiểu thông tin một cách đầy đủ để có thể mời được những chuyên gia, huấn luyện viên giỏi tham gia công tác huấn luyện trực tiếp các VĐV đội tuyển Bắn súng quốc gia.
... tìm những giải pháp mang tính đột phá
Bắn súng là môn thể thao trọng điểm của Thể thao Việt Nam, là môn thể thao mũi nhọn có khả năng cạnh tranh huy chương của Thể thao Việt Nam nhưng chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Do vậy, để phát triển sâu rộng, bền vững phát triển phong trào môn Bắn súng cần sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Bộ VHTTDL, Cục TDTT và các cơ quan chức năng đối với từng địa phương về việc yêu cầu xây dựng lộ trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển phong trào môn Bắn súng thể thao. Đặc biệt là những địa phương có phong trào phát triển môn Bắn súng còn yếu.
Bộ VHTTDL, cùng các Bộ, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để có nhiều Doanh nghiệp trong nước đầu tư xây dựng, phát triển các trung tâm đào tạo, huấn luyện, các CLB Bắn súng thể thao bằng nguồn xã hội hóa. Trong việc cấp phép hoạt động của các trung tâm đào tạo, huấn luyện, các CLB Bắn súng thể thao ở các địa phương. Đề nghị các Sở, các ngành liên quan cần lấy ý kiến tham vấn về chuyên môn của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam. Đây là việc làm rất cần thiết để Liên đoàn Bắn súng Việt Nam tham gia quản lý các câu lạc bộ Bắn súng thể thao trên toàn quốc; đồng thời Liên đoàn hỗ trợ đào tạo về chuyên môn. Phát hiện, tuyển chọn nguồn VĐV từ phong trào, cộng đồng, học sinh, sinh viên…; bồi dưỡng, phát triển tài năng trẻ kế cận cho Bắn súng Việt Nam.
Chú trọng phát triển môn Bắn súng đĩa bay Sporting và Compak Sporting đang phát triển mạnh ở nhiều nước trên Thế giới; đã và đang thu hút được nhiều đơn vị, địa phương, VĐV, người hâm mộ tham gia.
Đặc biệt, bộ môn Bắn súng Cục TDTT, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cần tập trung mọi nguồn lực tập trung cho ASIAD 2026 và Olympic 2028. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, trực tiếp là Cục TDTT phối hợp với Liên đoàn Bắn súng Việt Nam xây dựng kế hoạch tuyển chọn, đầu tư tập luyện, đào tạo chuyên sâu, tập huấn và thi đấu quốc tế cho VĐV Bắn súng trẻ triển vọng, có thành tích tham dự SEA Games 2025, ASIAD năm 2026 và Olympic năm 2028; phấn đấu có huy chương tại ASIAD năm 2026 và Olympic năm 2028.
Ngoài ra, chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực, sự hỗ trợ của các nước cũng như tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tổ chức thi đấu, tập huấn quốc tế cho đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia. Lựa chọn, đàm phán, ký kết hợp đồng thuê chuyên gia có trình độ cao môn Bắn súng trường, súng ngắn bắn đạn nổ và môn súng Bắn đĩa bay cho Bắn súng Việt Nam.
N.Hương, Ảnh: L.Động