Hội nghị Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đối với trang thiết bị môn Lặn biển thể thao

Sáng 25/11, Cục TDTT đã tổ chức Hội nghị quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đối với trang thiết bị môn Lặn biển thể thao. Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh chủ trì Hội nghị.

Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự góp mặt của đại diện Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng, Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Khánh Hòa, Trường Đai học TDTT Đà Nẵng, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, cùng đông đảo các công ty thuộc khối các doanh nghiệp đang có câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ở môn Lặn.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Cục trưởng Cục TDTT phát biểu tại Hội nghị 

Ông Tần Lê Minh – Chánh văn phòng Cục TDTT cho biết: Trong những năm qua ngành TDTT đã có nhiều đề tài cấp Bộ, Nhà nước tập trung về các mặt trong lĩnh vực TDTT, song vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu của ngành cũng như chưa theo kịp với xu thế phát triển khoa học công nghệ hiện đại. Một trong những vấn đề còn bỏ ngỏ và chậm trễ chính là xây dựng dựng Quy chuẩn Việt Nam cho các trang thiết bị thuộc lĩnh vực TDTT. Thực tế, các thiết bị Lặn biển thể thao được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở hoạt động Lặn biển thể thao giải trí từ quốc tế đến trong nước. Các thiết bị này được nhập khẩu, phân phối và bán lẻ khá phổ biến trên thị trường Việt Nam do nhu cầu tập luyện, rèn luyện sức khỏe cho nhân dân. Việc cung cấp và sử dụng trang thiết bị này ở nước ta cho đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể. Cả nước có hàng trăm cửa hàng, trang web quảng cáo bán các thiết bị Lặn biển thể thao, nhưng hoàn toàn không có thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong khi đó việc mở các cơ sở hoạt động Lặn biển thể thao cũng rất đơn giản chỉ cần có mặt bằng, có hướng dẫn viên và trang thiết bị.

Ngoài ra, hầu hết các cơ sở hoạt động kinh doanh các tour du lịch biển Lặn ngắm san hô là tự phát; hướng dẫn viên, thuyết minh viên cho các tour du lịch biển đảo chủ yếu là ngư dân địa phương, chưa được đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ về du lịch; loại hình Lặn biển, ngắm san hô theo hình thức thô sơ (chỉ có kính lặn và vòi hơi), thiếu các trang, thiết bị, dụng cụ Lặn biển cho khách lặn. Đặc biệt, người hướng dẫn không có giấy chứng nhận chuyên môn, nghiệp vụ do Cục TDTT hoặc Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam hay tổ chức Lặn biển thể thao giải trí nước ngoài cấp và được Cục TDTT công nhận, chứng nhận. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cũng như gây ra nhiều khó khăn đối với công tác quản lý hoạt động Lặn biển thể thao của các địa phương.

Ông Tần Lê Minh - Chánh văn phòng Cục TDTT

Chính vì vậy, việc lấy ý kiến từ các đại biểu tham dự Hội thảo lần này có ý nghĩa rất lớn trong việc hoàn thiện, điều chỉnh các Quy chuẩn Việt Nam về an toàn đối với trang thiết bị môn Lặn biển thể thao.

Tại Hội thảo, một số ý kiến đến từ các công ty, doanh nghiệp đều tập trung vào vấn đề làm sao sớm được tiếp cận với các văn bản hướng dẫn hợp pháp được cơ quan quản lý nhà nước chủ quản ban hành trong việc quy định cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo đúng chuẩn, an toàn cho người tham gia chơi và tập luyện môn thể thao này. Từ đó sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các công ty, doanh nghiệp, câu lạc bộ trên cả nước đang hoạt động ở lĩnh vực này áp dụng, thực hiện.

Toàn cảnh Hội nghị

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp từ đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu trực tiếp cũng như các đầu cầu trực tuyến, đại diện tổ soạn thảo Quy chuẩn Việt Nam về an toàn đối với trang thiết bị môn Lặn biển thể thao, ông Tần Lê Minh cho rằng: Việc ban hành Quy chuẩn Việt Nam chắc chắn sẽ mang đến những tác động tích cực đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn cho hoạt động Lặn biển thể thao tại Việt Nam. Cùng với đó sẽ nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý hoạt động về lĩnh vực TDTT. Sau Hội thảo lần này, tổ soạn thảo sẽ tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện Quy chuẩn Việt Nam.

Lặn biển là môn thể thao mạo hiểm dưới nước và có nhiều rủi ro. Có 2 hình thức lặn chủ yếu là: lặn có thiết bị hỗ trợ thở (scuba), lặn không có thiết bị hỗ trợ thở (freedive). Trang bị cho một thợ lặn scuba bao gồm: Chân vịt, mắt kính, quần áo lặn, thiết bị cân bằng độ nổi, thiết bị điều chế thở, dây chì, bình dưỡng khí... Còn đối với lặn không có thiết bị hỗ trở thở bao gồm: Chân vịt, mắt kính, quần áo lặn, dây chì. Ngoài ra, trang thiết bị bắt buộc phải có của cơ sở hoạt động Lặn biển và các thiết bị cá nhân dành cho người hướng dẫn, người tham gia hoạt động lặn biển còn gồm máy nén khí, bình khí nén, bình ô xy, đồng hồ định vị, đồng hồ đo áp lực, đồng hồ đo độ sâu, đồng hồ đo nhiệt độ, đồng hồ đo thời gian lặn, hệ thống van, đường ống dẫn khí đến miệng thở, phao cứu sinh. Hiện chưa có văn bản nào quy định về điều kiện trang, thiết bị đối với từng loại hình Lặn biển mà cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ lặn biển cần phải đáp ứng.

 

N.Hương, Ảnh: V.Duy

Ảnh trong bài
  • Hội nghị Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đối với trang thiết bị môn Lặn biển thể thao
  • Hội nghị Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đối với trang thiết bị môn Lặn biển thể thao
  • Hội nghị Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đối với trang thiết bị môn Lặn biển thể thao