You must configure this module first via "Module Settings"

Từ chuyện của tuyển thủ Cầu lông VN Nguyễn Tiến Minh

Những tháng đầu năm 2010, nhờ vào thành tích ở một số giải quốc tế quan trọng như vào đến tứ kết giải Korea Super Series, rồi bán kết giải Cầu lông Malaysia Open và với điểm cộng từ giải đồng đội Thomas Cup vòng loại Châu Á vừa rồi, Tiến Minh mới trở lại được thứ hạng này. Đằng sau những kỳ tích đưa một tay vợt VN lần đầu tiên đi vào lịch sử Cầu lông thế giới với tư cách là 1 trong 10 gương mặt xuất sắc nhất là gì?

Cách nay khoảng 6 tháng, sau khi giành quyền vào tranh bán kết giải Cầu lông Super Series Nhật (tháng 9/2009), Nguyễn Tiến Minh (TPHCM) đã vinh dự xếp hạng 7 thế giới (do Liên đoàn Cầu lông thế giới – BWF bình chọn). Vị trí này cũng chỉ duy trì được 4 tuần liền.

Những tháng đầu năm 2010, nhờ vào thành tích ở một số giải quốc tế quan trọng như vào đến tứ kết giải Korea Super Series, rồi bán kết giải Cầu lông Malaysia Open và với điểm cộng từ giải đồng đội Thomas Cup vòng loại Châu Á vừa rồi, Tiến Minh mới trở lại được thứ hạng này. Đằng sau những kỳ tích đưa một tay vợt VN lần đầu tiên đi vào lịch sử Cầu lông thế giới với tư cách là 1 trong 10 gương mặt xuất sắc nhất là gì?

Chưa bao giờ giành được huy chương ở các Đại hội thể thao quốc tế!

Quả thật, có lẽ Tiến Minh là VĐV duy nhất từ trước đến nay được bình chọn vào danh sách các VĐV Việt Nam tiêu biểu nhất trong 2 năm liền (2008, 2009) và đều đứng thứ 5. Thế nhưng, anh lại chưa hề đoạt được huy chương nào cho TTVN ở các Đại hội Thể thao quốc tế cùng năm: Olympic Bắc Kinh 2008 bị loại sau khi thua một tay vợt Hồng Kông ờ vòng ngoài, SEA Games 25 – 2009 thua tay vợt dưới cơ Tanongsak (Thái Lan).

Tuy không giành huy chương ở các Đại hội Thể thao chính thống của khu vực, châu lục hay tầm vóc thế giới, nhưng nhờ một loạt thành tích ở các giải đấu trong hệ thống của BWF, như vô địch các giải: Robot VN Challenge 2008; giải Đài Loan - Trung Quốc mở rộng (tháng 8/2009), danh hiệu Grand Prix Gold thứ 2 sau chức vô địch tại Thái Lan trước đó một tháng…, Tiến Minh xứng đáng được sự quan tâm đầu tư của địa phương chủ quản, các nhà mạnh thường quân và việc anh giành nhiều phiếu bầu của các nhà báo thể thao trong cả nước để lọt vào danh sách VĐV tiêu biểu hai năm gần đây nhất của TTVN là điều dễ hiểu.

Nhiều địa phương đã chủ động tự vượt khó…

Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, không ít tài năng thể thao đã được tạo điều kiện tốt nhất để có thể vươn xa. Trước đây, “mở hàng” cho việc làm này là ở môn Cờ Vua khi nhận được sự bảo trợ, dìu dắt của ông Hoàng Minh Chương (bố của Đại kiện tướng quốc tế Hoàng Thanh Trang), lần lượt những tài năng trẻ của Cờ Vua VN lúc bấy giờ như: Đào Thiên Hải (Đồng Tháp), Nguyễn Ngọc Trường Sơn (Kiên Giang), Nguyễn Anh Dũng (Quảng Ninh), Cao Sang (Lâm Đồng)... đã có quãng thời gian sang Hungari “tầm sư học đạo”. Nhờ đó mà kỳ nghệ của họ nâng lên rõ rệt.

