Thể thao Người khuyết tật Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí hướng đến nâng tầm quốc tế

Đó là mục tiêu mà Thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã đặt ra nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển TD,TT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chiến lược).

Thể thao Ngưởi khuyết tật Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí hướng đến nâng tầm quốc tế

Không ngừng vươn lên trong suốt hành trình hình thành và phát triển

Giai đoạn từ năm 1995-2007 là thời kỳ phong trào thể dục, thể thao người khuyết tật (NKT) trong nước mới bắt đầu hình thành. Thế nhưng ngay trong lần đầu tiên Hội thi toàn quốc tại tỉnh Quảng Trị được tổ chức vào năm 1997 đã thu hút trên 600 VĐV tham gia. Không chỉ phong trào trong nước được phát triển mà vị thế của thể thao NKT Việt Nam ở đấu trường khu vực cũng từng bước được khẳng định qua mỗi kì Đại hội.

Năm 2001 Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao NKT Đông Nam Á với 45 VĐV, xếp hạng thứ 4. Đến Đại hội lần thứ 2, tổ chức tại Việt Nam vào năm 2003, Thể thao NKT Việt Nam đã nhanh chóng cải thiện thành tích lên vị trí Nhì toàn đoàn và tiếp tục duy trì thứ hạng này tại Đại hội lần thứ 3 tổ chức tại Manila năm 2005.

Kể từ đó, phong trào TDTT NKT phát triển mạnh ở nhiều địa phương (45/63) tỉnh thành; 33-35 tỉnh thành thường xuyên có VĐV tham dự hội thi, giải toàn quốc, thu hút 1300 VĐV tham gia, số NKT tham gia hoạt động TDTT trên 25.000 người.

Vị thế Thể thao NKT Việt Nam không ngừng được khẳng định trên đấu trường châu lục. Tại Đại hội thể thao người khuyết tật Châu Á lần thứ 1, năm 2010 tại Quảng Châu, đoàn VĐV Thể thao NKT Việt Nam xếp hạng 12/43 (3 HCV, 4 HCB và 10 HCĐ), đến Đại hội Châu Á,  năm 2014 tại Incheon, Hàn Quốc, thành tích của Thể thao NKT Việt Nam đã được cải thiện lên vị trí 10/45 quốc gia vùng lãnh thổ (9 HCV,7 HCB và 13 HCĐ).

Không dừng lại ở đó, Thể thao NKT Việt Nam vươn mình ra đấu trường thế giới để ghi tên mình vào bảng Vàng thành tích của một sự kiện thể thao đa môn lớn nhất hành tinh dành cho các VĐV Paralympic. Tại Paralympic lần thứ 15 diễn ra tại Rio De Janeiro Brazil vào 2016 với sự tham gia của 4.358 VĐV đến từ 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, đoàn Thể thao NKT Việt Nam tham gia thi đấu 03 môn trên tổng số 23 môn thi tại Thế vận hội, đã xuất sắc giành 01 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ, xếp hạng 55/162 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây được đánh giá là thành công lớn nhất của Thể thao NKT Việt Nam sau 20 năm hình thành và phát triển.

Thực tế cũng cho thấy, hàng năm chất lượng phong trào vận động NKT tham gia tập luyện TDTT năm sau cao hơn năm trước, số lượng câu lạc bộ (CLB) Thể thao NKT, cơ sở dân lập, trung tâm phục hồi chức năng, trung tâm giáo dục trẻ em thiệt thòi được kiện toàn và chất lượng được nâng cao (490 cơ sở). Số NKT tập luyện thường xuyên tại CLB TDTT trên 8000 người/ năm (theo thống kê báo cáo của các tỉnh, thành phố), tổng số người tham gia tập luyện thường xuyên trên 30.000 người. Tiêu biểu là các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thái Nguyên, Thái Bình, Khánh Hòa, Nam Định, Hà Nam, Lạng Sơn ...thu hút thêm trên 2300 hội viên ở các môn: Bơi, Cử tạ, Điền kinh, Judo khiếm thị, Quần vợt Xe lăn, Bắn cung, Taekwondo, Yoga, khiêu vũ thể thao, Thể thao điện tử...  Giải thể thao trong nước ngày càng thu hút đông đảo tổ chức Hội, CLB NKT. Trung bình mỗi năm thu hút trên 1200 - 1300 VĐV, HLV của 33-35 tỉnh, thành phố tham gia…

Tiếp tục khẳng định vị trí bằng những mục tiêu cụ thể

Thể thao Người khuyết tật (NKT) Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu và giải pháp nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, hướng đến nâng tầm quốc tế vào năm 2030 và xa hơn là hòa nhập vào kỷ nguyên vươn mình của quốc gia.

