Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045 tạo điều kiện cho Thể thao quần chúng, thể thao dân tộc phát triển mạnh mẽ tại Hà Giang

Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành là căn cứ pháp lý cho các tỉnh, thành phố đưa ra định hướng phát triển thể thao tại địa phương, đơn vị phù hợp với tình hình thực tế. Đây cũng chính là cơ sở để Hà Giang đẩy mạnh phát triển các môn thể thao dân tộc, thế mạnh của địa phương...

Tăng cường bảo tồn, phát triển thể thao dân tộc, trò chơi dân gian

Một trong những nội dung chính được "Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045" đề cập tới đó là: “Bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian; phát triển thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm, thể thao gắn với du lịch, lễ hội theo hướng đa dạng, độc đáo và bảo đảm an toàn”. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các địa phương sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới, trong đó có thể thao Hà Giang.

Thể thao dân tộc được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển TDTT tỉnh Hà Giang

Tại Hà Giang hiện có 19 dân tộc sinh sống, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm trên 87%. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa độc đáo riêng được thể hiện qua các góc cạnh của đời sống, trong đó có hoạt động TDTT. Một số môn thể thao phổ biến trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh như: Đẩy gậy, Kéo co, Tung còn, Bắn nỏ, Đánh yến, Đánh sảng… Đây vừa là các môn thể thao dân tộc, vừa là trò chơi dân gian gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào. Điểm chung của các môn thể thao này là cách thức, luật chơi đơn giản, không đặt nặng kết quả, thành tích và chủ yếu mang tính giải trí, rèn luyện sức khỏe, tăng cường gắn bó tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tính lan tỏa cộng đồng chính là giá trị cốt lõi của thể thao dân tộc. Và đây cũng là mục tiêu hướng đến của các cấp lãnh đạo tỉnh khi đẩy mạnh công tác bảo tồn các môn thể thao dân tộc trong giai đoạn mới.

Trong những năm qua, ngành TDTT tỉnh luôn chú trọng phục dựng, bảo tồn, tổ chức các lễ hội truyền thống. Theo đó, trong phần hội của các lễ hội được bố trí thêm hoạt động là các môn thể thao dân tộc. Đơn cử tại Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai (Mèo Vạc) được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Lễ hội Hoàng Vần Thùng gắn với Tết Khu Cù Tê của dân tộc La Chí… cũng được bố trí các môn thể thao dân gian vào phần hội. Điều này đã tạo sân chơi bổ ích, gia tăng sự trải nghiệm cho người dân và du khách.

Qua các mùa lễ hội, các cuộc thi được tổ chức, tỉnh cũng lồng ghép tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của các môn thể thao dân tộc; tăng cường việc đưa văn hóa truyền thống, các môn thể thao dân tộc vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục; quan tâm đầu tư thiết chế thể thao, dành quỹ đất xây dựng sân chơi, bãi tập thể thao tại các khu dân cư; thành lập các nhóm, CLB chơi các môn thể thao dân tộc cũng được tỉnh tích cực triển khai, nhân rộng…

Nhờ những bước đi đó, việc triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc ở Hà Giang đã được phổ biến sâu rộng ở cơ sở.

Lan tỏa phong trào tập luyện TDTT quần chúng

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045 là: Phong trào TDTT cho mọi người phát triển rộng khắp, trong đó số người tập luyện TDTT thường xuyên theo tiêu chí quy định đạt trên 45% dân số; trên 90% học sinh, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; hầu hết các đơn vị hành chính cấp xã cho đến địa bàn ở cơ sở và khu dân cư có CLB thể thao.

Lấy người trẻ làm trung tâm phát triển TDTT quần chúng lâu dài

Đi cùng với đó là nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển TDTT theo Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị trong giai đoạn mới. Đến nay, số người tập luyện TDTT trên địa bàn tỉnh đạt 26% dân số; số gia đình thể thao đạt 16%; 100% trường học thực hiện giáo dục thể chất nội khóa; 87% số trường học hoạt động giáo dục thể chất ngoại khóa; 98% cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong độ tuổi rèn luyện thể lực theo quy định.

Bám sát kế hoạch, mục đích của Chiến lược phát triển TDTT vừa được ban hành, tỉnh Hà Giang đã, đang không ngừng nỗ lực phát triển TDTT để đến năm 2030 số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 38% dân số; số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 28%; số cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tập luyện TDTT đạt trên 90%; số trường học đảm bảo giáo dục thể chất nội khóa đạt 100%, thực hiện tập luyện TDTT ngoại khóa đạt 97%; 100% học sinh các cấp đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể. Đối với lực lượng vũ trang: Tỷ lệ các đơn vị tổ chức hoạt động TDTT thường xuyên đạt 100%; trên 95% các đơn vị đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định; 100% cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định; tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ rèn luyện TDTT thường xuyên đạt 100%.

Theo đó, nhằm thúc đẩy phong trào TDTT phát triển, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; quan tâm huy động tốt các nguồn lực xã hội, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thể thao ngoài trời, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân. Đồng thời, xây dựng mô hình “điểm” về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động TDTT tại các xã, phường, thị trấn. Các CLB, điểm tập luyện TDTT trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tập luyện ở các môn như: Cầu lông, Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Pickleball…

Nỗ lực của ngành TDTT tỉnh Hà Giang còn thể hiện ở mặt: Phong trào TDTT người cao tuổi phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Một số hoạt động TDTT của người cao tuổi thu hút đông các cụ tham gia như: Thể dục dưỡng sinh, Đi bộ, Bơi lội, Bóng bàn... Đặc biệt, các cấp, ngành hàng năm đều tổ chức các giải thi đấu thể thao cho lực lượng thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Trong đó, thanh niên trở thành lực lượng nòng cốt tham gia các giải thi đấu thể thao, các kỳ đại hội TDTT, Hội khỏe Phù Đổng và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác huấn luyện thể lực và luyện tập TDTT trong lực lượng vũ trang đi vào nền nếp, phát triển rộng khắp ở các đơn vị cơ sở với nhiều môn thể thao như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Võ thuật…

Xác định nhiệm vụ phát triển TDTT là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và của mỗi người dân; đầu tư, huy động các nguồn lực phát triển TDTT; khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tập luyện TDTT để rèn luyện sức khỏe; giữ gìn, phát huy những giá trị TDTT truyền thống của các dân tộc trong tỉnh, phát triển nền TDTT mang đậm tính dân tộc, khoa học và văn minh… Đây chính là những nội dung chính trong kế hoạch phát triển TDTT mà Hà Giang đã, đang và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, nhằm triển khai, áp dụng thực tế hiệu quả các nội dung Chiến lược phát triển TDTT mà Bộ, ngành đã giao.

Hoa Phượng, ảnh: HG

 

Ảnh trong bài
  • Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045 tạo điều kiện cho Thể thao quần chúng, thể thao dân tộc phát triển mạnh mẽ tại Hà Giang
  • Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045 tạo điều kiện cho Thể thao quần chúng, thể thao dân tộc phát triển mạnh mẽ tại Hà Giang