Trong lĩnh vực TDTT quần chúng, các cơ sở TDTT ngoài công lập tăng nhanh, trung bình gấp từ 2 đến 3 lần so với năm 2001. Loại hình hoạt động chủ yếu là các CLB, trung tâm, cơ sở dịch vụ TDTT và trung tâm văn hoá - TDTT có thu phí. Các thành phố lớn có từ 10 đến 20, địa phương có từ 5-10 liên đoàn, hiệp hội thể thao hoạt động tương đối hiệu quả. Đặc biệt, kinh phí huy động trong dân tăng nhanh hằng năm, chiếm tỷ trọng từ 60%-80% tổng kinh phí chi cho các hoạt động TDTT quần chúng; huy động được hàng trăm triệu tới hàng chục tỷ đồng ngoài ngân sách chi cho tổ chức đại hội TDTT các cấp. Đây là một kết quả hết sức quý báu đối với sự nghiệp phát triển ngành TDTT cũng như đối với việc thực hiện chủ trương xã hội hoá TDTT của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Lĩnh vực thể thao thành tích cao, tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao các CLB, đội thể thao thành tích cao từ cơ quan nhà nước sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; đơn vị sự nghiệp tự chủ, tự hạch toán; câu lạc bộ do doanh nghiệp tài trợ, đỡ đầu hoặc chuyển giao toàn bộ cho doanh nghiệp quản lý. Riêng trong Bóng đá, tất cả các CLB chuyên nghiệp và phần lớn câu lạc bộ A1 đã chuyển sang mô hình doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoặc CLB do doanh nghiệp tài trợ. Các CLB Bóng chuyền, Bóng chuyền bãi biển hạng mạnh đã hoàn thành việc chuyển giao cho các doanh nghiệp đỡ đầu. Các môn Golf, Bowling, Billiard & Snooker, Quần vợt, Khiêu vũ thể thao là các môn thể thao mới, có nhiều điều kiện thuận lợi để xã hội hoá tối đa, từ việc đào tạo VĐV đến tổ chức thi đấu và tham dự các hoạt động thi đấu quốc tế nên chủ yếu là do các CLB ngoài công lập đảm nhận.
Một số môn thể thao khác như Điền kinh, Xxe đạp, Quần vợt, Võ thuật... đã hình thành các cơ sở TDTT tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí, ngân sách hoạt động. Trong đào tạo VĐV thể thao thành tích cao, đã có sự tham gia ngày càng sâu của các thành phần ngoài công lập. Tiêu biểu như: Học viện Bóng đá Hoàng Anh - Arsenal, Trung tâm TDTT Thành Long, Trung tâm TDTT Đông Nam Dược Bảo Long, Công ty TNHH Bóng đá trẻ Văn Sỹ Thuỷ... Trong tổ chức thi đấu, đã làm tốt công tác vận động tài trợ để tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao lớn, có tổng mức đầu tư lên tới hàng tỷ đồng mỗi giải.
Trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, nhiều hoạt động xã hội hoá có hiệu quả xã hội cao đã tổ chức với sự tham gia với sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật xã hội hoá và đơn vị nghệ thuật công lập. Các hoạt động văn hoá cơ sở đã bám sát chủ trương xã hội hoá, trong đó Ngành văn hoá hướng dẫn, chỉ đạo; hoạt động dịch vụ văn hoá do cá nhân tự tổ chức, tự bỏ vốn đã phát triển tương đối mạnh; đã huy động, khuyến khích được các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội tham gia xây dựng, tôn tạo, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử của địa phương, khôi phục, phát triển các lễ hội truyền thống... Nhiều tỉnh-thành đã ban hành một số cơ chế chính sách khuyến khích về đất đai, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, huy động vốn, hỗ trợ lãi suất kích cầu đầu tư, về tài chính, thuế, chính sách cán bộ và chính sách phát triển các loại hình dịch vụ ngoài công lập.
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã được tổ chức sắp xếp lại để hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, đó là mặt thành tích hết sức tích cực trong công tác xã hội hoá tại các lĩnh vực thuộc Bộ mà vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đặc biệt là việc huy động các nguồn lực phục vụ hoạt động văn hoá, thể thao của nhiều địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn.
TH