Kế đến là một số VĐV các môn khác tiếp bước, như Nguyễn Hoàng Thiên, Huỳnh Phương Đài Trang (Quần vợt) hay có thể kể đến trường hợp tiền đạo Lê Công Vinh (Bóng đá) được bầu Hiển của CLB T&T Hà Nội đưa sang Bồ Đào Nha rèn nghề một thời gian ngắn theo sự giới thiệu của HLV H.Calisto.

Gần nhất là được sự chấp thuận của lãnh đạo địa phương, ngành TDTT TPHCM đã mạnh dạn tạo khâu đột phá: thuê chuyên gia giỏi của nước ngoài để huấn luyện nâng cao cho Lê Quang Liêm (Cờ Vua), Nguyễn Tiến Minh (Cầu lông)… nhờ đó Liêm đã vừa lập nên thành tích vang dội trong làng cờ thế giới: tháng 9/2009, vô địch giải Kolkata mở rộng lần thứ IV tại Ấn Độ; hạng 3 (đồng 7 điểm với 3 ĐKT quốc tế khác trong tốp đứng đầu) giải Matxcova (100 kỳ thủ, trong đó có 75 ĐKTQT) và sau đó đoạt chức vô địch giải Aeroflot (có 165 ĐKTQT), với hệ số Elo từ 2647 lên 2689 nên hiện lọt vào top 50 kỳ thủ hàng đầu TG. Tương tự, Nguyễn Tiến Minh cũng thăng tiến vượt bậc sau khi có thầy “xịn” Asep Suharno (Indonesia) sang dẫn dắt từ ngày 1/2/2010, với mức lương TPHCM trả cho ông là 5.000USD/tháng (gấp hai lần định mức “trần” theo quy định).

Giải pháp từ những bài học thực tiễn!

Cái lợi từ việc thực hiện chủ trương xã hội hóa lĩnh vực thể thao đã thấy rõ. Thế nhưng, khi những VĐV do các tổ chức, cá nhân ở địa phương vun sức đầu tư để lập thành tích góp phần mang vinh dự và niềm tự hào về cho quê hương, đất nước, nhìn lại mới thấy, dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn cho sự nghiệp phát triển TDTT nhưng vai trò của một số đơn vị có trách nhiệm đối với TTVN dường như khá mờ nhạt.

Như với trường hợp cụ thể của Tiến Minh, hai năm qua ngoài khoản đầu tư từ phía Sở VH,TT&DL và Liên đoàn Cầu lông TPHCM, Công ty Becamex Bình Dương đã ký một hợp đồng để tiếp sức với tay vợt này: Nếu đứng trong top 10 TG, anh sẽ được nhận mức lương 50 triệu đồng/tháng. Ấy thế nên kể từ tháng 11/2009, khi bị “văng” xuống hạng 11 TG, Tiến Minh phải chịu mất…30 triệu đồng mỗi tháng.

Do vậy có thể thấy việc Tiến Minh không có huy chương chẳng có gì khó hiểu. Bởi, trước mỗi kỳ tham dự các Đại hội Thể thao chính thống cho ĐTQG như: Olympic Bắc Kinh 2008 hay SEA Games 25 vừa qua chẳng hạn, Tiến Minh đã không có được chuyên gia giỏi kèm cặp, đề ra các bài tập nhằm khắc phục những mặt hạn chế, đồng thời trực tiếp chỉ đạo trên sàn đấu, giúp anh tự tin vượt qua những thời điểm khó khăn - nhất là về mặt tâm lý, để có thể đạt được những thành tích đúng với khả năng.

Từ câu chuyện thực tế của Nguyễn Tiến Minh và một số VĐV khác đã cho thấy đó là một bài học, là cách làm không quá khó đối với những nhà quản lý, nhằm giúp cho các tài năng của TTVN có thể chắp cánh vươn xa trên các đấu trường quốc tế trong thời gian tới.

Anh Huy
   

Ảnh trong bài
  • Từ chuyện của tuyển thủ Cầu lông VN Nguyễn Tiến Minh