Giai đoạn 2024-2030, để thúc đẩy mạnh mẽ phong trào, Thể thao NKT Việt Nam đặt mục tiêu 70% trong 63 tỉnh, thành phố có CLB thể thao dành cho NKT và có công trình TDTT bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT; Mở rộng, phổ biến và phát triển 15 môn thể thao (Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Cờ vua, Bóng bàn, Cầu lông, Judo khiếm thị, Taekwondo, Bắn cung, Quần vợt xe lăn, Khiêu vũ thể thao, Yoga, Bóng đá người khiếm thị (5 người), Thể thao điện tử, Pickleball và Boccia, Golf công viên) trở lên cho NKT tập luyện, thu hút 35.000-40.000 tham gia. Kiện toàn hệ thống giải vô địch toàn quốc hàng năm với các môn: Cầu lông, Bóng bàn, Cử tạ, Điền kinh, Bơi và Cờ vua, Pickleball thu hút 1300 VĐV trở lên tham gia.

Thể thao NKT cũng đặt mục tiêu xây dựng lực lượng kế cận thông qua hệ thống học sinh năng khiếu thể thao tại cấp tỉnh, thành phố cũng như duy trì 55-60 VĐV (bổ sung 10-15 VĐV trẻ), thường xuyên được tập luyện tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia và các địa phương để sẵn sàng tham gia các giải quốc tế.

Cùng với đó là hướng đến đấu trường khu vực, châu lục và thế giới với những con số cụ thể như mục tiêu tốp 4 tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 13 tại Thái Lan; Mục tiêu có HCV tại Đại hội Thể thao Châu Á Aichi-Nagoya tại Nhật Bản năm 2026; Phấn đấu có từ 7-10 VĐV đạt chuẩn tham dự Paralympic, Los Angeles năm 2028 ở 3 môn trọng điểm: Điền kinh, Bơi và Cử tạ (mục tiêu có huy chương).

Xây dựng hệ thống giải pháp trọng tâm để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra

Để xây dựng Hệ thống giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu đặt ra, góp phần vào hiện thực hóa Chiến lược, Thể thao NKT cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế đang phải đối mặt. Đó là việc một số tỉnh, thành chưa thực sự thấy rõ lợi ích của thể thao làm thay đổi cuộc sống của NKT, góp phần làm ổn định xã hội.

Trong khi lực lượng VĐV NKT của các quốc gia có thế mạnh trên thế giới có tuổi đời rất trẻ, thành tích vượt trội, chất lượng đào tạo VĐV được chuyên môn hóa cao, Thể thao NKT Việt Nam chưa có nguồn VĐV trẻ kế cận.

Bên cạnh đó, điều kiện về cơ sở vật chất cho tập luyện còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và chưa mang tính chuyên nghiệp cao; Đội ngũ huấn luyện viên, cộng tác viên còn thiếu; HLV có trình độ huấn luyện nâng cao chưa đáp ứng được với thực tế; Đội ngũ khám phân loại thương tật còn mỏng, năng lực chuyên môn và kiến thức ngoại ngữ còn hạn chế…

Từ thực tế nêu trên, trong thời gian tới, Thể thao NKT Việt Nam sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trong cộng đồng xã hội về tác dụng, lợi ích của luyện tập TDTT đối với việc nâng cao thể lực, sức khỏe, giúp NKT hòa nhập cộng đồng và tạo điều kiện cho họ có bản lĩnh vươn lên làm chủ trong cuộc sống.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức hội, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia nhằm phát triển phong trào, các CLB cơ sở, tổ chức thi đấu, tạo sân chơi thể thao trong cộng đồng.

Định hướng phát triển phát triển thể thao thành tích cao NKT nhằm tuyển chọn lực lượng VĐV trẻ là giải pháp mà Thể thao NKT Việt Nam hướng tới nhằm xây dựng lực lượng kế cận

Huy động nguồn lực xã hội, phát huy vai trò của công tác xã hội hóa hỗ trợ, đồng hành các sự kiện thể thao của NKT; Hỗ trợ VĐV NKT khi giải nghệ thi đấu là một trong những nội dung mà Thể thao NKT chú trọng đưa vào hệ thống giải pháp để thể thao sẽ thực sự trở thành cầu nối giúp NKT chủ động hòa nhập cộng đồng và tạo điều kiện cho họ có bản lĩnh vươn lên làm chủ cuộc sống.

A.T, ảnh toquoc.vn

Ảnh trong bài
  • Thể thao Người khuyết tật Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí hướng đến nâng tầm quốc tế
  • Thể thao Người khuyết tật Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí hướng đến nâng tầm quốc tế