Thể thao Việt Nam: Nỗ lực cho mục tiêu ngang tầm châu lục

Một mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển Thể dục thể thao (TDTT) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Thể thao Việt Nam nâng cao thành tích, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Vậy ngành Thể thao cần làm gì để hoàn thành mục tiêu này?

Đặt mục tiêu có mặt trong top 20 ASIAD

Chiến lược cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là thể thao thành tích cao duy trì trong top 3 tại các kỳ SEA Games và trong top 20 tại các kỳ Asian Games (ASIAD); trong đó phấn đấu đạt từ 5-7 huy chương vàng (HCV) tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic, bóng đá nam trong top 10 châu Á và bóng đá nữ trong top 8 châu Á.

Thể thao Việt Nam phải tiến hành những giải pháp tổng thể, huy động được nhiều nguồn lực mới mong sớm cải thiện được thành tích. Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ là: Thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong top 2 tại các kỳ SEA Games, trong top 15 tại các kỳ ASIAD và top 50 tại các kỳ Olympic; bóng đá nam trong top 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ trong top 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.

Với riêng đấu trường lớn nhất châu lục là ASIAD, mục tiêu đến năm 2030 chúng ta sẽ có mặt trong top 20 và có được từ 5-7 HCV, nghe thì có vẻ đơn giản nhưng theo các chuyên gia, nhà quản lý để thực hiện được lại cần phải có một kế hoạch dài hơi và sự đầu tư bài bản, kiên trì.

Bởi ASIAD giờ đây không đơn thuần là cuộc đua của các ông lớn trong khu vực, mà còn là cuộc đua của các cường quốc thể thao thế giới. Điển hình nhất phải kể đến là Trung Quốc, nếu lấy mốc thời gian từ Olympic Sydney 2000 tới nay, cường quốc thể thao số 1 châu lục đã có vị trí thống trị trong top đầu của thế giới. Trải qua 7 kỳ Olympic, quốc gia này đã có 2 lần đứng ở vị trí thứ 3, 4 lần đứng ở vị trí thứ 2 và một lần dẫn đầu vào năm 2008.

Nhật Bản cũng là cường quốc đáng nể khi nhiều lần vươn lên top đầu thế giới. Cùng với đó là sự khẳng định mạnh mẽ của thể thao Hàn Quốc. Họ là 3 đối thủ mạnh, chiếm tỉ trọng lớn huy chương tại các kỳ Olympic và nhất là tại các kỳ ASIAD. Tại kỳ Đại hội gần đây nhất, Asian Games 2022, tổ chức trên đất Hàng Châu (Trung Quốc), đây là 3 quốc gia dẫn đầu Đại hội.

Trong khi đó Việt Nam xếp ở vị trí thứ 21 với 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ. Thực tế tại các kỳ ASIAD cho thấy, cuộc chiến cạnh tranh HCV của VĐV Việt Nam, nếu không “né” được các VĐV mạnh đến từ 3 quốc gia này thì sẽ khó có cửa. Bên cạnh đó không thể không nhắc tới các đối thủ đến từ Ấn Độ, Uzbekistan, Đài Loan (Trung Quốc), Iran, Triều Tiên, Thái Lan...

Có thể nói thực tiễn qua các kỳ Olympic 2020, Olympic 2024, ASIAD 2018, ASIAD 2022 gần đây đã chỉ ra rằng đã tới lúc Thể thao Việt Nam tiếp tục cần có sự nhìn nhận mới về cách thức đầu tư cho thể thao thành tích cao và nếu chúng ta không thay đổi thì rất khó hướng tới 2 đấu trường lớn này trong giai đoạn tới, như mong muốn của Chiến lược phát triển TDTT vừa được phê duyệt.

Cần có cơ sở dữ liệu về các VĐV

Chiến lược cũng đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ và giải pháp để biến mục tiêu thành hiện thực. Trong đó có việc quan trọng là khẩn trương hoàn thiện việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên, bảo đảm phù hợp với thế mạnh, điều kiện của nước ta và bám sát xu thế của thế giới, góp phần quan trọng thực hiện được các mục tiêu, định hướng; nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, khuyến khích, chăm sóc, đãi ngộ với từng nhóm môn, lực lượng vận động viên. Ưu tiên nguồn lực, đầu tư trọng điểm, chuyên sâu cho lực lượng VĐV có khả năng giành huy chương ASIAD và Olympic.

Bộ VHTTDL được giao triển khai cụ thể việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; chủ trì xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD trong giai đoạn tới, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025.

Ngoài các nhóm giải pháp nêu trên, Nhà giáo Ưu tú, PGS. TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Bắc Ninh phân tích, thời gian từ nay đến năm 2030, chúng ta sẽ còn 2 kỳ ASIAD để hoàn thành mục tiêu. Thoạt nghe thì có vẻ như từ vị trí thứ 21 tại kỳ ASIAD 19, vươn lên vị trí thứ 20 trên đấu trường châu lục, tức là chúng ta chỉ phải tăng thêm 1 bậc trên bảng tổng sắp là không khó, nhưng thực tế cuộc cạnh tranh từng chiếc HCV tại các kỳ Đại hội thể thao lớn nhất châu lục lại rất khốc liệt. Để có thêm từ 2-4 HCV hoàn thành được mục tiêu có từ 5-7 HCV tại kỳ Đại hội này không phải là câu chuyện dễ dàng.

Muốn đạt được mục tiêu trên, chắc chắn rằng Thể thao Việt Nam sẽ phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp tổng thể. Trong đó có việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong đào tạo VĐV, từ đổi mới các tiêu chí, tiêu chuẩn đến quy trình, phương thức trong tuyển chọn, đào tạo VĐV; chú trọng ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao chất lượng đào tạo.

“Trong thời đại công nghệ và trí tuệ AI có thể ứng dụng được vào nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực TDTT, cũng cần trang bị các phòng huấn luyện công nghệ cao tại các cơ sở đào tạo VĐV trọng điểm. Việc ứng dụng công nghệ AI vào chu trình huấn luyện sẽ giúp cho quá trình huấn luyện của các HLV hiệu quả hơn. AI sẽ cung cấp được các thông số sát thực về các VĐV để các HLV có thể điều chỉnh, nhằm cải thiện, nâng cao thành tích thi đấu. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần tăng cường bố trí huấn luyện viên, chuyên gia giỏi, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia tâm lý cho các đội tuyển, đội tuyển trẻ để kịp thời theo dõi, nắm bắt tâm lý, kỹ thuật của VĐV nhằm kịp thời điều chỉnh giáo án cho phù hợp”, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc phân tích.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT hàng đầu cả nước, muốn cải thiện nâng cao thành tích cho các VĐV chúng ta cần lưu ý xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về VĐV từ cấp cơ sở tới cấp trung ương. Điều đó tương đồng với việc ngay từ khi các em bước chân vào các đội tuyển ở cấp địa phương, hệ thống quản lý dữ liệu này đã đồng hành cùng các em. Những thông số kỹ thuật trong huấn luyện, điểm mạnh, điểm yếu của từng em, đặc điểm về thể hình, thể lực, tâm lý, các chỉ số y sinh học sẽ được cập nhật liên tục. Khi các em lên đội tuyển quốc gia, các HLV sẽ có một hệ thống cơ sở dữ liệu để phân tích và chọn ra quy trình huấn luyện phù hợp, thay vì phải theo dõi lại từ đầu như hiện nay. “Đây cũng là cách mà các nền thể thao tiên tiến đã thực hiện và đã phát huy hiệu quả. Trong thời đại công nghệ như hiện nay, chúng ta càng có thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện công đoạn rất cần thiết này”, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc đề nghị.

Thu Sâm (Báo Văn hóa)

Ảnh trong bài
  • Thể thao Việt Nam: Nỗ lực cho mục tiêu ngang tầm châu lục